QC 1
Chủ nhật, ngày 19/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

G20 kỳ vọng tạo cơ hội giải quyết hàng loạt vấn đề quốc tế quan trọng

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm nay, diễn ngày 30/11-1/12 tới, tại Argentina, được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội để giải quyết hàng loạt vấn đề quốc tế quan trọng đang chi phối đời sống chính trị-kinh tế thế giới.

 

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, căng thẳng Nga-Ukraine tại Eo biển Kerch, bất đồng quanh vụ sát hại nhà báo Saudi Arabia hay… là những “nút thắt” chính có thể được tháo gỡ tại các cuộc thảo luận cả đa phương lẫn song phương trong hội nghị.

Tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, G20 đánh dấu 10 năm diễn đàn được nâng cấp, từ một nhóm quy tụ các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng 19 nước có nền kinh tế quy mô lớn và Liên minh châu Âu (EU), trở thành diễn đàn cấp cao nhất, nơi các nhà lãnh đạo bàn thảo và đưa ra những quyết sách có tác động mạnh mẽ tới hệ thống kinh tế, tài chính và thương mại toàn cầu.

Bởi vậy, hội nghị thượng đỉnh năm này được ví như một cột mốc để nhìn lại những gì G20 đã làm được trong thập niên qua, cũng như để G20 khẳng định lại vai trò là diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế quốc tế và quản trị kinh tế toàn cầu trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan và cạnh tranh địa chính trị gia tăng như hiện nay.

Cách đây một thập niên, vào tháng 11/2008, giữa “vực thẳm” của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, nguyên thủ các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới đã gặp nhau như những đối tác bình đẳng, bằng chứng hùng hồn nhất của chủ nghĩa đa phương.

Với các thành viên đại diện cho 2/3 dân số thế giới, tạo ra 85% GDP toàn cầu, chiếm 75% thương mại quốc tế, G20 có khả năng hoạt động năng động hơn và không bị ảnh hưởng bởi các khối chính trị từng làm tê liệt Liên hợp quốc và các tổ chức đa phương khác.

Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất đối với G20 ngày nay chính là chủ nghĩa dân tộc cực đoan cùng những chính sách đơn phương.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền năm 2017 với chính sách “Nước Mỹ trước tiên,” những chia rẽ giữa các nền kinh tế trong G20, đặc biệt giữa Mỹ và các nước EU chủ chốt, bắt đầu bộc lộ rõ…

Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2017 tại Hamburg, ông Trump đã “đi ngược chiều” với 19 lãnh đạo còn lại, khi không chịu phản đối chủ nghĩa bảo hộ hay không ủng hộ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, khiến cuộc gặp này trở thành một trong những cuộc đối đầu căng thẳng nhất từ trước tới nay giữa các lãnh đạo G20.

Cuộc “hội ngộ” giữa Tổng thống Trump với các lãnh đạo khác của G20 tại Buenos Aires sắp tới được dự báo cũng sẽ không kém phần căng thẳng, trên “phông nền” thất bại của hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu (G7) ở Canada hồi tháng Sáu vừa qua, hay những bất đồng tại hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea tháng 11 vừa qua, khiến các lãnh đạo không thể thông qua tuyên bố chung.

Xung đột thương mại leo thang mà đỉnh điểm là cuộc chiến thuế quan chưa có hồi kết giữa hai nền kinh tế hàng đầu G20 Mỹ và Trung Quốc, đang có nguy cơ gây bất ổn cũng như kìm hãm các hoạt động kinh tế một cách nghiêm trọng. Một sự kiện trong khuôn khổ hội nghị lần này thu hút sự quan tâm của dư luận là những căng thẳng giữa Nga và phương Tây sau sự cố trên biển Azov. Tổng thống Mỹ Trump đã chính thức tuyên bố hủy cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin cho dù phía Nga vẫn khẳng định đây là cơ hội cần thiết đối với cả hai bên để giải quyết những bất đồng trong một loạt vấn đề.

Ngoài ra, việc Mỹ quyết tâm buộc Trung Quốc phải “hành động thay đổi” như tuyên bố của Phó Tổng thống Mike Pence tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 ở Papua New Guinea mới đây, trong khi Trung Quốc tiếp tục bảo vệ chính sách thương mại của mình, khiến dư luận lo ngại về những tác động tới sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh G20. Chính vì vậy, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung sắp tới bên lề hội nghị G20 tại Argentina được kì vọng sẽ tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thương mại hiện nay. Mặc dù giới quan sát cho rằng cuộc gặp này khó có thể giải quyết ngay lập tức những căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, song đây có thể sẽ là một tín hiệu tích cực hướng tới tương lai.

Bên cạnh đó, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bất bình đẳng gia tăng cùng những căng thẳng và bất đồng lan rộng khiến G20 đối mặt với cuộc khủng hoảng suy giảm lòng tin trầm trọng. Bởi vậy, chủ nhà Argentina đã xác định 3 ưu tiên trong năm chủ tịch của mình, dưới chủ đề chính là “xây dựng đồng thuận vì sự phát triển công bằng và bền vững.”

Tại loạt hội nghị cấp bộ trưởng G20 diễn ra từ đầu năm tới nay, G20 đã chia sẻ quan ngại về tình hình xung đột thương mại toàn cầu leo thang, tái khẳng định tầm quan trọng của thương mại tự do trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đối thoại và hành động nhằm giảm nhẹ các nguy cơ và tăng cường lòng tin. Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các nước thành viên vẫn đang thảo luận căng thẳng để có thể đạt được một thỏa thuận trong các vấn đề then chốt như thương mại, di cư và biến đổi khí hậu trước khi các lãnh đạo G20 chính thức nhóm họp vào ngày 30/11.

Tuy nhiên, các hội nghị chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20 lần này đều không đưa ra một tuyên bố chung nào về những giải pháp cụ thể.G20 chỉ dừng lại việc bày tỏ quan ngại mà chưa tìm được tiếng nói chung về cách thức giải quyết bất đồng. Điều này làm dấy lên mối hoài nghi các nhà lãnh đạo G20 tại hội nghị ngày 30/11 có thể cũng không ra được một tuyên bố chung.

Trong bối cảnh đó, mặc dù còn một số chủ đề cơ bản khác được nước chủ nhà Argentina đề xuất và các nền kinh tế thành viên G20 thống nhất thảo luận tại hội nghị lần này như tương lai của việc làm, hạ tầng phục vụ phát triển hay tương lai của lương thực bền vững, song giới quan sát đều cho rằng những vấn đề liên quan đến thương mại, biến đổi khí hậu và một số căng thẳng mang tính song phương nhưng có khả năng tác động lớn tới cục diện thế giới mới thực sự là những chủ đề “nóng” trong 2 ngày diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires.

Nước chủ nhà Argentina nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng thuận tại một diễn đàn đa phương như G20, song sự chia rẽ trong các vấn đề toàn cầu cho thấy con đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai.

Theo Tạp chí Việt Mỹ