QC 1
Thứ 2, ngày 06/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hiện tượng lạ đầu 2024: Chào sàn 1 tháng, D17 và NEM tăng giá gấp 5-7 lần

Liên tục ghi nhận các chuỗi tăng trần, 2 cổ phiếu D17 và NEM dù mới chào sàn 1 tháng đã tăng gấp nhiều lần mức giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên.

Là một trong những cổ phiếu khai xuân năm 2024, hơn 8,8 triệu cổ phiếu NEM của Công ty Cổ phần Thiết bị điện Miền Bắc (UPCoM: NEM) chào sàn với giá 10.200 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hoá 90 tỷ đồng.

Tuần đầu tiên giao dịch, cổ phiếu gần như chưa có thanh khoản trên thị trường. Tuy nhiên, đến phiên giao dịch thứ 7, NEM bất ngờ tăng kịch trần với biên độ 39%, kéo theo sau đó là chuỗi tăng trần kéo dài nhiều phiên liên tiếp từ ngày 15/1 đến ngày 31/1.

Từ mức giá chào sàn 10.200 đồng/cổ phiếu, NEM đóng cửa phiên 31/1 ở mức giá 75.000 đồng/cổ phiếu, tăng gấp gần 7,4 lần. Trước kỳ nghỉ Tết, thị giá của NEM giảm gần 15% về mức 63.900 đồng/cổ phiếu. Mở cửa phiên 15/2, NEM tiếp tục giảm sàn 14,87% còn 54.400 đồng/cổ phiếu và duy trì tới phiên hôm nay (16/2).

Một cổ phiếu khác cũng có tình trạng tương tự NEM là D17 của Công ty Cổ phần Đồng Tân (UPCoM: D17). Theo đó, hơn 5,2 triệu cổ phiếu D17 chào sàn trong phiên 8/1 với giá tham chiếu 22.000 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hoá gần 116 tỷ đồng.

Tương tự NEM, D17 cũng gần như không có thanh khoản trong tuần đầu giao dịch và bắt đầu tăng kịch liệt trong phiên 17/1 (tăng 40%) từ 22.000 đồng/cổ phiếu lên 30.800 đồng/cổ phiếu.

Sau 10 phiên tăng giá liên tiếp với biên độ thấp nhất là 14,87%, D17 đã leo lên mức giá 107.800 đồng/cổ phiếu trong phiên 30/1 (tương đương tăng gấp 4,9 lần giá chào sàn) và chững lại trong vòng 5 phiên tiếp theo. Đóng cửa phiên 7/2 trước kỳ nghỉ Tết, D17 giảm 14,94% còn 91.700 đồng/cổ phiếu và duy trì mức giá này đến nay.

Giải trình về diễn biến bất thường của giá cổ phiếu, ban lãnh đạo của NEM và D17 đều khẳng định không có bất kỳ tác động nào gây ảnh hưởng tới giá cổ phiếu. Trong đó NEM cho rằng diễn biến thị giá tăng phi mã do cung cầu của thị trường chứng khoán và theo nhu cầu giao dịch mua bán của các nhà đầu tư trên thị trường. Còn D17 cho rằng do nhận được sự tín nhiệm của các nhà đầu tư, dẫn đến nhu cầu trên thị trường chứng khoán tăng cao. 

Theo tìm hiểu, NEM được thành lập vào năm 2004, đặt trụ sở tại khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh). Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là sản xuất, lắp ráp bảng tủ điện cao áp, trung áp, hạ áp và các tủ bảng thông tin – viễn thông, các vật tư, thiết bị điện khác. 

Tính đến cuối tháng 12/2023, NEM có 3 cổ đông lớn là bà Trần Thị Thu Thuỷ (tỷ lệ sở hữu 35,98%), bà Nguyễn Thị Phương (26,04% vốn) và bà Vũ Thị Thư (26,04% vốn).

9 tháng năm 2023, doanh thu thuần luỹ kế của NEM đạt hơn 15 tỷ đồng, tuy nhiên công ty lỗ sau thuế gần 2,4 tỷ đồng.

Về D17, tiền thân là Công ty TNHH MTV Đồng Tân, được thành lập vào năm 1993 theo Quyết dịnh của Bộ Quốc Phòng. Hiện hoạt động kinh doanh chính của D17 là khai thác mỏ, xây dựng dân dụng – công nghiệp – xây dựng công trình giao thông cầu đường, san lấp mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh doanh nhà.

Theo bản công bố thông tin của D17, tính đến ngày 8/9/2023, cổ đông lớn của công ty này bao gồm Công ty TNHH MTV Đông Hải (nắm 45%), Công ty TNHH Xăng dầu Tân Phong (nắm 22,1%) và Công ty TNHH MTV Xây dựng Ngọc Hạnh (nắm 22,1%).

D17 hiện mới công bố báo cáo tài chính của 6 tháng đầu năm 2023, với doanh thu thuần luỹ kế đạt 36 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 11 tỷ đồng, giảm 28%.

Theo Hải Đường/Vietnam Finance