QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hợp lực đẩy lùi “tín dụng đen”

Có lẽ chưa lúc nào cụm từ “tín dụng đen” lại được nhắc đến nhiều như thời điểm này. Bởi vậy, các tổ chức tín dụng (TCTD) đang nghiên cứu bố trí nguồn vốn cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống chính đáng cho người dân.

Ảnh minh họa

Lấy tín dụng chính thống đẩy lùi tín dụng đen

Là ngân hàng bơm vốn chủ lực cho khu vực nông nghiệp nông thôn, hiện thực hóa nhiệm vụ được giao, Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biết, ngân hàng này sẵn sàng cùng các ngành các cấp cả nước tuyên chiến với “tín dụng đen”. Hiện tại, ngân hàng này đã và đang triển khai các chương trình đơn giản hóa thủ tục cho vay, cải tiến quy trình cho vay, đổi mới phương thức cho vay, đẩy mạnh cho vay qua tổ, nhóm, triển khai an toàn 68 Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng.

Còn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP), ngay tại phiên họp thường kỳ đầu tuần này, Thống đốc NHNN cũng đã yêu cầu ngân hàng phối hợp với các vụ, cục của NHNN khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp. Trong đó rà soát lại các chương trình cho vay ưu đãi hiện nay để trình Thủ tướng Chính phủ có những điều chỉnh phù hợp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, qua đó góp phần cùng Ngành hạn chế “tín dụng đen”.

Tuy khuyến khích nhưng lãnh đạo NHNN nhấn mạnh cho vay tiêu dùng rủi ro rất lớn, nên NHNN yêu cầu VBSP và Agribank phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội để đáp ứng vốn cho nhu cầu của đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, học sinh sinh viên, người lao động đồng thời đảm bảo an toàn vốn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong hoạt động của mình các ngân hàng thương mại vẫn phải đặt tính an toàn lên hàng đầu. Theo đó cần phải từ chối nhiều khoản cho vay mà họ biết chắc hoặc cảm thấy là không thể thu hồi được dù cho đó là nhu cầu chính đáng.

Sự hợp lực là điều cần thiết

Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng cho rằng, một mình hệ thống ngân hàng rất khó có thể đẩy lùi được tín dụng đen. Tuy nhiên, để xử lý đến nơi đến chốn vấn nạn trên, theo giới chuyên môn bên cạnh nỗ lực của ngành Ngân hàng cần sự hợp lực của các bộ, ngành, nhất là Bộ Công an sẽ là cơ quan chủ lực trong việc loại trừ tín dụng đen. Về phía Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, bộ sẽ tăng cường phối hợp các ngành, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về giao dịch, sử dụng vốn an toàn, tuyên truyền về phương thức thủ đoạn của tội phạm liên quan tín dụng đen, đòi nợ thuê. Đồng thời Bộ Công an sẽ làm tốt công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, quản lý chặt chẽ tiệm cầm đồ tạm trú trên địa bàn, các đối tượng bất minh có nghi vấn về kinh tế liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Trên cơ sở đó, người đứng đầu ngành Công an cũng đề nghị ngành Ngân hàng phải quan tâm đến đạo đức ngân hàng, phối hợp triển khai các giải pháp ngăn chặn tội phạm liên quan đến tín dụng đen.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến tín dụng đen bùng phát chính là do các chế tài xử lý chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy cần phải tăng chế tài xử phạt các đối tượng cho vay có những hành động ép buộc người vay một cách bất hợp pháp như đe dọa, quấy rối, khủng bố, dùng vũ lực…

Theo Thu Hoài/Thời báo Chứng khoán