QC 1
Chủ nhật, ngày 19/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

HOSE chính thức lên tiếng về sự cố nghẽn lệnh nghiêm trọng trong phiên chiều 10/1/2022

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) mới đây vừa thông báo về hiện tượng mất ổn định tạm thời của hệ thống trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán trong phiên giao dịch chiều ngày 10/1/2022.

ông Lê Hải Trà – Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE)

Thông báo của HOSE cho biết, trong phiên giao dịch ngày 10/01/2022, vào lúc 14 giờ 4 phút, hệ thống Gateway (UDP) của HOSE trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán thành viên có hiện tượng mất ổn định.

Đây là một trong hai kênh kết nối để Sở chuyển thông tin thị trường về cho công ty chứng khoán. Sau 14 giờ 4 phút, các công ty chứng khoán vẫn nhận thông tin thị trường từ Sở thông qua kênh dữ liệu song song (PRS) bình thường.

HOSE cũng cho biết, Sở đã vận hành hệ thống Gateway dự phòng và khắc phục tình trạng này vào lúc 14 giờ 26 phút cùng ngày. Vì vậy, thông tin bảng điện tử tại một số công ty chứng khoán có hiện tượng chập chờn trong khoảng thời gian nêu trên.

Trước đó, trong phiên giao dịch chiều 10/1, theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư, bảng điện tại sàn HOSE có dấu hiệu “đứng hình” khiến nhiều cổ phiếu không hiển thị giá khớp lệnh.

Tính trạng treo bảng, nghẽn lệnh kéo dài đến hết phiên chiều khiến tâm lý nhiều nhà đầu tư trở nên lo lắng. Điều này khiến hiện tượng đặt lệnh MP để bán bằng mọi giá xuất hiện trở lại, lực bán tăng mạnh trong khi nhiều nhà đầu tư còn ngỡ ngàng khiến thanh khoản tăng cao.

Loạt cổ phiếu phút trước còn “xanh tím” phút sau đã đổ sàn cũng khiến nhà đầu tư hoang mang không biết điều gì đã diễn ra trong phiên ATC. Trong đó, FLC chuyển từ trạng thái tăng kịch trần về mức 21.150 đồng/cp, giảm 6,2%. Tương tự, nhiều cổ phiếu đang tăng “nóng” cũng quay đầu “nằm sàn” như CII ( giảm 6,9%), POW (-6,9%), CEO (-9,9%)…

Thông tin về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu giao Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) chỉ đạo các công ty thành viên khẩn trương báo cáo lãnh đạo bộ tình hình, làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố nêu trên ngay trong ngày 10/1, theo TTXVN.

Theo đó, HOSE phải khẩn trương làm việc với các công ty công nghệ thông tin để áp dụng các biện pháp kỹ thuật, phương án dự phòng nhằm khắc phục triệt để tình trạng nghẽn lệnh, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định trong phiên giao dịch kế tiếp.

Đồng thời khẩn trương nâng cấp, tăng cường năng lực tổng thể của hệ thống giao dịch trong thời gian sớm nhất, đảm bảo đáp ứng được mọi diễn biến của thị trường trong dài hạn (kể cả trường hợp khối lượng giao dịch tiếp tục tăng đột biến).

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thu hút dòng vốn đầu tư, khối lượng cổ phiếu giao dịch và thanh khoản đều tăng cao, sự việc sàn HOSE có khả năng tái nghẽn lệnh được nhiều chuyên gia dự báo trước.

Đây không phải là lần đầu HOSE nghẽn lệnh.Hệ thống giao dịch của HOSE đã thường xuyên diễn ra tình trạng đơ, nghẽn lệnh khi thanh khoản thị trường bùng nổ. Nhiều thời điểm nhà đầu tư không nắm được biến động giá trong phiên, thậm chí không thể giao dịch mua bán chứng khoán.

Tình trạng nghẽn lệnh không chỉ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, quyền lợi của nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã yêu cầu các cơ quan quản lý có giải pháp để tránh lặp lại hiện tượng này.

Theo Hồng Giang/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/hose-chinh-thuc-len-tieng-ve-su-co-nghen-lenh-nghiem-trong-trong-phien-chieu-1012022-108412.html