QC 1
Thứ 3, ngày 07/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Kế hoạch kinh doanh mảng bất động sản của TNG năm 2019

CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) vừa trình kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt 4.153,8 tỷ và 208,2 tỷ đồng đồng thời dự trả cổ tức không thấp hơn 16% bằng tiền hoặc bằng cổ phiếu trong năm 2019 tại ĐHCĐ thường niên mới đây.

Trong 4 năm tới, ban lãnh đạo TNG đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng bình quân 15%/năm. Đến năm 2024, dự kiến doanh thu và lợi nhuận ròng cán mốc 8.354,8 tỷ và 418,7 tỷ đồng.

Lãnh đạo TNG cho biết, dự kiến trong 6 tháng đầu năm, công ty sẽ ghi nhận giá trị hợp đồng khoảng 2.100 – 2.200 tỷ đồng. Quý III là thời gian tập trung nhiều đơn hàng và tình hình sẽ khả quan. Ông Thời cho rằng công ty có thể đạt được kế hoạch năm.

Doanh nhân Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty TNG

Theo công bố của ban lãnh đạo, EU là thị trường lớn nhất của TNG đóng góp 50% cơ cấu doanh thu. Theo sau là thị trường Mỹ với 31%, CPTPP 11%, Nga – Belarus 7% và thị trường châu Á – Hàn Quốc 1%.

Năm 2018, TNG đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng với doanh thu đạt 3.613 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 181 tỷ đồng, tăng 45% và 57% so với năm trước. Năm 2019, Hội đồng Quản trị TNG đề xuất kế hoạch doanh thu 4.154 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 208 tỷ đồng và ông Thời tự tin sẽ thực hiện được kế hoạch ấy.

Cho đến thời điểm này, TNG đã ký kết các hợp đồng đủ đơn hàng cho đến tháng 9/2019. Nếu duy trì được tốc độ như hiện nay, vị Chủ tịch Công ty cho rằng, năm 2019, TNG có thể cán đích doanh thu 4.500 tỷ đồng.

Ngoài các khách hàng hiện hữu như ZARA, MANGO, GAP, CK, Decathlon, The Children’s Place…, gần đây, TNG nhận được nhiều đề nghị hợp tác mới. Công ty đã mở rộng hợp tác với các khách hàng như G-III (Mỹ), IMPERAL (Canada), CHOIS (Hàn Quốc). Theo chia sẻ của ông Thời, đơn hàng từ Mỹ và Canada rất nhiều, làm không xuể, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may như TNG chọn lọc khách hàng đem lại giá trị gia tăng cao hơn.

Hai khách hàng lớn nhất của TNG là Decathlon và The Children’s Place (TCP) đang chiếm khoảng 66,5% giá trị đơn hàng, trong đó Decathlon chiếm 40%. TNG đã chủ động giảm đơn hàng từ những đối tác nhỏ, có biên lợi nhuận thấp và nhận thêm đơn hàng từ đối tác lớn.

Theo báo cáo tài chính quý I/2019 vừa được TNG công bố, doanh thu thuần thực hiện ghi nhận đạt 806,4 tỷ đồng, tăng 22,1% so với mức thực hiện của quý I/2018 (600,7 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế cũng tăng 72%, đạt 37 tỷ đồng; EPS ở mức 756 đồng/cổ phiếu, tăng 42,9%; tổng tài sản đạt 2.882 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 31/03/2019, TNG có khoản lợi nhuận chưa phân phối lên đến 218 tỷ đồng.

Nguyên nhân lợi nhuận trong kỳ tăng mạnh được TNG giải trình chủ yếu do phát huy được tối đa năng lực sản xuất nhà máy, thực hiện cơ cấu lại khách hàng tập trung vào các khách hàng lớn có thương hiệu và uy tín nên tiêu thụ quý I tăng 34% so với cùng kỳ; bên cạnh đó là giảm được nhiều khoản chi phí do tập trung tăng cường công tác quản trị.

Hiện TNG sở hữu 11 chi nhánh may, 2 chi nhánh sản xuất hàng may mặc phụ trợ với tổng số 220 chuyền may. Công ty đặt mục tiêu tăng lên 250 chuyền may vào năm 2020, giảm tỷ trọng hàng CMT (thuần túy gia công), tăng tỷ trọng FOB, từ đó cải thiện biên lãi gộp. Bên cạnh đó, Công ty cũng đang phát triển thêm mảng ODM (tự thiết kế và sản xuất) với thương hiệu TNG Fashion có biên lãi gộp cao, khoảng 30 – 40%.

EU vẫn sẽ là thị trường chủ đạo đối với mặt hàng dệt may của TNG

Kết thúc quý I/2019, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 7,3 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, triển vọng năm 2019 và các năm tới là khả quan.

Với dầu hiệu tích cực này, TNG đặt kế hoạch kinh doanh năm 2019 với mục tiêu doanh thu 4.154 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 208 tỷ đồng.

Tại Đại hội, ban lãnh đạo cũng trình bày kế hoạch tái cấu trúc với việc thành lập 2 công ty TNHH MTV về thời trang và bất động sản.

Với thời trang, thời gian tới, công ty sẽ kêu gọi thêm quỹ đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài cùng góp vốn và phát triển. Chủ trương của TNG sau này sẽ nắm giữ 51% vốn tại đơn vị này và huy động vốn từ đối tác.

Với doanh nghiệp bất động sản, TNG thành lập để tách riêng mảng đầu tư bất động sản tại các khu đất của công ty, đồng thời hướng đến việc minh bạch và tăng cường nguồn vốn.

Công ty hiện đang sở hữu cụm công nghiệp 70 ha, đã thực hiện 5 năm nay nhưng mới chỉ giải phóng mặt bằng 10 ha do “non” vốn. Với dự án nhà ở xã hội, công ty đã chuyển đổi thành nhà ở thương mại và chờ tỉnh phê duyệt giá đất. Trong tháng 05 – 06, công ty sẽ bán và trao sổ đỏ. 2 khu đất của nhà máy chuẩn bị di dời cũng sẽ được chuyển đổi đầu tư và giao cho công ty bất động sản thực hiện.

Phát hành 19,7 triệu cổ phiếu

Trong năm 2019, TNG dự tăng vốn điều lệ nhằm bổ sung nguồn vốn để sản xuất và trang bị thêm máy móc, thiết bị, mở rộng quy mô, tìm kiếm các cơ hội đầu tư và chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh.

Vốn tăng từ phát hành gần 10,4 triệu cổ phiếu, trả cổ tức tỷ lệ 20%. Đồng thời, công ty sẽ chào bán hơn 6,2 triệu cổ phiếu tỷ lệ 10% cho cổ đông hiện hữu với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phần. Cuối cùng, công ty sẽ phát hành 3,1 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) với giá ủy quyền cho HĐQT quyết định.

Về 200 trái phiếu chuyển đổi phát hành trong năm trước có tổng giá trị 200 tỷ đồng với giá chuyển đổi 13.800 đồng/cổ phiếu (tương ứng 14,5 triệu cổ phiếu TNG), lãnh đạo TNG cho biết: “Nếu mức giá chuyển đổi không điều chỉnh thì rất tốt nhưng còn tùy thuộc vào đối tác”.

Tại đại hội, cổ đông cũng đã miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT là cá nhân Rusdy Pranata và bà Hà Thị Tuyết. Đồng thời, công ty bầu mới và bổ sung 4 thành viên gồm ông Nguyễn Mai Linh, ông Hwan-Kyoon Kim, bà Đinh Lệ Hằng và bà Lương Thị Thúy Hà.

Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu TNG trong phiên giao dịch sáng ngày 22/04 vừa bất ngờ giảm mạnh 6% còn 20.500 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh 724.100 đơn vị.

Theo Quân Vương/Thời báo chứng khoán