QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Kỳ vọng vốn ngoại giúp bất động sản “rã băng”

Thị trường bất động sản dần tháo gỡ được các khó khăn, để hướng tới cho sự phục hồi trở lại trong năm 2023.

Tại diễn đàn “Dự báo thị trường bất động sản 2023”, các chuyên gia đều nhìn nhận khi tiếp cận được nguồn vốn mới và hưởng lợi từ các chính sách của Chính phủ, bức tranh bất động sản sẽ lấy lại gam màu tươi sáng.

Dự báo thị trường sang năm

PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, thị trường bất động sản là một trong 4 thị trường trọng tâm được Thủ tướng chỉ đạo. Đồng thời, năm 2023, thị trường bất động sản sang trang mới khi nhiều luật liên quan dự kiến được sửa đổi và thông qua như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai. Tuy nhiên, ông Chung cũng lưu ý, sự thay đổi sẽ phân hoá theo từng mảng nhỏ của thị trường.

Thứ nhất, ở thị trường đầu tiên là thị trường đất đai đã có dấu hiệu tốt lên và được kỳ vọng có thể đưa luồng tiền lớn vào thị trường.

Thứ hai, thị trường nhà ở từ tình trạng mất cân đối cung cầu trong năm 2022 sẽ có thay đổi khi Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chú trọng phát triển nhà ở xã hội góp phần đưa ra thị trường sản phẩm hàng hoá phù hợp kèm theo những cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính.

PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Thứ ba, thị trường bất động sản công nghiệp chưa khi nào có cơ hội tốt như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh dịch chuyển luồng vốn trên thế giới. Kết thúc năm 2022, dù chịu nhiều tác động của tình hình thế giới nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 8%, lạm phát kiểm soát ở mức 3%…

Thứ tư, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã bắt đầu tăng trở lại sau khi du lịch Việt Nam mở cửa và khởi sắc.

Thị trường cuối cùng trong 5 phân mảng là bất động sản tài chính. Ở mảng thị trường này, xem xét trên 10 bình diện luồng tiền và nhận thấy những tín hiệu tích cực là chủ đạo. 

Trước những triển vọng tích cực, để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển, TS Trần Kim Chung kiến nghị một số giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản; tăng cường minh bạch thị trường, huy động các nguồn lực tiềm năng các doanh nghiệp phát triển bất động sản cần hướng đến tính chuyên nghiệp; hoàn thiện các chỉ báo thị trường bất động sản như chỉ số giá đất, chỉ số giá nhà, chỉ số thị trường nhà…

“Đặc biệt, cần có chính sách khơi thông dòng chảy luồng tiền, thay vì hỗ trợ tài chính từ phía cung (người làm) sẽ chuyển sang phía cầu (người mua) với những điều kiện vay vốn ưu đãi nhất định dành cho một số đối tượng khách hàng cụ thể khi có giao dịch được thực hiện. Trước đây, chúng ta đã thực hiện các gói hỗ trợ người mua nhà ở xã hội vay vốn ưu đãi đã góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển”, ông Chung nhấn mạnh.

Vốn ngoại sẽ giải phóng thị trường

Có mặt tại phiên thảo luận, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, Việt Nam có tăng trưởng rất tốt trong những năm vừa qua, đặc biệt từ năm 2011 đến nay. Vấn đề này ảnh hưởng lớn đến khả năng chi trả bất động sản trong đó có dòng vốn ngoại đầu tư đóng vai trò quan trọng, từ đó có thể so sánh việc đầu tư ở Việt Nam tăng như thế nào so với các thị trường khác.

Bà Trang nhận định, dòng vốn ngoại ở Việt Nam giúp người dân nói chung cải thiện thu nhập, việc thu hút đầu tư FDI tại miền Bắc chiếm 37% và miền Nam đặc biệt Đông Nam bộ chiếm 41% ảnh hưởng nhiều tới thị trường bất động sản. Nếu tính lượng FDI vào Việt Nam thì dẫn đầu là sản xuất và thứ hai là bất động sản. Hơn thế, trong 5 năm trở lại đây còn có các quỹ đầu tư vào Việt Nam. Trước đó, dòng vốn đăng ký đầu tư vào bất động sản cao nhưng bốn thực hiện lại thấp, tuy nhiên gần đây vốn thực hiện bắt đầu tăng mạnh.

Hiện tại, có ba loại vốn chính vào Việt Nam bao gồm: đầu tư bằng vốn tự có; công ty quản lý quỹ; và nhà đầu tư tài chính. Đến nay, Việt Nam được đánh giá là thị trường đầu tư cơ hội, chứ không phải thị trường đầu tư thông qua dòng tiền ổn định.

Dòng vốn đi vào bất động sản cũng có rất nhiều phân khúc và bắt đầu có sự dịch chuyển ở các phân khúc khác nhau như nhà ở, khu công nghiệp, khách sạn, văn phòng và bán lẻ… dịch chuyển tùy theo khu vực.

Theo đó, GS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam  nhận định, sang năm, nhìn chung nền kinh tế Việt Nam vấn thuộc diện tăng trưởng tốt so với thế giới. Trong khuôn khổ đó, bất động sản cũng sẽ trụ lại và có những xu hướng tích cực. Có những phân khúc sẽ phát triển mạnh mẽ.

GS.TS Trần Đình Thiên

Bên cạnh đó, trọng số của các khu vực bất động sản cũng phải điều chỉnh. Đó là việc đầu cơ phải thay đổi, chuyển đầu cơ sang mô hình đầu tư. Cùng với đó doanh nghiệp cần nỗ lực cùng chính phủ tiếp cận về thị trường trái phiếu, sao cho cấu trúc thị trường hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. Từ đó sẽ tháo gỡ được ngắn hạn và ổn định về dài hạn hơn trong tương lai.

Theo Phan Mỹ/Thương Gia

Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/ky-vong-von-ngoai-giup-bat-dong-san-ra-bang-53536.htm