QC 1
Thứ 2, ngày 06/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lộ diện nhóm doanh nghiệp bí ẩn đứng sau đề xuất dự án thép 2 tỷ USD tại Quảng Trị

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã có cuộc làm việc với Công ty Cổ phần Thép Vina Roma Quảng Trị (viết tắt là Công ty Vina Roma) về đề xuất đầu tư dự án khu liên hợp gang thép Quảng Trị, trong khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Lộ diện nhóm doanh nghiệp bí ẩn đứng sau đề xuất dự án thép 2 tỷ USD tại Quảng Trị
Lộ diện nhóm doanh nghiệp bí ẩn đứng sau đề xuất dự án thép 2 tỷ USD tại Quảng Trị

Theo báo cáo kết quả nghiên cứu đề xuất dự án đầu tư của Công ty Vina Roma, dự án trên là dự án sản xuất thép xây dựng, thép hình và thép tấm cán nóng với công suất 4,5 triệu tấn thép sản phẩm/năm, phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn I, Công ty Vina Roma dự kiến đầu tư dây chuyền sản xuất thép xây dựng, công suất 1,1 triệu tấn thép sản phẩm/năm; giai đoạn II đầu tư dây chuyền sản xuất thép hình, công suất 1,1 triệu tấn thép sản phẩm/năm và giai đoạn III đầu tư dây chuyền sản xuất thép tấm cán nóng, công suất 2,3 triệu tấn thép sản phẩm/năm.

Tổng vốn đầu tư của cả dự án dự kiến khoảng 47.000 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn I gần 15.000 tỷ đồng; giai đoạn II hơn 9.000 tỷ đồng và giai đoạn III xấp xỉ 23.000 tỷ đồng. Dự áo tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động, trong đó ưu tiên 50% cho lao động địa phương.

Theo báo cáo sơ bộ về dự án của Trưởng ban Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, ông Phạm Ngọc Minh, vị trí triển khai dự án tại 2 xã Triệu Sơn và Triệu Lăng thuộc huyện Triệu Phong (khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị). Diện tích dự kiến vào khoảng 463ha (cả 3 giai đoạn), tiến độ đầu tư là 5 năm.

Sau khi nghe nhà đầu tư báo cáo đề xuất dự án, ý kiến của lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đồng ý chủ trương và giao Văn phòng UBND tỉnh đưa nội dung trên vào phiên họp toàn thể UBND tỉnh để xin ý kiến.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng giao Ban quản lý khu kinh tế hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục tiếp theo. Về phía nhà đầu tư và đơn vị tư vấn, cần phối hợp chặt chẽ với các ngành để triển khai các thủ tục liên quan trong bổ sung quy hoạch và các hợp phần đầu tư khác.

Thông tin này đã gây xôn xao dư luận, bởi lẽ nhà đầu tư vừa đề xuất dự án quy mô “khủng” như Công ty Vina Roma lại là thương hiệu có phần kín tiếng trên thị trường. Thực tế, theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Vina Roma chỉ mới thành lập được vài tháng, từ ngày 13/11/2021, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Giấy đăng ký thành lập mới cũng cho thấy, Công ty Vina Roma có vốn sáng lập là 6.000 tỷ đồng, góp bởi nhóm cổ đông gồm 6 tổ chức và 2 cá nhân. Trong đó, CTCP Đầu tư xây dựng hạ tầng và Khai thác mỏ Tân Việt Bắc sở hữu 25% vốn điều lệ (tương ứng 1.500 tỷ đồng), CTCP We Construction và CTCP Tân Phú Xuân đồng sở hữu 15% (900 tỷ đồng), CTCP Cơ khí và Lắp máy Việt Nam sở hữu 10% (600 tỷ đồng), CTCP Tập đoàn Công Hà và CTCP Đông Hải 27-7 cùng sở hữu 5% (300 tỷ đồng).

Lượng cổ phần còn lại do hai người đồng hương Hải Dương là ông Nguyễn Văn Bắc (1970) và ông Bùi Đức Thuận (1957) lần lượt nắm giữ với tỷ lệ 15% và 10%. Trong khi đó, ông Nguyễn Quý Chiến, giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Vina Roma không có tên trong danh sách cổ đông.

Được biết, ông Nguyễn Văn Bắc hiện đứng tên tại CTCP Đầu tư xây dựng hạ tầng và Khai thác mỏ Tân Việt Bắc (Công ty Taviba), doanh nghiệp ra đời ngày 1/7/2005, địa chỉ trụ sở chính tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tiền thân của Công ty Taviba là Công ty TNHH Xây dựng Tân Việt Bắc, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng.

Đến nay, doanh nghiệp đã mở rộng sang lĩnh vực khai thác mỏ, thủy lợi, đầu tư bất động sản, xây dựng phát triển hạ tầng đô thị, vật liệu xây dựng, vui chơi giải trí… Ở lần điều chỉnh đăng ký doanh nghiệp gần nhất hồi tháng 6/2021, Công ty Taviba tăng vốn điều lệ từ 1.200 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng. Số công ty thành viên, liên kết đạt khoảng 12 đơn vị.

Tài liệu VietnamFinance có được cho thấy, theo báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty Taviba, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ sau khi đạt “đỉnh” 727 tỷ đồng năm 2017, đã liên tục giảm xuống 674,6 tỷ đồng (2018), 445,6 tỷ đồng (2019) và 416,7 tỷ đồng (2020). Biên lợi nhuận gộp bình quân cả giai đoạn khoảng 3,8%, trừ các chi phí còn lại và thuế, lợi nhuận ròng đạt 2,8 tỷ đồng (2017), 20,4 tỷ đồng (2018), 13,7 tỷ đồng (2019) và 15,4 tỷ đồng (2020).

Tại ngày 31/12/2020, vốn chủ sở hữu của Công ty Taviba đạt 1.304 tỷ đồng, nợ phải trả ở mức 301 tỷ đồng, toàn bộ là nợ ngắn hạn.

Tiếp tục tìm hiểu về cá nhân cuối cùng trong danh sách cổ đông của Vina Roma, được biết ông Bùi Đức Thuận là Tổng Giám đốc của CTCP Tân Phú Xuân (trụ sở Hải Dương), doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, một nhà thầu hoạt động trong ngành than.

Đáng chú ý, CTCP Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (Công ty Colavi), cổ đông sở hữu 10% vốn điều lệ Công ty Vina Roma là doanh nghiệp khá có tiếng ở Quảng Ninh. Colavi là nhà đầu tư dự án nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh (công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư 47.480 tỷ đồng), liên danh cùng Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tokyo Gas và Marubeni.

Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp sở hữu vốn tại Công ty Vina Roma đều hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, dây chuyền công nghiệp, đầu tư dự án… và có nhiều liên quan đến hai cá nhân là ông Nguyễn Văn Bắc và ông Bùi Đức Thuận.

Theo Vân Oanh/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/lo-dien-nhom-doanh-nghiep-bi-an-dung-sau-de-xuat-du-an-thep-2-ty-usd-tai-quang-tri-20180504224269216.htm