QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lợi nhuận FLC Faros giảm 77%, ai “sang tay” thoả thuận 242 tỷ đồng cổ phiếu ROS?

Ngay sau khi FLC Faros công bố kết quả kinh doanh sa sút, lợi nhuận sụt giảm 77% chỉ đạt 185 tỷ đồng thì xuất hiện giao dịch thoả thuận 7,7 triệu cổ phiếu ROS vào phiên cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết âm lịch.

Doanh thu sụt giảm mạnh, chi phí tăng khiến lợi nhuận 2018 của FLC Faros chỉ còn 185 tỷ đồng

Bán thoả thuận 7,7 triệu cổ phiếu ROS

Phiên giao dịch ngày 1/2/2019 đã khép lại một năm giao dịch đầy cảm xúc của thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VnIndex đóng cửa ở mốc 908,67 điểm, giảm 1,98 điểm so với phiên trước. Khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 140,8 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 3.890 tỷ đồng.

Khối lượng giao dịch ở HNX chỉ đạt 15,25 triệu cổ phiếu, giá trị đạt 168,9 tỷ đồng.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh trong nửa tháng gần đây do tâm lý nhà đầu tư rút tiền nghỉ Tết, kết quả kinh doanh năm 2018 kém khả quan… khiến giá hàng loạt cổ phiếu giảm sâu hoặc lình xình trong tháng 1/2019.

Đáng chú ý, ở nhóm ngành xây dựng, cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros trong phiên 1/2/2019 xuất hiện giao dịch thoả thuận với khối lượng 7.700.000 đơn vị, tương ứng giá trị 242 tỷ đồng. Giá cổ phiếu ROS đóng cửa ở mức 31.650 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 1,7 triệu đơn vị. Đây cũng là mức giá cổ phiếu thấp nhất ghi nhận của ROS trong vòng 1 năm qua sau khi đạt đỉnh hơn 225.000 đồng/CP hồi tháng 10/2017 và cũng phá đáy 77.000 đồng/CP để rơi sâu trong chuỗi ngày “lao dốc” không phanh, mất tới 86% thị giá.

Hiện, chưa có bất kỳ cổ đông cá nhân hay tổ chức, người liên quan nội bộ nào công bố thông tin đăng kí mua thoả thuận 7,7 triệu cổ phiếu trong phiên 1/2/2019.

Được biết, từ ngày 17/12/2018 đến 14/1/2019, bà Lê Thị Ngọc Diệp – vợ ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT FLC Faros) đã bán hết 26.664.000 cổ phiếu ROS theo phương thức thỏa thuận. Ước tính bà Diệp đã thu về khoảng 1.000 tỷ đồng từ các giao dịch “xả hàng” này. Cũng trong thời gian bà Diệp thoái vốn, giá cổ phiếu ROS đã có nhiều phiên giảm mạnh tới 6,5%.

Xét cơ cấu cổ đông rất “cô đặc”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC Faros là cổ đông lớn nhất và sở hữu 382,2 triệu cổ phiếu ROS , chiếm tỷ lệ 67,34% vốn điều lệ. Cổ đông lớn thứ hai là Công ty TNHH MTV FLC Land – cùng nhóm doanh nghiệp liên quan Tập đoàn FLC – sở hữu 29,67 triệu cổ phiếu ROS, chiếm 5,23%.

Lợi nhuận vỏn vẹn… 185 tỷ đồng

Giá cổ phiếu ROS sụt giảm mạnh trong thời gian được cho là do ảnh hưởng diễn biến thị trường chứng khoán ảm đạm và kết quả kinh doanh quý 4/2018 của FLC Faros được dự báo xấu hơn.

Ngày 30/1/2019, FLC Faros công bố báo cáo tài chính quý 4/2018 với nhiều chỉ tiêu kinh doanh sụt giảm. Cụ thể, trong quý 4, công ty chỉ đạt doanh thu thuần đạt gần 1.426 tỷ đồng, giảm 38,5% so với cùng kỳ quý 4/2017. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 75 tỷ đồng, chỉ bằng 1/10 so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế quý 4 đạt 123 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt tới 787 tỷ đồng và lãi sau thuế còn 92 tỷ đồng, sụt giảm gần 86%.

Lũy kế cả năm 2018, FLC Faros ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt gần 3.463 tỷ đồng, giảm 21,6% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 244 tỷ đồng và lã sau thuế đạt 185 tỷ đồng, giảm 77%.

Lãi cơ bản trên cổ phiếu đến cuối năm 2018 chỉ là 350 đồng/CP, chỉ bằng 1/6 so với hồi đầu năm.

Kết quả lợi nhuận giảm mạnh là do doanh thu giảm, các chi phí lãi vay tăng lên gần 102 tỷ đồng, chi phí bán hàng chưa tới 2 tỷ đồng, còn chi phí quản lý doanh nghiệp đã giảm gần một nửa… Lợi nhuận khác bị lỗ tới 24 tỷ đồng.

FLC Faros giải trình biến động kết quả kinh doanh Quý 4/2018 giảm mạnh (Nguồn: FLC Faros)

Theo giải trình của công ty, doanh thu giảm do công ty đã triển khai nhiều dự án đầu tư song chưa đến thời điểm ghi nhận doanh thu bán hàng dẫn tới doanh thu và lợi nhuận quý 4 sụt giảm mạnh.

Tại thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của FLC Faros tăng nhẹ lên mức 10.590 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng lên 5.877 tỷ đồng, trong đó có 188 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Giá trị hàng tồn kho tăng thêm hơn 471 tỷ đồng lên tới 1.679 tỷ đồng vào cuối năm 2018.

Đáng chú ý, với việc mở rộng đầu tư hàng loạt dự án và triển khai bán hàng, quy mô Nợ phải trả của FLC Faros chỉ tăng nhẹ so với năm trước, ở mức 4.713 tỷ đồng. Trong số này, nợ phải trả ngắn hạn chiếm tỷ trọng tới 99,4%, khoảng hơn 4.600 tỷ đồng. Đây chủ yếu là tiền người mua trả trước 938 tỷ đồng mà trong đó Tập đoàn FLC đã trả trước 616 tỷ đồng, người mua nhà trả trước 180 tỷ đồng… Nợ phải trả người bán là 926 tỷ đồng cùng với chi phí phải trả 953 tỷ đồng, khoản doanh thu chưa thực hiện hơn 647 tỷ đồng…

Tổng nợ vay và nợ thuê tài chính của FLC Faros tiếp tục tăng lên 1.060 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, FLC Faros đang vay nợ tại 7 tổ chức tín dụng mà dư nợ cuối kỳ lớn nhất tại các ngân hàng như HDBank (378 tỷ đồng), Ngân hàng Quốc Dân – NCB (dư nợ 553 tỷ đồng), BIDV Tây Sơn- Bình Định (nợ gần 100 tỷ đồng)…

Dự án bất động sản FLC Ecocharm Đà Nẵng do Gami và FLC hợp tác kinh doanh

Trong số các chủ nợ này, Ngân hàng NCB tài trợ vốn cho dự án bất động sản của FLC Faros hiện có Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Tiến Dũng – cũng đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Gami, là doanh nghiệp có giao dịch hợp tác kinh doanh dự án bất động sản với FLC Faros trong năm 2018. Theo báo cáo, nợ phải thu từ Công ty cổ phần Gami Hội An là gần 86 tỷ đồng. Đặc biệt, mối quan hệ làm ăn “thân tình” giữa ngân hàng- doanh nghiệp còn thể hiện qua số vốn tín dụng đã được NCB giải ngân lớn tới 553 tỷ đồng trong năm 2017-2018.

Theo Hải Hà/Doanh nghiệp& Thương Hiệu