QC 1
Thứ 4, ngày 26/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

NĐT cá nhân nội ‘đối đầu’ khối ngoại: Chờ phản ứng ở mốc 1.250 điểm

Thành bại của màn đối đầu giữa nhà đầu tư (NĐT) cá nhân trong nước và khối ngoại hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng của thị trường tại vùng hỗ trợ 1.250 – 1.260 điểm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch hết sức giằng co. Chỉ số VN-Index biến động theo hình vòng cung khi tăng ở 2 phiên đầu tuần và giảm ở 3 phiên cuối tuần, chốt tuần ở mức tương đương đầu tuần. Điều này cho thấy động lực tăng của thị trường yếu trong bối cảnh thanh khoản bình quân 3 sàn giảm 20% so với tuần trước đó, đạt gần 25.400 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý trong tuần qua là màn đối đầu kịch liệt giữa nhà đầu tư cá nhân trong nước và khối ngoại. Thống kê cho thấy nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng tới gần 8.100 tỷ đồng trong tuần, cân lại lực bán “khủng” của các tổ chức nước ngoài với mức bán ròng lên đến 5.800 tỷ đồng, thậm chí cân lại cả mức bán ròng gần 2.000 tỷ đồng của các tổ chức trong nước và 300 tỷ đồng bán ròng của cá nhân nước ngoài.

Thành bại của màn đối đầu giữa nhà đầu tư cá nhân trong nước và khối ngoại hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng của thị trường tại vùng hỗ trợ 1.250 – 1.260 điểm. Các chuyên gia cho rằng nếu vùng hỗ trợ này bị xuyên thủng dứt khoát, thị trường sẽ rơi vào kịch bản xấu.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường thuộc Công ty Chứng khoán VNDIRECT, đang nghiêng về kịch bản tốt khi cho rằng VN-Index khó lùi sâu dưới ngưỡng 1.250 điểm.

Lý do được ông Hinh đưa ra là rủi ro trên thị trường tài chính đang dần hạ nhiệt. Thứ nhất, tại Mỹ, chỉ số PCE lõi – thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) – đã tăng 0,2% trong tháng 4 so với tháng 3, đánh dấu mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 12/2023 và phù hợp với ước tính của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm trước, PCE lõi tăng 2,8%, thấp hơn đôi chút so với dự báo là 2,9%. Chỉ số CPE toàn phần trong tháng 4 tăng mức 2,7% so với cùng kỳ năm trước và 0,3% so với một tháng trước, đều khớp với dự báo.

Như vậy, cả chỉ số CPI và PCE trong tháng 4 đều cho thấy hướng đi tích cực hơn của lạm phát tại Mỹ sau khi các chỉ số này cao hơn dự báo trong quý đầu tiên của năm nay. Sau diễn biến trên, chỉ số DXY và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ điều chỉnh giảm, điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực đối với tỷ giá USD/VND.

Trong nước cũng chứng kiến một số diễn biến tích cực trên thị trường vàng và tiền tệ. Cụ thể, sau khi tăng nóng thời gian gần đây, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã có xu hướng hạ nhiệt sau động thái hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước. Lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng quay đầu giảm. Giá vàng trong nước cũng hạ nhiệt sau thông tin 4 ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh sẽ bán vàng bình ổn giá kể từ ngày 3/6. Những diễn biến này được kỳ vọng sẽ cải thiện tâm lý của nhà đầu tư trong tuần giao dịch mới.

Do đó, theo chuyên gia của VNDIRECT, nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân trở lại, ưa tiên các cổ phiếu đã về vùng hỗ trợ cứng hoặc các cổ phiếu thuộc nhóm ngành đang có câu chuyện hỗ trợ như bán lẻ, bất động sản, điện và xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản).

Dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật, ông Lê Đức Huy, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), cho biết VN-Index đang đóng cửa ngay tại mốc bình quân 20 ngày sau khi giằng co quanh vùng đỉnh trung hạn. Chỉ báo RSI xuất hiện một nhịp đi ngang trong vùng trung tính. Bên cạnh đó, dải bollinger cũng đang dần thu hẹp biên độ báo hiệu rằng thị trường sẽ sớm trở lại với những biến động mạnh và dứt khoát hơn nhằm xác định xu hướng ngắn hạn.

Ông Huy cho rằng cơ hội để VN-Index sớm bật tăng trở lại và xác nhận mẫu hình tái tích lũy thành công là có, nhất là khi lực cầu bắt đáy luôn tham gia tại thời điểm then chốt giúp chỉ số giữ được xu hướng. Tuy nhiên sức cầu hỗ trợ tại các đường trung bình ngắn hạn thường khá hạn chế nên theo chuyên gia, VN-Index cần sớm trở quay lại vùng 1.280 (+-5) điểm để có thể mở ra xu hướng tăng trung hạn.

Ngược lại, trong kịch bản tiêu cực khi VN-Index không duy trì được MA20 tương ứng mốc 1.260 điểm từ đầu tuần, nhiều khả năng thị trường sẽ liên tục phá vỡ các vùng hỗ trợ được cho là đáng tin cậy trước đó do xuất hiện mẫu hình hai đỉnh phân phối.

“Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư quản trị rủi ro bằng cách hạ tỷ trọng các vị thế trading ngắn hạn nhóm cổ phiếu chưa vượt đỉnh đầu năm. Về phía giải ngân mới, ưu tiên chờ đợi tín hiệu vượt đỉnh từ thị trường hoặc có thể giải ngân với nhóm VN30, cổ phiếu đầu ngành với kỳ vọng đón đầu nhóm dẫn dắt khi thị trường vượt đỉnh trung hạn”, chuyên gia của Agriseco nêu quan điểm.

Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) thì nhấn mạnh tới yếu tố dòng tiền. Theo phía VFS, dòng tiền trên thực tế vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi thị trường mà luân chuyển nhanh giữa các nhóm ngành có câu chuyện riêng.

VFS đưa ra 2 kịch bản. Ở kịch bản 1, VN-Index hấp thụ được hoàn toàn áp lực bán, bứt phá vùng kháng cự 1.280 điểm. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu lên 70% – 80% khi thị trường ghi nhận những phiên điều chỉnh ngắn.

Ở kịch bản 2, VN-Index tiếp tục điều chỉnh về vùng 1.230 điểm để thu hút thêm dòng tiền nhập cuộc. Nhà đầu tư nên cơ cấu danh mục về nhóm cổ phiếu cơ bản, có tiềm năng trong dài hạn để nắm giữ, có thể hạ tỷ trọng cổ phiếu xuống 30%.

Theo Thanh Long/Vietnam Finance