QC 1
Thứ 2, ngày 06/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

“Ngã đau” vì chứng khoán, Thép Tiến Lên (TLH) trích lập dự phòng hàng chục tỷ đồng

Kinh doanh kém sắc vì biến động giá thép, đầu tư chứng khoán thua lỗ… khiến lợi nhuận quý II/2022 của CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HoSE – Mã TLH) sụt giảm mạnh, phải trích lập dự phòng hàng chục tỷ đồng vì thua chứng khoán.

Dòng tiền kinh doanh chính tiếp tục âm gần 170 tỷ đồng

Thép Tiến Lên vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý II/2022. Cụ thể, trong quý II/2022, báo cáo Công ty mẹ của Thép Tiến Lên ghi nhận doanh thu đạt 306,7 tỷ đồng, giảm 50,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 47,35 tỷ đồng, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 15,4% lên 18,8%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 39,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 37,74 tỷ đồng về 57,62 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 1.027,3%, tương ứng tăng thêm 58,04 tỷ đồng lên 63,69 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 515,5%, tương ứng tăng thêm 54,08 tỷ đồng lên 64,57 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 46,6%, tương ứng giảm 10,57 tỷ đồng về 12,1 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

“Ngã đau” vì chứng khoán, Thép Tiến Lên (TLH) trích lập dự phòng hàng chục tỷ đồng. Hình minh họa

Thép Tiến Lên có thuyết minh, doanh thu tài chính tăng đột biến do trong kỳ ghi nhận 59,5 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia so với cùng kỳ chỉ là 0,24 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí tài chính tăng do ghi nhận 54,4 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh so với cùng kỳ ghi nhận 2,45 tỷ đồng.

Thêm nữa, doanh thu giảm là do thị trường sắt thép biến động mạnh, sản xuất giảm do nhà nước Trung Quốc cắt giảm sản lượng và ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraina làm cho giá cả của ngành thép trên thị trường thế giới giảm đáng kể dẫn đến thị trường Việt Nam cũng giảm theo tương tự.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Thép Tiến Lên ghi nhận doanh thu đạt 1.211,5 tỷ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 84,35 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Được biết, lợi nhuận quý II giảm 11,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận 6 tháng tăng 3,8% so với cùng kỳ. Như vậy, sau quý I/2022 tăng trưởng mạnh, Công ty đã bắt đầu có dấu hiệu giảm lợi nhuận từ quý II.

Trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của Thép Tiến Lên tiếp tục ghi nhận âm 169,98 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 179,2 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 1,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 157,5 tỷ đồng, chủ yếu tăng nợ vay. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, Thép Tiến Lên đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Thép Tiến Lên tăng 4,4% so với đầu năm lên 2.113,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 890,4 tỷ đồng, chiếm 42,1% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 684,5 tỷ đồng, chiếm 32,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 236,7 tỷ đồng, chiếm 11,2% tổng tài sản và các tài sản khác. Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 79% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 104,5 tỷ đồng lên 236,7 tỷ đồng; tồn kho tăng 2,1%, tương ứng tăng thêm 18,6 tỷ đồng lên 890,4 tỷ đồng.

Thép Tiến Lên thua lỗ vì chứng khoán

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh sa sút, Thép Tiến Lên bất ngờ đẩy mạnh hoạt động đầu tư chứng khoán; giá trị đầu tư đến hết 30/6/2022 đạt 148 tỷ đồng, tăng 53% so với giá trị tại thời điểm đầu năm. Trong đó, giá trị hợp lý còn lại chỉ là 86,8 tỷ đồng và trích lập dự phòng lên tới 61,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến không thuận lợi trong quý II, đa số các khoản đầu tư của công ty đều ghi nhận thua lỗ.

Trong danh mục đầu tư chứng khoán, Thép Tiến Lên đang đầu tư 21,2 tỷ đồng vào cổ phiếu VIX của CTCP Chứng khoán VIX và trích lập dự phòng tới 12,8 tỷ đồng; đầu tư 23,5 tỷ đồng vào cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội và trích lập dự phòng 9,96 tỷ đồng; đầu tư 18,2 tỷ đồng vào cổ phiếu IJC của CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật và trích lập dự phòng 7,7 tỷ đồng; và đầu tư 85,4 tỷ đồng vào các cổ phiếu khác, đã trích lập dự phòng 31,1 tỷ đồng.

Được biết, trong năm 2021, danh mục đầu tư chứng khoán là 96,7 tỷ đồng nhưng chỉ trích lập dự phòng có 3,9 tỷ đồng. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, Thép Tiến Lên đã giữ nguyên danh mục đầu tư cổ phiếu SHB, tăng tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu VIX, IJC và nhóm cổ phiếu khác mặc dù phải trích lập tới 61,4 tỷ đồng.

Xét về nợ vay, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn tăng 43,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 157,5 tỷ đồng lên 519,8 tỷ đồng và chiếm 24,6% tổng nguồn vốn.

Trong một diễn biến khác, Thép Tiến Lên miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Văn Thành từ ngày 23/4 và đồng thời, bầu bổ sung bà Đào Thị Kim Loan vào vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2024.

Được biết, bà Loan sinh năm 1977, trình độ Cử nhân Kinh tế. Trước khi đảm nhiệm thành viên HĐQT TLH, bà Loan từ tháng 3/2019 đến nay giữ chức Tổng giám đốc CTCP Thép Bắc Nam.

Trong năm 2022, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,4% và giảm 34,2% so với thực hiện trong năm 2021.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/7, cổ phiếu TLH đang giao dịch quanh mốc 9.500 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến giá cổ phiếu TLH thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Theo Khánh Vân/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/nga-dau-vi-chung-khoan-thep-tien-len-tlh-trich-lap-du-phong-hang-chuc-ty-dong-141645.html