QC 1
Thứ 6, ngày 10/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngân hàng lãi to khi bán công ty tài chính cho nước ngoài

Nối gót VPBank và SHB thoái vốn khỏi mảng tài chính tiêu dùng, mới đây SeABank đã bán 100% cổ phần công ty tài chính PTF cho AEON Financial Service (Nhật Bản) thu lời hàng nghìn tỷ đồng.

Mặc dù từng được ví như “con gà đẻ trứng vàng” với tỷ suất lợi nhuận cao, nhưng các công ty tài chính tiêu dùng vài năm trở lại đây làm ăn sa sút, thua lỗ lớn. Nhất là công ty tài chính gây ra nợ xấu lớn cho các chủ sở hữu là ngân hàng.

Để giảm bớt gánh nặng chi phí lớn, cũng như tái cấu trúc mảng tài chính tiêu dùng, các ngân hàng đã và đang đẩy mạnh việc bán cổ phần toàn bộ hoặc 50% cho đối tác nước ngoài.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã: SSB) vừa ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 100% phần vốn góp của ngân hàng tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) cho AEON Financial Service Co., Ltd.. 

Bên mua là thành viên chuyên kinh doanh tài chính tiêu dùng của AEON Group – tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản. Giá trị chuyển nhượng là 4.300 tỷ đồng và là thương vụ bán vốn công ty tài chính lớn thứ 2 ở Việt Nam vài năm gần đây.

SeABank bán toàn bộ công ty tài chính cho AEON Group- tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản

Còn nhớ, vào tháng 2 năm 2018, SeABank đã mua lại 100% vốn cổ phần của Công ty tài chính PTF từ Tập đoàn VNPT thông qua phiên đấu giá. 

Khi đó Công ty PTF có mức vốn điều lệ là 500 tỷ đồng, và SeABank đã trúng đấu giá với mức giá 710 tỷ đồng, tương đương khoảng 14.200 đồng/CP.

Bà Lê Thu Thuỷ, Tổng giám đốc SeABank thời điểm ấy đã chia sẻ về mục đích thâu tóm Công ty tài chính PTF là “bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa khát vọng của SeABank trong chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ, đang dạng hóa sản phẩm dịch vụ, mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ dẫn đầu và được yêu thích nhất”.

Sau đó, SeABank rót thêm 1.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ cho PTF lên 1.550 tỷ đồng, mở rộng đầu tư, quy mô nhân sự gần 2.000 nhân sự và phục vụ gần 200.000 khách hàng tại 30 tỉnh thành phố trên cả nước.

Tuy nhiên, sau 5 năm tái cấu trúc, ngân hàng lại quyết định bán toàn bộ công ty tài chính này cho nước ngoài và ước tính thặng dư vốn thu về khoảng 2.750 tỷ đồng.

Nhờ “lướt sóng” công ty tài chính và bán cho nước ngoài giá cao, ngân hàng SHB của bầu Hiển bỏ túi hàng nghìn tỷ đồng.

Trước thương vụ này, ngày 25/8 vừa qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG (Nhật Bản).

Theo đó, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục bán 50% vốn còn lại sau 3 năm.

Được biết, công ty tài chính SHB Finance có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, được SHB mua lại 100% vốn (tiền thân là Công ty tài chính Vinaconex Viettel) vào đầu năm 2017. 

Sau 3 năm về tay SHB, công ty tài chính này đã phát triển mạng lưới hoạt động tới 46 tỉnh thành phố với gần 300.000 khách hàng vay; được Tổ chức xếp hạng Moody’s xếp hạng tín nhiệm B3 – triển vọng ổn định.

Theo Reuters, thương vụ bán SHB Finance được định giá ở mức 5,1 tỷ baht Thái, tương đương với 156 triệu USD (khoảng 3.740 tỷ đồng).

Có thể thấy, chỉ nhờ thương vụ M&A mua lại giá thấp và bán cho nước ngoài giá cao, ngân hàng của bầu Hiển đã dễ dàng bỏ túi hàng nghìn tỷ đồng.

Trước đó, thương vụ chuyển nhượng lớn nhất là vào tháng 4/2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) bán 49% cổ phần FE Credit cho Tập đoàn SMBC (Nhật Bản).

Giá trị thương vụ không được tiết lộ, nhưng thời điểm đó, theo số liệu được Kiểm toán PwC – đơn vị tư vấn cho SMBC chia sẻ là khoảng 1,4 tỷ USD. 

FE Credit cũng là công ty tài chính được định giá cao nhất ở thị trường Việt Nam hiện nay.

Theo lãnh đạo các ngân hàng, việc chuyển nhượng 50% hoặc 100% vốn công ty tài chính tiêu dùng cho đối tác nước ngoài đã đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của ngân hàng.

Nguồn thu bán vốn được bổ sung vào quỹ tiền mặt, tạo thêm đòn bẩy tài chính cho các hoạt động kinh doanh.

Do đó, thị trường cũng đang ngóng chờ các thương vụ bán công ty tài chính trong thời gian tới, đơn cử như hồi năm 2021, lãnh đạo Ngân hàng MSB cũng chia sẻ vè ý định bán 100% cổ phần tại Công ty tài chính FCCOM, thay vì bán 50% vốn như kế hoạch trước đó.

Ước tính, nếu thoái vốn thành công, sẽ đem về cho MSB lợi nhuận 500 tỷ đồng.

Song hiện ngân hàng vẫn chưa thực hiện thương vụ này.

Hiện nay, các ngân hàng Việt đang lợi thế sở hữu 100% vốn tại các công ty tài chính tiêu dùng, như HDBank, Techcombank, MB… với giấy phép công ty tài chính được ví như “kim cương” và hạn chế cấp mới.

Vì thế, đây là “con gà đẻ trứng vàng” luôn được các định chế tài chính nước ngoài săn lùng, muốn sở hữu 50-100% cổ phần khi muốn thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam.

Điều băn khoăn là, sau khi thâu tóm các công ty tài chính do doanh nghiệp nhà nước thoái vốn đầu tư ngoài ngành, các ngân hàng lại bán cổ phần để dễ dàng “bỏ túi” hàng nghìn tỷ đồng.

Thặng dư vốn lớn từ những thương vụ M&A quá hời này, lại chảy vào túi tư nhân, thay vì đem về lợi ích cho Nhà nước.

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt-Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/nhip-cau-doanh-nghiep/ngan-hang-lai-to-khi-ban-cong-ty-tai-chinh-cho-nuoc-ngoai-491074.html