QC 1
Thứ 2, ngày 20/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngân hàng liên tục rao bán khu nghỉ dưỡng, khách sạn

 Hàng loạt bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn… có giá trị từ vài tỷ đến vài trăm tỷ đồng liên tục được các ngân hàng đem ra bán đấu giá để thu hồi nợ xấu từ doanh nghiệp.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và thị trường bất động sản ảm đạm, các doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc du lịch nghỉ dưỡng rơi vào cảnh doanh thu sụt giảm, bế tắc về nguồn tiền trả nợ, dẫn tới gây ra nợ xấu lớn cho các ngân hàng. Để xử lý nợ xấu, nợ quá hạn, ngân hàng buộc phải mang tài sản bảo đảm của doanh nghiệp ra bán đấu giá, thu hồi vốn trả nợ.

Mới đây, Ngân hàng Agribank – chi nhánh Sài Gòn vừa thông báo bán đấu giá dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Việt Nga ở Bến Đầm, huyện Côn Đảo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án có hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với tổng diện tích hơn 7,2 ha. Thời hạn sử dụng đất đến hết ngày 27/6/2057. Giá khởi điểm cho tài sản này là hơn 700 tỷ đồng, nhằm thu hồi vốn xử lý khoản nợ hơn 370 tỷ đồng của doanh nghiệp này.

khu-nghi-duong-con-dao-2
Khu nghỉ dưỡng cao cấp Việt Nga bỏ hoang nhiều năm. (Ảnh: VietnamNet).

Được biết dự án này khởi công xây dựng từ cuối năm 2011, đã hoàn thiện được phần thô và dự kiến sẽ khách vào cuối năm 2014. Nhưng do biến cố ông Trịnh Quang Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Việt Nga qua đời, khiến dự án bị chậm. Sau đại dịch, dự án này đi vào vận hành với tên thương mại Orson Hotel & Resort Con Dao.

Ngoài khu nghỉ dưỡng này, Agribank cũng bán đấu giá một căn chung cư rộng 85,5 m2 tại phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM để xử lý nợ của Công ty Việt Nga.

Không riêng Agribank, Ngân hàng VietinBank cũng vừa thông báo bán đấu giá tài sản là khách sạn 4 sao Le Pavillon Paradise Hoi An Hotel & Spa (TP Hội An) với tổng diện tích sàn hơn 2.600 m2. Tài sản này được thế chấp để đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hoàng Ngọc Phát. Đây là lần thứ ba Viettinbank rao bán quyền sử dụng đất, khách sạn và toàn bộ trang thiết bị của doanh nghiệp nhằm xử lý nợ xấu.

Tại lần đấu giá thứ ba, giá khởi điểm của tài sản là 110 tỷ đồng (chưa gồm thuế, phí, lệ phí và các chi phí khác). Như vậy, nếu so với mức giá 140 tỷ đồng rao bán hồi tháng 9/2023, giá khởi điểm của khác sạn đã giảm 30 tỷ đồng, giảm 21%.

Trước đó, VietinBank cũng rao bán hai khách sạn cùng thương hiệu Le Parillon Hoi An. Trong đó quyền sử dụng đất và công trình khách sạn Le Parillon Hoi An Central Luxury Hotel & Spa hình thành trong tương lai là tài sản đảm bảo của Công ty Hoàng Hùng Phát. Giá khởi điểm tại tháng 11/2023 là 92 tỷ đồng.

Ngoài ra, VietinBank còn đang rao bán nhiều bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn khác tai Hội An như quyền sử dụng đất 686,7 m2 và biệt thự 3 sao gồm 18 phòng giá 110 tỷ đồng, khách sạn 4 sao công suất 95 phòng trên phần đất 1.757 m2 giá 260 tỷ đồng, khách sạn 4 sao công suất 137 phòng trên diện tích đất 1.737 m2 giá 240 tỷ đồng…

Còn tại Hà Nội, những ngày cuối tháng 12/2023, Vietcombank Chi nhánh Ba Đình thông báo phát mại tài sản đảm bảo của Công ty CP Sản xuất và Thương mại hoá chất An Phú (Công ty An Phú). Tài sản được rao bán là căn biệt thự rộng 300m2 tại địa chỉ BT2-7 Khu Đô thị mới Nghĩa Đô, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Trước đó, tháng 10/2021, căn biệt thực này đã được Vietcombank mang ra đấu giá với giá khởi điểm chỉ 35,55 tỷ đồng, song không thể bán được, dù giá thanh lý chỉ bằng một nửa so với mức giá hiện tại.

Trước đó, một ngân hàng nhóm Big 4 cũng thông báo bán đấu giá lần 3 căn nhà tại phố Hàng Chiếu (Hà Nội) nằm trên khu đất 160m2 với diện tích sàn hơn 287m2. Ở lần đấu giá này, ngân hàng đưa ra mức giá 54 tỷ đồng do Công ty TNHH Thương mại Xăng dầu Đại Việt đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Đây là tài sản thế chấp của Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Đại Việt từ giữa năm 2018.

Sau lần một đấu giá thất bại, đến tháng 6/2023, căn nhà này lại được rao bán với giá khởi điểm từ 71,4 tỷ đồng. Có thể thấy, ngân hàng đã giảm giá 50% so với mức giá rao bán năm ngoái.

Trên thực tế, mặc dù đã nhiều lần giảm giá bán tài sản, song các ngân hàng vẫn khó có thể tìm được người mua lại các tài sản thế chấp của doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

Hơn nữa, việc xử lý tài sản thế chấp là bất động sản đòi hỏi quy trình thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài, kèm theo rủi ro pháp lý… nên gây ra tâm lý e ngại cho người mua. Nhất là bất động sản có giá trị cao lại rất kén khách trong bối cảnh thị trường địa ốc đi xuống. Thế nên, có nhiều tài sản, khoản nợ đã được nhà băng rao bán nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có người mua, còn nợ xấu vẫn “treo” trên sổ sách khiến ngân hàng tốn thêm chi phí trích lập dự phòng nợ xấu.

Theo Thanh Thảo/ Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu