QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Người Việt Nam mất gần 16 tỷ USD vì bị lừa đảo qua mạng

Theo thống kế, có gần 16 tỷ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 11 tháng đầu năm 2023, cơ quan này đã nhận được gần 16.000 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trên mạng internet; trong đó, 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng-tài chính.

Nội dung và hình thức lừa đảo trực tuyến không mới, nhưng các đối tượng lừa đảo đã chuyển hướng vào các nạn nhân mới. Đó là người cao tuổi, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp và cả trẻ em. 

Lý do bọn lừa đảo nhắm vào các đối tượng này là vì họ đều có điện thoại thông minh, nhưng khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo còn khá thấp.

Bộ Công an đã liệt kê 24 hình thức lừa đảo trực tuyến, từ những hình thức tinh vi nhất như lừa đảo bằng các video deepfake (hình ảnh, thông tin giả mạo, sai sự thật), đến giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, cán bộ thuế gọi điện qua giao thức internet hăm dọa người bị hại, sau đó chiếm đoạt thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản. 

Kẻ xấu còn dựng ra nhiều kịch bản để lừa người dùng vào bẫy, dụ dỗ nạp tiền làm nhiệm vụ online, giả mạo người thân yêu cầu chuyển tiền, giả mạo luật sư, cam kết lấy lại tiền…

Thời gian qua, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí đã liên tục cảnh báo về tội phạm công nghệ cao và vấn nạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, nhưng vẫn còn nhiều người mất cảnh giác và hám lợi đã bị sập bẫy kẻ gian với số tiền bị lừa đảo rất lớn, lên đến hàng tỷ đồng. 

Dù lực lượng công an đã liên tiếp khám phá nhiều vụ án lớn song tình trạng nạn nhân bị lừa đảo vẫn không hề giảm.

Để ngăn ngừa vấn nạn lừa đảo qua mạng, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền đến người dân nhận diện các chiêu thức lừa đảo; phối hợp với các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước, các nhà mạng viễn thông xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế, xóa bỏ tình trạng sim rác; việc thuê, mượn tài khoản ngân hàng; bảo vệ thông tin bí mật cá nhân.

Điều quan trọng nhất là người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi sử dụng mạng để tránh những rủi ro. Theo các chuyên gia an ninh mạng, người dùng nên chậm lại, suy nghĩ kỹ trước khi click chuột hoặc tắt hết các kết nối khi không cần dùng đến như wifi, bluetooth…

Khi “sập bẫy” lừa đảo, người dân nên tham gia tố giác tội phạm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ để giúp cơ quan công an trong công tác tập hợp thông tin, tuyên truyền và điều tra vụ án, xử lý đối tượng.

Theo Quảng Dương/Tạp chí Việt-Mỹ