QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nhiều ngân hàng lên kế hoạch hút dòng vốn ngoại

Sau một giai đoạn khá trầm lắng, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, một số nhà băng có thể sẽ hoàn tất việc phát hành này trong năm 2024.

Những tháng đầu năm 2024, một vấn đề nóng nhất của mùa Đại hội cổ đông tới đây là câu chuyện bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của một số ngân hàng.

Mặc dù các ngân hàng đã thực hiện nhiều đợt tăng vốn điều lệ nhưng nguồn huy động vốn trong nước không đủ dồi dào do thị trường chứng khoán không thuận lợi trong 2 năm qua. Áp lực tăng vốn chủ sở hữu đòi hỏi các ngân hàng phải tìm nguồn huy động khác.  

 Nhiều ngân hàng lên kế hoạch hút dòng vốn ngoại.

Theo các chuyên gia, lãi suất trên toàn cầu có dấu hiệu đạt đỉnh và kỳ vọng giảm dần. Đây được coi là tiền đề để dòng vốn ngoại quay trở lại các thị trường cận biên và đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực ASEAN.

Theo báo cáo mới đây, Chứng khoán Vietcap nhận định dựa trên kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024, các hoạt động huy động vốn của ngành ngân hàng sẽ mạnh hơn từ nửa cuối 2024.

Các chuyên viên phân tích của công ty này đưa ra dự báo Vietcombank, BIDV và LPBank sẽ triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tổng giá trị vốn huy động ước tính là 64.900 tỷ đồng vào năm 2024.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB) đã công bố kế hoạch tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2024. Một nội dung quan trọng sẽ được trình cổ đông tại kỳ họp lần này là kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trong đó, Vietcombank dự kiến chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu).
Kế hoạch này đã được Vietcombank đưa ra từ năm 2019, song vẫn trì hoãn chưa thực hiện được. Tại Đại hội cổ đông năm 2023, ban lãnh đạo Vietcombank tiếp tục cho biết vẫn đang triển khai kế hoạch trên và ngân hàng đã thuê tư vấn tài chính để hỗ trợ lựa chọn cổ đông nước ngoài, dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch trong giai đoạn 2023-2024.

Trước đó, đầu năm 2019, Vietcombank đã phát hành riêng lẻ hơn 94,4 triệu cổ phần (tương ứng 2,55% vốn) cho Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore GIC Private Limited (GIC) và hơn 16,6 triệu cổ phần (tương ứng 0,4% vốn) cho ngân hàng Mizuho Bank (Nhật Bản), thu về tổng cộng khoảng 6.200 tỷ đồng, tương đương mức giá 55.800 đồng/CP.

Cũng tại Đại hội cổ đông bất thường mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID) đã thông qua việc lùi thời gian thực hiện phương án phát hành thêm 455 triệu cổ phiếu để tăng vốn sang năm 2024.

Ngân hàng chưa công bố chi tiết kế hoạch chào bán, song nhà băng này đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài từ trước đó và vẫn thể triển khai.

Theo chia sẻ của Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, ban lãnh đạo BIDV đã tiếp xúc tổng cộng 38 nhà đầu tư trong 3 năm qua để huy động vốn. Nhưng do điều không thuận lợi từ tình hình kinh tế các nước, sự thu hẹp của khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư đối với thị trường mới nổi, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước làm giảm sút việc mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

Ông Tú cũng cho biết nhiệm vụ này vẫn được tiếp tục trong năm 2023, làm việc với một số nhà đầu tư tiềm năng song không thể công bố danh tính.

Theo Chứng khoán Vietcap, triển vọng về thương vụ bán vốn cho nước ngoài của 2 ngân hàng lớn là BIDV và Vietcombank là một trong những điểm sáng thu hút vốn ngoại của ngành ngân hàng trong năm 2024.

Còn Chứng khoán VCSC dự báo với kỳ vọng kinh tế phục hồi trong năm 2024, cộng thêm môi trường lãi suất thấp, hoạt động huy động vốn từ phát hành cổ phiếu của ngân hàng có thể thành công.

Việc tăng cường nguồn vốn mới giúp ngân hàng có thể chống chịu, hỗ trợ nền kinh tế đang khó khăn, phục hồi tăng trưởng sau đại dịch covid-19. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ “tiếp sức” với nguồn vốn dồi dào, mà còn hỗ trợ các ngân hàng Việt về kinh nghiệm quản trị, điều hành, qua đó nâng cao chất lượng, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế…

Cuộc đua huy động vốn ngoại cũng được “hâm nóng” ở khối ngân hàng tư nhân với một số các thương vụ bán vốn cho nước ngoài được thực hiện trong giai đoạn năm 2023-2024.

Thương vụ gây ấn tượng nhất năm 2023 là ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng VPBank (mã: VPB) đã thực hiện phát hành thành công 15% cổ phần riêng lẻ cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản. Qua đó, SMBC chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng VPBank, sở hữu 1,19 tỷ cổ phiếu.

VPBank đã thu về ước tính khoảng 35.900 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,5 tỷ USD) để bổ sung cho nguồn vốn cấp 1, cùng những lợi ích thương mại từ thương vụ bắt tay hợp tác với đối tác Nhật Bản. Đây được đánh giá là một trong những thương vụ bán cổ phần cho đối tác ngoại lớn nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng Việt Nam từ trước đến nay.

Thương vụ này giúp VPBank nâng vốn chủ sở hữu từ mức 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng này, theo tính toán của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s, sẽ tăng lên gần 19% – dẫn đầu trong các ngân hàng tại Việt Nam được tổ chức này đánh giá.

Cũng trong năm 2023, một số nhà băng tư nhân triển khai kế hoạch huy động vốn ngoại, nhắm đến các tổ chức uy tín lớn để thực hiện các thương vụ đình đám.

Cũng chuẩn bị sẵn kế hoạch huy động vốn ngoại, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã: LPB) dự kiến sẽ trình Đại hội cổ đông diễn ra ngày 27/4/2024 về phương án tăng vốn điều lệ thêm 65,8%, từ mức 17.291 tỷ đồng hiện nay lên tới 28.676 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhà băng này sẽ phát hành 300 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, chào bán 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, trả cổ tức 19% bằng cổ phiếu và 10 triệu cổ phiếu ESOP dành cho người lao động. Như vậy, năm 2024 hứa hẹn sẽ là năm tăng vốn khủng nhất của LPBank, giúp huy động nguồn tài chính lớn cho kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng trong các năm tới.

 LPBank dự kiến phát hành 300 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (mã: SHB) chia sẻ với cổ đông sẽ chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, dự kiện diễn ra vào đầu năm 2024. Tuy vậy, hiện tại đã bước sang tháng 3 mà SHB vẫn chưa có động thái mới về tiến độ triển khai thương vụ này.

Trong khi đó, từ tháng 7/2023, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã: SSB) đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu đang lưu hành để chào bán cho 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Dự kiến bên mua là quỹ Norfund (quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển).

Đại diện của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank, mã: HDB) cũng cho biết, ngân hàng này đã có sẵn sự chuẩn bị cần thiết cho đối tác chiến lược, để dành khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn. HDBank có kế hoạch phát hành 12,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi quốc tế vào năm 2024.

Nhà băng này đã nhận được sự quan tâm từ một số đối tác, không chỉ ở Hàn Quốc mà còn một số thị trường khác như châu Âu, Mỹ,…

Theo Nguyễn Hằng-Diệp Anh/Tạp chí Việt-Mỹ