QC 1
Chủ nhật, ngày 16/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nhiều ngân hàng vẫn còn cổ đông sở hữu cổ phần vượt trần quy định

Theo Kiểm toán Nhà nước, đến cuối năm 2022, vẫn có một số ngân hàng có tỷ lệ sở hữu cổ phần của của tổ chức, cổ đông và người có liên quan vượt trần quy định.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi tới Quốc hội mới đây cho thấy, việc xử lý giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt quy định theo Luật Các tổ chức tín dụng vẫn còn chậm và kéo dài nhiều năm.

Tính đến 31/12/2022, vẫn còn một số ngân hàng thương mại có cổ đông là tổ chức sở hữu cổ phần chiếm trên 15% vốn điều lệ. Các ngân hàng thuộc nhóm này gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigon Bank), Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (nay là Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển)…

Một số ngân hàng có cổ đông và người có liên quan của cổ đông sở hữu cổ phần chiếm trên 20% vốn điều lệ như Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng cổ đông lớn và người có liên quan nắm trên 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng khác như tại Saigon Bank và Ngân hàng Đông Á (DongABank).

Kiểm toán Nhà nước đánh giá, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác đảm bảo kiểm soát lạm phát ở mức 3,15%, ổn định tỷ giá, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế đạt mức 8,02%.

Các ngân hàng được kiểm toán cơ bản đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%.

Song ngoài nhóm ngân hàng thương mại mua bắt buộc và bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt còn một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao vượt ngưỡng 3%, như Ngân hàng Quốc dân và Ngân hàng Indovina.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra rằng, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán một số thời điểm còn thấp trong tương quan với tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát, tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhiều thời điểm trong năm còn căng thẳng.

Trong năm 2022, một số tổ chức tín dụng thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc NHNN phải cho vay hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt với số tiền lớn, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung dài hạn toàn hệ thống có xu hướng tăng.

Các ngân hàng vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc như Ngân hàng Public Việt Nam vào thời điểm tháng 7/2022; hay giai đoạn tháng 10/2022 và cuối năm 2022, một số nhà băng gồm: Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Bản Việt (BVBank), Ngân hàng BPCEIOM chi nhánh TP HCM, Ngân hàng Deutsche Bank AG chi nhánh TP HCM cũng rơi vào tình trạng này.

Năm 2022, tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ đạt 14,18%; cơ cấu tín dụng chưa đúng định hướng ưu tiên. Trong đó, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản cuối năm 2022 là 2.581 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9% so với cuối năm 2021 và gấp 1,7 lần tỷ lệ tăng trưởng chung toàn ngành. Tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp/tổng dư nợ của một số ngân hàng cao, như: Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam 14,08%; Ngân hàng TMCP Quân đội 7,66%.

Cũng trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước phải cho vay hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt với số tiền lớn cho SCB và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Một số ngân hàng phân loại nợ chưa phù hợp, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác, còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay.

Tại Ngân hàng Chính sách xã hội, kết quả kiểm toán cho thấy, còn các trường hợp cho vay giải quyết việc làm không đúng đối tượng; cho vay vượt hạn mức; hỗ trợ lãi suất chưa đúng quy định. Bên cạnh đó, một số chi nhánh có tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh cao, kéo dài nhiều năm nhưng chưa có biện pháp hiệu quả để khắc phục.

Theo Minh Anh/ VietnamFinane