QC 1
Thứ 4, ngày 15/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nhiều “sóng gió” còn chờ đón thị trường chứng khoán ở phía trước

Bước sang tháng 7, SSI Research lưu ý, các yếu tố rủi ro từ bên ngoài có thể sẽ tiếp tục tạo thách thức cho thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.

Sau khi đạt mức cao lịch sử tại 1.528,6 điểm vào ngày 6/1/2022, chỉ số chung đã không ngừng lao dốc. Tâm lý tiêu cực bao trùm khiến 6 tháng đầu năm 2022, VN-Index giảm 20,5% so với đầu năm. Tương tự, trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng lần lượt giảm hơn 40% và hơn 23%.

Giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước giảm mạnh là do tác động chung của tình hình kinh tế và chứng khoán toàn cầu, chủ yếu đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, căng thẳng Nga – Ukraine khiến lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, lạm phát cao, gián đoạn chuỗi cung ứng và tình trạng tài chính toàn cầu thắt chặt… Ngoài ra, một số thông tin vụ việc về các lãnh đạo doanh nghiệp trong nước bị bắt đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Bên cạnh diễn biến không tích cực của điểm số, thanh khoản thị trường cũng sụt giảm kể từ tháng 12/2021, trong khi đó số lượng tài khoản mở mới vẫn tăng mức kỷ lục.

Riêng trong tháng 6, VN-Index ghi nhận mức giảm 7,4% so với tháng 5 và giảm 20,1% so với cùng kỳ 2021. Thanh khoản bình quân trên cả 3 sàn chỉ đạt gần 18.000 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất có thể kể đến như Dịch vụ tài chính (-14,7%); Tài nguyên cơ bản (-14,7%); Hóa chất (-12,6%) và Dầu khí (-12,6%).

Bước sang tháng 7, SSI Research lưu ý, các yếu tố rủi ro từ bên ngoài có thể sẽ tiếp tục tạo thách thức cho TTCK trong ngắn hạn. Bên cạnh xu hướng các NHTW lớn thắt chặt chính sách tiền tệ, căng thẳng Nga-Ukraine kéo dài, áp lực lạm phát ngày càng rõ nét, nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái cũng có thể tạo thêm áp lực lên tỷ giá. Ngay trong tháng 7, một đợt tăng lãi suất mạnh nữa của Fed khả năng sẽ diễn ra và được công bố vào rạng sáng ngày 28/7. Tương quan giữa TTCK Mỹ và TTCK Việt Nam đã lên cao trong thời gian gần đây.

“Nhà đầu tư nên lưu ý những diễn biến này trong ngắn hạn”, SSI Research khuyến nghị.

Mới đây, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nói rằng, quỹ sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần thứ ba trong năm nay khi đưa ra mức 3,6% cho năm 2022 vào tháng 4 vừa qua. IMF dự kiến ​​sẽ công bố dự báo cập nhật cho năm 2022 và 2023 vào cuối tháng 7.

Đáng chú ý, sự kiện “phá đáy” phiên ngày 6/7 đang gây tâm lý hoang mang khá lớn cho các nhà đầu tư. Bởi lẽ diễn biến trong phiên rất khó lường khi nhiều cổ phiếu bị “đè bán” về cuối phiên, nhất là trong phiên ATC. Trong khi đó, thị trường chung không có thông tin tiêu cực nào, sau sự kiện này, thị trường càng trở nên khó đoán định hơn trong thời gian tới.

“Tâm lý thị trường ở trạng thái rất “lỏng lẻo” dễ bị lôi cuốn”, các chuyên gia của công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhận xét.

Hơn nữa, dòng tiền đang dần yếu đi trong khi lượng cung ng ày càng gia tăng thêm do lượng cổ phiếu niêm yết bổ sung từ chia tách và tăng vốn. Điều này cũng gây áp lực tương đối cao cho thị trường và mức độ phân hóa đang thu hẹp lại ở mức thấp khiến cho diễn biến ngắn hạn của thị trường đang trở nên tiêu cực và khó lường hơn.

Theo ước tính, trong tháng 7 này, cổ đông sẽ đón hơn 2 tỷ cổ phiếu từ các đợt phát hành trả cổ tức, ESOP được giao dịch trên thị trường.

“Việc cổ phiếu về tài khoản nhà đầu tư sẽ tạo ra nguồn cung tiềm năng gia tăng mạnh có thể gây áp lực đáng kể lên cổ phiếu, đặc biệt là đối với những cổ phiếu có khối lượng lớn”, một chuyên gia đánh giá.

Về kỹ thuật, chứng khoán ASEAN (ASEANSC) phân tích, đồ thị ngày 6/7 của VN-Index xuất hiện cây nến đỏ thứ 3 liên tiếp với giá đóng cửa nằm dưới vùng hỗ trợ quan trọng 1.150 – 1.160 điểm, và các đường trung bình động ngắn hạn (MA3 ngày, MA5 ngày, và MA10 ngày), kèm thanh khoản giảm nhẹ và ở gần mức trung bình 20 phiên, là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế và xu hướng ngắn hạn tiếp tục xấu đi.

Theo Nguyên Nam/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/nhieu-song-gio-con-cho-don-thi-truong-chung-khoan-o-phia-truoc-139381.html