Chất lượng tài sản của ngành ngân hàng đang đặt ra nhiều lo ngại khi nợ xấu có xu hướng tăng lên.
- >> Ngân hàng NCB dự kiến tăng vốn gấp đôi nhờ phát hành riêng lẻ 620 triệu cổ phiếu
- >> Lãi suất giảm, “bắt đáy” ở cổ phiếu nhóm ngành nào?
- >> VietCapitalBank (BVB) chào bán gần 92 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 4:1
Nỗi lo tăng lên
Thị trường tài chính thế giới và Việt Nam đang trải qua những biến động lớn. Sự sụp đổ của 3 ngân hàng Mỹ khiến các ngân hàng trung ương cần tính toán lại chu kỳ tăng lãi suất và siết chặt các quy định về bảo hiểm tiền gửi.
Bên cạnh đó, chất lượng tài sản của ngành ngân hàng cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là trong bối cảnh nợ xấu ngành ngân hàng có dấu hiệu gia tăng và tình trạng này có khả năng sẽ kéo dài.
Năm 2022, nợ xấu là thách thức của ngành ngân hàng trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao. Nợ xấu ngành này gia tăng trong những tháng cuối năm 2022 và tiếp tục có sự phân hóa, tùy thuộc vào tính chất tệp khách hàng của từng ngân hàng.
Dư nợ xấu tính đến 31/12/2022 của 27 ngân hàng có cổ phiếu niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán đã tăng 35% so với đầu năm 2022, lên trên 136.400 tỷ đồng.
Các ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ gia tăng các khoản nợ xấu sau khi thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực từ 30/6/2022 và nền kinh tế có khá nhiều biến động trong năm vừa qua.
Đáng lưu ý, tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của ngành ngân hàng.
Ngành ngân hàng là ngành phụ thuộc nhiều vào những biến động kinh tế vĩ mô. Khó khăn trong ngành bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa được giải quyết. Điều này sẽ tác động trực tiếp lên chất lượng tài sản của ngân hàng khi rủi ro nợ xấu đang dần hiện hữu.
Với tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng chiếm xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngành ngân hàng, sự suy yếu của thị trường bất động sản được giới phân tích tài chính nhìn nhận không chỉ ảnh hưởng triển vọng tăng trưởng tín dụng mà còn là những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu, gây áp lực lên chất lượng tài sản của các ngân hàng.
Khoảng 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng hiện nay là bất động sản. Việc phát mãi tài sản đảm bảo, bán nợ theo cơ chế thị trường để xử lý nợ xấu gặp trở ngại đáng kể khi thị trường bất động sản gặp khó khăn.
Cùng với đó, những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng trả nợ suy giảm sẽ lại là một yếu tố tác động xấu đến chất lượng tài sản của các ngân hàng.
Nhiều ngân hàng đã thực hiện đẩy mạnh việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ xấu tiềm ẩn. Các ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt, lợi nhuận cao thường có nhiều dư địa để trích lập dự phòng, giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao. Còn lợi nhuận của các ngân hàng có mức điểm xếp hạng tín nhiệm sơ bộ thấp sẽ bị ăn mòn gần hết bởi các chi phí dự phòng.
Chất lượng tài sản ngân hàng ra sao trong năm 2023?
Giới phân tích tài chính nhận định, năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu. Khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng của ngân hàng trong những năm qua.
Quy mô nợ xấu, chi phí tín dụng sẽ khác nhau giữa các nhà băng, dựa trên mức độ thận trọng của nhà băng trong việc trích lập dự phòng và khả năng hồi phục tài chính của khách hàng. Các ngân hàng đã trích lập đầy đủ cho nợ cơ cấu và không liên quan nhiều đến trái phiếu doanh nghiệp sẽ có khả năng kiểm soát chi phí rủi ro tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, dù trải qua một năm 2022 đầy biến động song chất lượng tài sản của ngành ngân hàng hiện vẫn tốt. Tuy vậy, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành có thể tăng nhẹ trong năm 2023, do Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực và do các vấn đề liên quan đến ngành bất động sản, khi các điều kiện thanh khoản bị thắt chặt và thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ.
Tương tự, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới. Trừ khi có các quy định đặc biệt về phân loại nợ, trích lập dự phòng cho các khoản vay, trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 được thực hiện, nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ là những áp lực tương đối lớn.
Còn Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, áp lực suy giảm chất lượng tài sản đối với các ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023 khi nhiều doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt với bài toán thanh khoản. Kênh huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp hiện vẫn đang bị tắc nghẽn và chưa có hướng giải quyết đột phá.
Tuy nhiên, diễn biến tỉ giá và lạm phát theo chiều hướng tích cực hơn sẽ giúp lãi suất cho vay hạ nhiệt và phục hồi nhu cầu vay mua nhà. Những yếu tố này giúp cải thiện sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp bất động sản, qua đó giảm áp lực nợ xấu lên hệ thống ngân hàng.
ACBS cho rằng, trong năm 2023, chất lượng tài sản cũng như chi phí dự phòng sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng, phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro cũng như năng lực quản trị rủi ro tín dụng của từng ngân hàng.
“Các ngân hàng luôn kiểm soát được tỉ lệ nợ xấu ở mức thấp như VCB (0,7%), ACB (0,7%) có khả năng duy trì được chất lượng tài sản tốt trong năm 2023”, ACBS đánh giá.
Trong khi đó, đại diện Fiin Group cho rằng sức khỏe hệ thống các ngân hàng đã tốt hơn rất nhiều khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Trong ngắn hạn, ngành ngân hàng có đủ nguồn lực để đối phó với rủi ro nợ xấu.
Theo Minh Anh/Vietnam Finance
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/no-xau-tang-len-chat-luong-tai-san-ngan-hang-bi-de-doa-20180504224282096.htm