QC 1
Chủ nhật, ngày 05/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ông Đào Ngọc Thanh trúng cử Chủ tịch Vinaconex, nhóm cổ đông lớn hứa “vực dậy” doanh nghiệp

Đại hội cổ đông bất thường diễn ra sáng 11/1/2019 đã bầu ra 7 Thành viên HĐQT và 5 Thành viên Ban kiểm soát, chính thức “thay máu” dàn lãnh đạo cộm cán của Vinaconex sau khi Nhà nước và cổ đông lớn thoái hết vốn.

Ông Đào Ngọc Thanh giữ chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinaconex nhiệm kỳ 2017-2022

Đại hội cổ đông bất thường Tổng CTCP xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) sáng nay có sự tham dự của 101 cổ đông và người ủy quyền, đại diện cho hơn 417 triệu cổ phiếu, tương đương 94,52% vốn điều lệ công ty. Như vậy, Đại hội cổ đông bất thường đủ điều kiện tiến hành.

Nội dung cuộc họp này nhằm xem xét thông qua việc miễn nhiệm và bầu cử 7 thành viên HĐQT và 5 thành viên Ban kiểm soát mới sau khi Vinaconex có sự thay đổi cơ cấu cổ đông.

Trước đó, SCIC và Viettel đồng loạt thoái vốn, bán đấu giá cổ phần thành công cho các cá nhân, tổ chức bên ngoài tham gia mua với tổng giá trị vốn thu về hơn 9.500 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, Vinaconex có 3 cổ đông lớn chiếm 87% vốn điều lệ, gồm: Công ty TNHH An Quý Hưng sở hữu 57,71% vốn, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ nắm 21,3%, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest nắm 7,57%, còn lại 13,4% thuộc về các cổ đông nhỏ lẻ khác…

Cục diện tại Vinaconex đã thay đổi với sự chi phối của các nhóm liên minh mới trúng đấu giá cổ phần từ SCIC và Viettel 

Báo cáo với cổ đông, đại diện Vinaconex cho biết, 7 thành viên HĐQT đương thời của Vinaconex đều có đơn xin từ nhiệm, bao gồm: Chủ tịch Vinaconex Nguyễn Đức Chi (Chủ tịch HĐTV và người đại diện vốn SCIC), ông Đỗ Trọng Quỳnh, ông Trần Tuấn Anh, ông Nguyễn Anh Tùng, ông Phạm Văn Hải, ông Lê Đăng Dũng, bà Nghiêm Phương Nhi.

5 thành viên Ban kiểm soát cũ cũng xin từ nhiệm gồm ông Đặng Thanh Tuấn, bà Kiều Bích Hoa, ông Vũ Hồng Tuấn, bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang và ông Bùi Anh Vũ.

ĐHCĐ bất thường đã tiến hành biểu quyết thông qua việc từ nhiệm của tất cả thành viên HĐQT và Ban kiểm soát cũ.

Tại đại hội, 100% cổ đông cũng tán thành phương án HĐQT cũ giới thiệu ứng viên thành viên HĐQT như sau:

Ông Đào Ngọc Thanh (hiện là Tổng giám đốc Ecopark).

Ông Nguyễn Xuân Đông (Chủ tịch An Quý Hưng).

Ông Dương Văn Mậu (Phó TGĐ Vinaconex).

Ông Nguyễn Hữu Tới (Chủ tịch Vinaconex 12).

Ông Bùi Tuấn Anh (Trợ lý Chủ tịch Vinaconex 12).

Như vậy, danh sách bổ sung thêm hai ứng viên được Cường Vũ đề cử trước đó, nâng tổng số 7 ứng viên để bầu vào HĐQT mới.

Trong đó, ông Đào Ngọc Thanh đại diện cho nhóm cổ đông An Quý Hưng, hiện là CEO CTCP Đầu tư và Phát triển Việt Hưng (Ecopark), Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Contana (CSC), Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương (API)…

Cổ đông Bất động sản Cường Vũ (mua cổ phần VCG từ Viettel) đề cử 2 thành viên vào HĐQT Vinaconex là ông Nguyễn Quang Trung là Phó Tổng giám đốc Địa ốc Phú Long và ông Thân Thế Hà là Phó Tổng giám đốc Vinaconex, Chủ tịch HĐTV Công ty liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC).

Đồng thời, Bất động sản Cường Vũ đề cử 2 cá nhân vào Ban kiểm soát là ông Nguyễn Xuân Đại (sinh năm 1974), ông Lê Đình Vinh (sinh năm 1972). Song tại đại hội, cổ đông Viettel đề nghị đã rút ông Lê Đình Vinh khỏi danh sách ứng cử, chỉ giữ lại bầu ông Nguyễn Xuân Đại.

Ngoài ra, có 3 ứng viên bầu vào Ban kiểm soát là từ Vinaconex và Trưởng bộ phận kế toán CTCP Picenza Việt Nam.

Sau khi tiến hành bầu cử và kiểm phiếu, HĐQT và Ban kiểm soát mới trúng cử của Vinaconex đã ra mắt cổ đông.

7 thành viên HĐQT:

  1. Ông Thân Thế Hà (đại diện do Viettel ứng cứ, Chủ tịch HĐTV An Khánh SJC).
  2. Ông Nguyễn Quang Trung (đại diện do Viettel ứng cử, Phó Tổng giám đốc Công ty địa ốc Phú Long).
  3. Ông Nguyễn Xuân Đông, CEO An Quý Hưng – Nhóm cổ đông An Quý Hưng.
  4. Ông Dương Văn Mậu
  5. Ông Đào Ngọc Thanh, CEO Ecopark – Nhóm cổ đông An Quý Hưng.
  6. Ông Bùi Tuấn Anh.
  7. Ông Nguyễn Hữu Tới.

HĐQT đã họp và thống nhất bầu ông Đào Ngọc Thanh giữ chức Chủ tịch HĐQT Vinaconex nhiệm kỳ 2017-2022.

Tại đại hội, chia sẻ với cổ đông, ông Đào Ngọc Thanh cho biết, với tư cách

cách đại diện nhóm cổ đông lớn An Quý Hưng thì ông muốn tập hợp các anh em lại để làm một điều gì đó cho Vinaconex. Mục tiêu đưa Vinaconex muốn trở thành top 3 doanh nghiệp trong ngành xây dựng ở Việt Nam là điều hoàn toàn có thể làm được.

“Vinaconex là 1 thương hiệu tên tuổi không chỉ là xây lắp mà là công ty đa ngành đa nghề. Chúng ta chỉ quan tâm đến thương hiệu Vinaconex là đơn vị thi công trên nóc tòa nhà thì chúng ta đã quên đi một nửa trách nhiệm. Chúng ta phải là chủ đầu tư của các khu đô thị lớn, phải xây dựng những khu đô thị kiểu mẫu tầm cỡ quốc tế. Chúng ta phải làm đa ngành, chọn lọc những gì gần gũi sát thực. Tôi nghĩ đây là điều chúng ta cần hướng đến”, Tân chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Kết quả kinh doanh của Vinaconex nhiều năm qua khá “lẹt đẹt” 

Tại đại hội, cổ đông cũng chất vấn về giá trị cổ phiếu VCG lâu nay vẫn rất lẹt đẹt sau 10 năm niêm yết, không xứng với tiềm năng của tổng công ty nhà nước lớn đa ngành. Hiện, giá cổ phiếu VCG trên sàn chứng khoán giao dịch quanh mức 23.300 đồng/CP.

Ông Nguyễn Văn Đông cho rằng, trước đây Vinaconex thuộc sở hữu Nhà nước có nhiều điều không làm được, song giờ đã thoái vốn, chuyển sang tư nhân làm. Với tiềm năng của Vinaconex như sở hữu nhiều tài sản, dự án, đầu tư nhiều lĩnh vực, đơn cử như dự án Spendora dở dang do cơ chế trước không phát huy hết được, nhưng nhóm cổ đông lớn sẽ đồng lòng nhất trí sẽ phát triển dự án. Do đó, HĐQT mới định hướng chung, sẽ chú trọng vào đầu tư là lĩnh vực then chốt để kiếm tiền, xây dựng sẽ là trụ đỡ để phát triển mảng đầu tư.

Theo Hải Hà/Doanh nghiệp& Thương hiệu