QC 1
Thứ 7, ngày 27/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Phiên giao dịch ngày 28/12/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 28/12/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

Mức định giá hiện tại của cổ phiếu VNM đang hấp dẫn

Trong Q3/2021, CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk (HOSE: VNM) ghi nhận doanh thu thuần 16.194 tỷ đồng (+4,1% YoY), LNST đạt 2.961 tỷ đồng (-5,7% YoY). Lũy kế 9T2021, VNM ghi nhận doanh thu 45.100 tỷ đồng (-0,2% YoY) và LNST 8.420 tỷ đồng (- 6,4% YoY), hoàn thành lần lượt 73% KH doanh thu và 75% KH lợi nhuận.

KQKD từ đầu năm đến nay của VNM suy giảm do đầu ra bị ảnh hưởng bởi các đợt bùng phát COVID mặc dù trong các đợt bùng phát trước, ngành tiêu dùng các sản phẩm sữa ít bị ảnh hưởng hơn so với các ngành FMCG khác. Theo đó, doanh thu 9T2021 giảm nhẹ 0,2% YoY, chúng tôi đánh giá đây là một thành quả khá tốt của VNM trong bối cảnh này, tuy nhiên, LNST giảm 6,4% chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh từ cuối năm 2020 đến nay như sữa bột nguyên kem (+24% YoY), đường (+43% YoY).

FSC khuyến nghị mức định giá hiện tại của cổ phiếu VNM đang hấp dẫn. Hình minh họa

Tuy nhiên, KQKD Q3/2021 đã cải thiện hơn nhờ nới lỏng giãn cách sau COVID và giá đầu vào như giá sữa bột nguyên kem giảm nhẹ. Biên lợi nhuận gộp Q3 đạt 42,9%, thấp hơn mức 46,7% cùng kỳ và cũng thấp hơn mức 43,6% của Q1 và Q2/2021 vì sức cầu tiêu dùng suy giảm mạnh trong Q3 do giãn cách khiến VNM không thể tăng giá bán. Điểm tích cực là VNM đã quản lý tốt chi phí hoạt động doanh nghiệp (-14,1% YoY), tăng chi phí bán hàng (+0,7%) để góp phần giúp tăng doanh thu (+4,1% YoY).

Đối với quản lý giá đầu vào, VNM cho biết đã chốt giá sữa bột đến hết Q1/2022 ở mức giá thấp hơn chi phí thực tế của Q3/2021 và ký hợp đồng bao bì đóng gói cố định cho nhiều năm.

Giá các loại nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là bột sữa (chiếm khoảng 20% chi phí sản xuất) bắt đầu tăng mạnh từ Q1/2021 khiến biên lãi gộp giảm mạnh xuống 43,6%, bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đợt bùng phát Covid-19 trong cùng kỳ nên doanh thu Q1/2021 cũng giảm 6,8% YoY, LNST giảm xuống 2.570 tỷ đồng (-6,5% YoY).

FSC dự phóng VNM sẽ tiếp tục suy giảm KQKD trong quý 4/2021 trước khi quay lại đà tăng trưởng từ Q1/2022 do: 1) Mức giá chốt đầu vào thấp hơn chi phí thực tế Q3/2021 nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ 2020; 2) Tổng mức bán lẻ hàng hóa cũng như sức cầu tiêu dùng vẫn chưa hồi phục mạnh ngay trong Q4; 3) Một lưu lượng người lao động rời bỏ khu vực thành thị hiện vẫn chưa quay lại làm việc cho đến Tết Nguyên đán trong khi các điểm bán lẻ và kênh phân phối của VNM phần lớn ở khu vực thành thị. Chúng tôi dự phóng doanh thu Q4/2021 sẽ tăng nhẹ 2,68% YoY nhờ nhu cầu hồi phục và giá bán cải thiện so với Q3/2021, FSC cho rằng LNST sẽ tiếp tục giảm 6,31% YoY từ mức nền cao Q4/202.

FSC kỳ vọng đà tăng trưởng sẽ quay lại từ Q1/2022 nhờ 1) Mức nền thấp Q1/2021; 2) Biên lợi nhuận gộp 2022 sẽ cải thiện nhờ giá bán đầu ra tăng khi nhu cầu phục hồi và giá nguyên liệu đầu vào giảm khi dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát ở các nước; và 3) Hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế 800 nghìn tỷ của Chính phủ có thể giúp VNM tăng cả sản lượng lẫn giá bán ra…

FSC cho rằng mức định giá hiện tại của VNM là hấp dẫn và hiếm có so với lịch sử cũng như so với VNIndex và các cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng trong khu vực. FSC cho rằng khi KQKD tăng trưởng trở lại, VNM xứng đáng được định giá lại, phù hợp với vị thế của một công ty đầu ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam và top đầu về vốn hóa so với khu vực.

Tiếp tục quan sát đối với cổ phiếu SHB

Mức Stock Rating của SHB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội – sàn HOSE) ở mức 66 điểm cho nên FSC vẫn duy trì đánh giá TRUNG TÍNH mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của SHB đóng cửa phiên cuối tuần tăng 7% với KLGD dưới mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá vẫn duy trì được ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 20.30 và mức hỗ trợ mạnh là 19.27. Tuy nhiên, xu hướng ngắn hạn của SHB vẫn duy trì ở mức GIẢM. Điểm tích cực là đồ thị giá của SHB xuất hiện mô hình Bullish Crab cho thấy rủi ro ngắn hạn đã giảm đáng kể.

Theo đó, FSC khuyến nghị các NĐT tiếp tục QUAN SÁT và có thể xem xét mua mới với tỷ trọng thấp khi đồ thị giá vượt mức 21.76.

Công ty chứng khoán BIDV – BSC

Chốt lãi khi cổ phiếu TNA tiếp cận ngưỡng 17.000 đồng/cp

Cổ phiếu TNA (CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam – sàn HOSE) đang nằm trong xu hướng tăng giá mạnh sau khi hình thành mô hình 2 đáy tại ngưỡng 13.0. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên, đồng thuận với xu hướng tăng của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD đang ủng hộ xu hướng tăng giá trong khi chỉ báo RSI cho thấy tín hiệu điều chỉnh nhẹ sau 2 phiên tăng trần. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20 và MA50, cho thấy xu hướng tăng giá đang hình thành.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 15.0, chốt lãi tại ngưỡng 17.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 14.3.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Theo Tuệ An/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/phien-giao-dich-ngay-28122021-nhung-co-phieu-can-luu-y-107681.html