QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Phó chủ tịch VASB: ‘Cần kiểm tra mỗi lần tăng vốn của doanh nghiệp chưa đại chúng’

Bà Hoàng Hải Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán là việc niêm yết doanh nghiệp có vốn ảo. Bởi vậy, bà Hải Anh cho rằng với doanh nghiệp chưa đại chúng, cần thiết phải kiểm tra, kiểm toán vốn mỗi lần tăng vốn.

Phó chủ tịch VASB: 'Cần kiểm tra mỗi lần tăng vốn của doanh nghiệp chưa đại chúng'
Phó chủ tịch VASB: ‘Cần kiểm tra mỗi lần tăng vốn của doanh nghiệp chưa đại chúng’

Đóng góp tham luận cho hội thảo “Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam” (do Tạp chí Reatimes và Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam tổ chức), bà Hoàng Hải Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VASB, đã nêu quan điểm đáng chú ý về việc chống thao túng giá trên thị trường cổ phiếu.

Theo bà Hải Anh, thời gian vừa qua, thị trường chứng kiến một số vụ việc có dấu hiệu hành vi thao túng thị trường chứng khoán đến mức phải khởi tố hình sự. Đây là những hành vi gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư và cũng làm giảm uy tín nghiêm trọng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mặc dù quy định pháp luật đã quy định rất rõ ràng mang tính răn đe cao, hành vi thao túng thị trường theo Bộ Luật Hình sự là một trong 4 tội danh hình sự về chứng khoán, tuy nhiên các hành vi này vẫn xảy ra trên thị trường và có xu hướng ngày càng tăng về quy mô. Theo bà Hải Anh, thực trạng trên xuất phát từ một số nguyên nhân chính.

Thứ nhất là hệ thống pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán. Luật Chứng khoán 2019 đã có những cải tiến nhất định trong việc chống hành vi thao túng thị trường chứng khoán như: tăng thẩm quyền cho Thanh tra chứng khoán trong công tác thu thập thông tin, bằng chứng hành vi thao túng thị trường; quy định tiêu chuẩn cho tổ chức kiểm toán báo cáo tài chính cho các doanh nghiệp niêm yết, phát hành đại chúng… Tuy nhiên, trên thực tế, do khung tối đa mức phạt tiền theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính còn thấp, chưa đủ sức răn đe, nên người vi phạm vẫn thực hiện hành vi vi phạm.

Mặc dù Luật Chứng khoán và nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong luật chứng khoán đã đưa ra khung tối đa bằng 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng việc tính toán và chứng minh được khoản thu trái pháp luật cũng còn nhiều quan điểm với các hình thức phong phú đa dạng, khó khăn trong việc xác định.

Ngoài ra, để có thể phát hiện kịp thời các hành vi thao túng thị trường chứng khoán để ngăn chặn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần có bộ phận giám sát có đủ nguồn lực là thời gian để có thể theo dõi sát sao hơn 2.000 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, chưa kể hàng nghìn doanh nghiệp đại chúng khác. 

Về vấn đề này, VASB kiến nghị cần có sự rà soát tổng thể về Luật Xử lý vi phạm hành chính để luật này trở thành khung nguyên tắc chung, không quy định các mức xử phạt tối đa cụ thể đối với các ngành nghề đặc thù.

Luật Chứng khoán và một số luật đặc thù khác cần được đưa ra các mức xử phạt cao, có thể hơn rất nhiều lần khung tối đa của Luật Xử lý vi phạm hành chính, để đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm dẫn đến mức xử lý hình sự trên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, VASB cũng cho rằng cần có sự đầu tư thích đáng về công cụ cũng như nguồn nhân lực cho bộ máy giám sát, cảnh báo vi phạm để có thể phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm khi chưa đến mức độ cao. Do đó, tổ chức bộ máy này không chỉ ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mà ở cả các Sở giao dịch chứng khoán, Sở Tài chính của các tỉnh, các tổ chức hành nghề chứng khoán… dưới sự điều phối, quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Đặc biệt, vị trí pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cần tương xứng để có thể điều phối và phối hợp được với Sở Tài chính hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh trong hoạt động giám sát tuân thủ của các công ty đại chúng ngày càng nhiều, đa dạng ngành nghề và trải dài trên địa bàn cả nước.

Thứ hai, một vấn đề rất quan trọng cũng là động cơ thường dẫn đến hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán là việc niêm yết doanh nghiệp có vốn ảo. Đây là một thực tế doanh nghiệp tận dụng “kẽ hở” trong phối hợp quản lý để đạt được mục tiêu. Nhiều doanh nghiệp khi chưa đại chúng đã thực hiện tăng vốn nhiều lần để đạt mức vốn điều lệ lớn nhưng thực tế không góp đủ hoặc chỉ đối phó góp đủ.

Khi chưa đại chúng, doanh nghiệp chỉ thực hiện đăng ký kinh doanh thông qua hệ thống phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư, không thuộc sự quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Mỗi lần tăng vốn, doanh nghiệp không được kiểm tra hay kiểm toán vốn. Sau khi đạt mức vốn ảo mong muốn thì tiến hành đại chúng hóa và niêm yết. Từ đây, doanh nghiệp sẽ có động cơ để thao túng giá của cổ phiếu, biến số cổ phiếu vốn ảo thành tiền thật, dẫn đến thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư. 

Về vấn đề này, VASB cho rằng cần thiết phải có kiểm tra hay kiểm toán vốn mỗi lần tăng vốn của doanh nghiệp chưa đại chúng. Thực tế, Luật Doanh nghiệp có quy định các cổ đông phải góp đủ vốn trong vòng 90 ngày kể từ ngày đăng ký tăng vốn điều lệ, nếu không sẽ phải làm thủ tục giảm vốn. Nhưng do chưa có cơ quan giám sát, kiểm tra việc này nên vẫn phổ biến diễn ra việc tăng vốn ảo liên tiếp. Khi doanh nghiệp đã niêm yết thì cơ quan chức năng rất khó có thể kiểm tra lại thực tế từng lần tăng vốn trước đó khi doanh nghiệp chưa đại chúng.

Bên cạnh đó, VASB đề xuất công ty đại chúng để có thể niêm yết, cần thiết và bắt buộc phải thông qua IPO ra công chúng theo đúng thủ tục quy định. Quy định hiện nay đã có cải tiến việc IPO phải niêm yết ngay, tuy nhiên một doanh nghiệp vẫn có thể trở thành công ty đại chúng mà không thông qua thủ tục IPO. Đây chính là “kẽ hở” để người có ý đồ thao túng giá cổ phiếu có thể phân phối cổ phiếu đứng tên hộ, chuẩn bị thực hiện các giao dịch thao túng giá sau này.

Ngoài ra, quy định về trách nhiệm của công ty kiểm toán cần được quy định chặt chẽ hơn. Hiện nay, pháp luật mới chỉ quy định chung cho toàn bộ các hoạt động niêm yết và chào bán chứng khoán ra công chúng, cần thiết phải có các quy định với mức độ chặt chẽ khác nhau (trong đó có tiêu chuẩn của công ty kiểm toán báo cáo tài chính) đối với việc niêm yết ở các bảng khác nhau, mức độ quy mô doanh nghiệp khác nhau. Chẳng hạn ở bảng niêm yết HoSE, với quy mô vốn hóa công ty 1.000 tỷ đồng bắt buộc phải được kiểm toán bởi Big4 hoặc công ty kiểm toán có tiêu chuẩn cao hơn.

Theo Lê Nguyễn/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/pho-chu-tich-vasb-can-kiem-tra-moi-lan-tang-von-cua-doanh-nghiep-chua-dai-chung-20180504224268537.htm