QC 1
Thứ 2, ngày 06/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Sau bán loạt tài sản trả nợ, Hoàng Anh Gia Lai chia tay chuỗi “heo ăn chuối”

Hoàng Anh Gia Lai sẽ bán toàn bộ vốn tại BAPI Hoàng Anh Gia Lai- đơn vị sở hữu chuỗi phân phối sản phẩm “heo ăn chuối BAPI”. Nỗi ám ảnh nợ nần sẽ sớm được gỡ bỏ khi bầu Đức tuyên bố tập đoàn sẽ “xoá sạch nợ vào năm 2026”.

Đây là động thái bất ngờ của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) sau khi ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn này tuyên bố “ưu tiên số 1 là trả hết nợ, dự kiến tháng 6/2024 xóa lỗ lũy kế và năm 2026 hết nợ, trở thành công ty đầu tiên trên sàn chứng khoán không có nợ”.

Ngày 30/12, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai công bố Nghị quyết số 28/23/NQHĐQT-HAGL thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của công ty tại Công ty cổ phần BAPI Hoàng Anh Gia Lai (BAPIHAGL).

Sau bán loạt tài sản trả nợ, Hoàng Anh Gia Lai chia tay chuỗi “heo ăn chuối”

Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai sẽ bán 2,75 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, BAPIHAGL sẽ không còn là công ty liên kết của HAG nữa.

BAPI Hoàng Anh Gia Lai được thành lập vào tháng 5/2022, nhằm phân phối sản phẩm “heo ăn chuối BAPI” mà bầu Đức từng chia sẻ cảm xúc vui sướng, mất ăn mất ngủ khi phát hiện ra con heo ăn chuối như tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm.

BAPI được xem như là “đứa con tinh thần” của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức trong nỗ lực vực dậy hoạt động kinh doanh bết bát của Hoàng Anh Gia Lai.

Với phát hiện ra “heo ăn chuối” tận dụng nguồn nguyên liệu dư thừa, chuối thải loại từ trang trại của HAG, công ty đã tìm ra công thức nuôi heo chuối cho chất lượng thịt thơm ngon hơn nuôi heo thường, lại tối ưu chi phí cho mảng chăn nuôi heo, gà, từ đó đem lại lợi nhuận lớn hơn.

Từ đây, Hoàng Anh Gia Lai xác định chiến lược tập trung vào mô hình “con heo và cây chuối” với tham vọng sẽ đem về doanh thu nghìn tỷ, phát triển chuỗi 200 cửa hàng heo ăn chuối BAPI trên nhiều tỉnh, thành phố.

Ban đầu, BAPI Hoàng Anh Gia Lai có vốn điều lệ là 50 tỷ đồng, trong đó, Hoàng Anh Gia Lai nắm 55%, Dược phẩm Đông Á nắm 40% và 5% còn lại thuộc sở hữu của bà Hoàng Thị Kim Nhung (sau này được chuyển lại cho bà Lê Minh Nguyệt).

Đầu năm 2023, BAPI Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đợt tăng vốn này, Hoàng Anh Gia Lai chỉ mua 650.000 cổ phần trong tổng số 5 triệu cổ phần phát hành thêm, dẫn tới tỉ lệ sở hữu của HAG giảm mạnh xuống mức 44,5% vốn của BAPIHAGL và tỷ lệ biểu quyết là 34%.

Như vậy, HAG đã mất quyền kiểm soát chi phối tại chuỗi “heo ăn chuối BAPI”, dù trước đó bầu Đức từng chia sẻ rằng làm không xuể và sẽ không bán đứt chuỗi cửa hàng phân phối sản phẩm “heo ăn chuối BAPI”.

Trên thực tế, việc kinh doanh sản phẩm “heo ăn chuối BAPI” không hề dễ dàng như bầu Đức kỳ vọng, mà lại tiếp tục đem về khoản lỗ mới cho Hoàng Anh Gia Lai.

Chỉ trong vòng 1 năm qua, công ty đã phải đóng cửa gần 150/200 cửa hàng heo chuối BAPI do thua lỗ, chuỗi phân phối không đạt yêu cầu và không thể cạnh tranh nổi trong bối cảnh kinh doanh ngành hàng heo thịt rất khốc liệt.

Vì vậy, HAGL đã giảm số lượng cửa hàng xuống chỉ còn 52 cửa hàng, siêu thị (trong đó 46 cửa hàng đặt tại TP.HCM) tính đến tháng 8/2023.

Vào ngày gần cuối năm 2023, ban lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai đã đưa ra quyết định khó khăn khi bán toàn bộ vốn tại BAPI. Quyết định thoái vốn này diễn ra sau khi Hoàng Anh Gia Lai liên tục bán vốn tại “con cưng” Hoàng Anh Gia Lai Agrico (mã: HNG), khách sạn, bệnh viện… để xử lý trả các khoản nợ lớn, giảm nhanh nợ.

Ông Đoàn Nguyên Đức bị ám ảnh nợ nần vì có thời điểm 2016 Hoàng Anh Gia Lai nợ kỷ lục tới 28.000 tỷ đồng 

Tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư ngày 15/12 tại TP.HCM, bầu Đức chia sẻ về tiến độ triển khai tái cơ cấu, xử lý nợ của tập đoàn trong bối cảnh kinh doanh vẫn còn khó khăn, áp lực nợ vay, trái phiếu rất lớn, phải bán dần tài sản để trả nợ.

Ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ, bản thân ông thấm thía việc nợ nần, có thời điểm Hoàng Anh Gia Lai nợ kỷ lục tới 28.000 tỷ đồng (năm 2016), đến giờ số nợ đã giảm đáng kể xuống còn 6.000 tỷ đồng. Hai năm trước, công ty rơi vào tình cảnh không thể vay ngân hàng, hiện nay nhiều ngân hàng tìm đến để cho vay nhưng công ty không vay.

“Ưu tiên số 1 của Hoàng Anh Gia Lai là trả nợ. Chúng tôi nỗ lực tháng 6/2024 sẽ xóa lỗ lũy kế, năm 2026 sẽ trả hết nợ và trở thành công ty đầu tiên trên sàn chứng khoán không có nợ, kể cả vay vốn lưu động”, bầu Đức chia sẻ.

Theo báo cáo tài chính, đến cuối tháng 9/2023, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận tổng nợ phải trả hơn 15.952 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với 10.410 tỷ đồng. Trong khi, vốn chủ sở hữu chỉ tăng nhẹ lên mức 5.543 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vẫn ở mức cao 2,88 lần. 

Tổng tài sản của công ty giảm mạnh 2.289 tỷ đồng so với hồi đầu năm xuống còn 6.394 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm nay, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu chỉ đạt 679 tỷ đồng, giảm 80,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ có khoản thu nhập bất thưởng lớn nên lợi nhuận sau thuế đạt 710 tỷ đồng, giảm 20,4%.

Khi kiểm toán Báo cáo tài chính bán niên 2023, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam chỉ ra hàng loạt vấn đề đáng lưu ý của Hoàng Anh Gia Lai. Cụ thể, EY nhấn mạnh khoản lỗ luỹ kế 2.959,5 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2023, nợ ngắn hạn 2.004 tỷ đồng đã vượt quá tài sản ngắn hạn.
EY cho rằng: Các điều kiện này cùng với những vấn đề khác được nêu trong thuyết minh số 2.6 cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể khả năng hoạt động liên tục của Hoàng Anh Gia Lai.
Ngoài ra, Hoàng Anh Gia Lai đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng trái phiếu và đang chưa thanh toán các khoản nợ gốc vay và lãi trái phiếu đến hạn thanh toán.

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt-Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/nhip-cau-doanh-nghiep/sau-ban-loat-tai-san-tra-no-hoang-anh-gia-lai-chia-tay-chuoi-heo-an-chuoi-492110.html