QC 1
Thứ 5, ngày 16/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thị trường điều chỉnh trở lại, VN-Index giảm gần 15 điểm

Ảnh hưởng từ thông tin tiêu cực của kinh tế thế giới, VN-Index không thể nối tiếp đà tăng và giảm gần 15 điểm. Trong khi đó, thanh khoản bán ròng cũng gia tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày 16/3.

VN-Index bị ảnh hưởng đáng kể khi sự lạc quan về việc điều chỉnh lãi suất của ngân hàng nhà nước chưa kéo dài được bao lâu, các nhà đầu tư tiếp tục đón nhận những thông tin tiêu cực của nền kinh tế thế giới. Áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên và gia tăng mạnh dần kéo chỉ số chung về sát mốc 1050 chỉ sau 1 giờ giao dịch.

Kết phiên giao dịch ngày 16/3, VN-Index đóng cửa tại 1.047,40 điểm, giảm 14,79 điểm (-1,39%). Độ rộng tiêu cực với 358 mã giảm điểm (4 mã giảm sàn), 55 mã tăng điểm (4 mã tăng trần). HNX-Index giảm -2,82 điểm (-1,36%) về mức 204,19 điểm với 124 mã giảm điểm (7 mã giảm sàn), 42 mã tăng điểm (5 mã tăng trần).

Theo số liệu của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thanh khoản HOSE và HNX giảm so với phiên trước trong phiên đáo hạn phái sinh kỳ hạn VN30F2303 với 10.209 tỉ đồng, tương ứng 572 triệu cổ phiếu được giao dịch, thấp hơn 17% so với phiên trước và dưới mức thanh khoản trung bình của thị trường.

chung-khoan-bong-mai14-1626516998155329224882-crop-16685691001511665232404
VN-Index giảm gần15 điểm sau phiên phục hồi trước đó. Ảnh minh họa

Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì mua ròng, giá trị mua ròng giảm dần trong hai phiên gần đây với giá trị 89,76 tỉ đồng. Bắt đầu có tín hiệu bán ròng nhẹ ở HNX với giá trị bán ròng -2,13 tỷ đồng.

Đa số cổ phiếu ở các nhóm ngành đều giảm điểm, quay trở lại vùng giá trung bình của 3-4 phiên giao dịch gần đây. Nhóm cổ phiếu ngân hàng với các cổ phiếu điều chỉnh mạnh như HDB (-3,51%), STB (-2,96%). VIB (-2,34%), MBB (-1,97%)…

Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh khi giá dầu giảm mạnh trước lo ngại ủi ro suy thoái với PVD (-3,96%), BSR (-3,70%), PLX (-3,45%), PVS (-3,45%)… Nhóm cổ phiếu bất động sản đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh sau phiên phục hồi trước đó như VHM (-3,26%), SCR (-3,13%), IJC (-3,09%), CEO (-2,83%), NLG (-2,81%)…

Nhóm cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng cũng chịu áp lực điều chỉnh sau quá trình phục hồi vượt trội hơn so với thị trường chung như LCG (-3,50%), HHV (-2,97%), BCC (-3,39%), NKG (-3,67%), HSG (-2,72%), HPG (-2,11%)…

Một số cổ phiếu vẫn có diễn biến tích cực như VRE (+1,58%), SAB (+0,8%), CTS (+2,96%), DIG (+2,13%), DXG (+0,88%), EIB (+0,25%)..

Trên thị trường phái sinh, thị trường đã kết thúc phiên đáo hạn kỳ hạn VN30F2303 với mức chênh lệnh âm -3,99 điểm so với VN30 và bắt đầu chuyển qua giao dịch trên kỳ hạn VN30F2304. Kết thúc phiên kỳ hạn VN30F2304 chênh lệch dương 0,51 điểm so với VN30. Các kỳ hạn VN30F2406, VN30F2309 tiếp tục thu hẹp mức chênh lệch so với VN30, cho thấy các trader vẫn không quá bi quan đối với VN30 và vẫn có kỳ vọng về sự đảo chiều tích cực của VN30.

Trước diễn biến của thị trường, chuyên gia của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị, các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng, quan sát thị trường từ 3-5 phiên để đợi chờ tín hiệu xác định xu hướng rõ ràng thay vì giải ngân sớm.

Chuyên gia của SHS cho rằng, về ngắn hạn thị trường vẫn đang dao động không thực sự rõ xu hướng mặc dù khả năng tiếp tục duy trì kênh tăng ngắn hạn vẫn có thể xảy ra, các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có thể tận dụng các phiên điều chỉnh trong thời gian tới để giải ngân với tỷ trọng thấp.

Với các nhà đầu tư trung – dài hạn, chuyên gia SHS nhận định nên thực hiện chiến lược tích lũy dần cổ phiếu, mục tiêu giải ngân nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Chiến lược giải ngân trung – dài hạn nên là giải ngân dần trong các giai đoạn thị trường điều chỉnh giảm.

Theo Nguyễn Luận/Doanh nghiệp và Thương hiệu Nông thôn

Nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/thi-truong-dieu-chinh-tro-lai-vn-index-giam-gan-15-diem-p44780.html