QC 1
Thứ 7, ngày 04/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thương mại điện tử B2B thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam

Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội xuất khẩu kỹ thuật số khi thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.

Báo cáo Viễn cảnh B2B kỹ thuật số thường niên năm 2023 cho thị trường Việt Nam do Alibaba.com, các đơn vị tư vấn và chuyên gia thương mại điện tử xây dựng vừa công bố cho thấy, các doanh nghiệp tiếp tục dịch chuyển số, tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ trên môi trường thương mại số; tiếp thị và quản trị số được chú trọng; nâng cao trải nghiệm cá nhân hóa và tiếp thị videos tiếp tục thống trị xu hướng.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội xuất khẩu kỹ thuật số khi Việt Nam thành trung tâm sản xuất mới của thế giới. Và đây chính là cách giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vượt qua chuỗi khó khăn và bất ổn trong năm 2022, để hướng tới sự phát triển thịnh vượng vào năm 2023.

Theo báo cáo, với những cú sốc dai dẳng của đại dịch, càng nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển sang kỹ thuật số. Sự ổn định tương đối của hoạt động bán hàng kỹ thuật số sẽ là điều mà nhiều công ty cần để duy trì hoạt động trong năm tới.

Ông Andrew Zheng – Phó chủ tịch Alibaba.com, cho biết: “Chúng tôi đã khám phá ra một số bài học mà các doanh nghiệp B2B có thể học hỏi để áp dụng trong năm mới. Một trong các bài học đó là một nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) B2B ổn định. Khi TMĐT nở rộ, tìm một đích đến để bán hàng cũng như tìm nguồn hàng là rất quan trọng.

Khi dịch chuyển sang kỹ thuật số, tiếp thị kỹ thuật số luôn là một sức hút lớn đối với các công ty, đặc biệt là khi có tới 93% các tương tác trên Internet diễn ra thông qua các công cụ tìm kiếm. Với tiếp thị kỹ thuật số, những người mới gia nhập thị trường có thể bắt đầu hành động ngay lập tức để giành được một phần trong những tương tác đó.

Khối lượng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh trong năm qua, góp phần vào sự tăng trưởng vượt bậc trong thập kỷ qua, và đưa ngành sản xuất của Việt Nam lên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, theo khảo sát của Alibaba.com, 60% nhà cung cấp không có kinh nghiệm về thương mại điện tử trước khi gia nhập nền tảng, 42% nhà bán hàng sử dụng Alibaba.com làm nguồn kinh doanh chính với 60% hướng tới mục tiêu thâm nhập thị trường mới. Các con số cho thấy Alibaba.com là một kênh kinh tế hơn cho các chủ doanh nghiệp nhỏ không có kinh nghiệm hoặc kiến thức về xuất khẩu, hoặc không đủ khả năng chi trả chi phí đi lại và hội chợ thương mại truyền thống.

Ông Bùi Thế Anh, CEO 5S Hair, chia sẻ: “chúng tôi đã nhận được 50 tin nhắn hỏi hàng và chốt được đơn hàng đầu tiên. Khách hàng có tỷ suất lợi nhuận trên Alibaba là 75% nên chúng tôi sẵn sàng đầu tư nhiều hơn nữa”.

“Ở thời điểm hiện tại, trên nền tảng Alibaba.com, hơn 70% nhà cung cấp Việt Nam tại Việt Nam được đánh giá từ 2 sao trở lên, với các ngành hàng cốt lõi bao gồm thực phẩm & đồ uống, nông nghiệp, nhà cửa và vườn tược, làm đẹp và chăm sóc cá nhân, đồ nội thất, xây dựng, bao bì, nhựa & cao su, máy móc và các ngành hàng khác. Trên 800.000 sản phẩm đã được niêm yết, và hơn 70.000 tin nhắn hỏi hàng nhận được mỗi tháng trên toàn thế giới”, ông Roger Lou, Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam, nhấn mạnh.

Theo Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/thuong-mai-dien-tu-b2b-thuc-day-xuat-khau-viet-nam-20180504224279008.htm