QC 1
Thứ 2, ngày 06/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Trái chủ hay… “oan gia trái chủ”

Cách hành xử của một số Tập đoàn, doanh nghiệp đối với nhà đầu tư, khách hàng của mình đẩy nhiều trái chủ vào trạng thái đối đầu, không thể hàn gắn.

Từ trái chủ thành… “oan gia trái chủ”

Gần Tết là thời điểm người dân bắt đầu mua sắm, về quê sum họp với gia đình. Thế nhưng với nhiều nhà đầu tư trái phiếu của Tập đoàn Saigon Glory (hay còn gọi là trái chủ) đã xác định, họ sẽ đón Tết trên vỉa hè, dưới lòng đường Hà Nội.

“Chúng tôi phải cố gắng cầu cứu cơ quan chức năng vì phía sau là gia đình, là tương lai của con cái. Rất nhiều trái chủ ở đây chỉ vì tin tưởng vào uy tín của Tập đoàn Bitexco (Công ty mẹ của Saigon Glory – PV) nên đã dốc hết vốn liếng cả đời gom góp để đầu tư. 

Nhưng đổi lại đến nay, các lô trái phiếu đều đã đến hạn nhưng không được thanh toán. 

Không những vậy các bên liên quan còn không có thái độ hợp tác để xử lý tài sản bảo đảm để trả nợ cho nhà đầu tư. 

Điều này khiến chúng tôi lâm vào tình trạng khó khăn. 

Cực chẳng đã chúng tôi mới phải đơn thư kêu cứu và đến hội sở của Techcombank, Tập đoàn Bitexco để đòi quyền lợi chính đáng. Nhưng đổi lại vẫn là sự im lặng, thờ ơ”, bà Trần Bích T. – một trái chủ cho biết.

Ảnh nhà đầu tư cung cấp 

Tương tự bà T., trong cái rét giá lạnh ở Hà Nội, nhiều trái chủ ở cái tuổi gần đất xa trời cũng đội mưa, gió để đi gửi đơn thư hoặc đến trụ sở của ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm, mong được các bên hợp tác giải quyết quyền lợi cho họ.

Ông T. (70 tuổi) cùng vợ nhiều ngày qua đi gõ cửa các cơ quan chức năng mong có thể nhận được sự hỗ trợ cho cuộc hành trình tréo ngoe này.

“Tôi ở tuổi này cũng chỉ có vài đồng tiết kiệm để hai vợ chồng an hưởng tuổi già. Mọi người hay bảo chúng tôi là trái chủ, là chủ nợ của doanh nghiệp. 

Thói đời, tôi chẳng thấy ai lại đối xử với chủ nợ của mình với thái độ như vậy. Chúng tôi vẫn cay đắng nói rằng từ trái chủ chúng tôi thành oan gia trái chủ với Công ty kia. 

Chuyện này vừa cay đắng lại vừa phi lý. 

Chẳng ai muốn ở tuổi này phải đi đòi quyền lợi nhưng mỗi đồng tiền chúng tôi đầu tư vào đây đều là mồ hôi, xương máu”, ông T. nghẹn ngào.

Đối với bà B.T.L.N (Hà Nội) số tiền 7 tỷ đồng mua trái phiếu chứa đựng bao năm tháng vất vả, là tiền ăn học của các cháu, là đồng lương hưu của hai ông bà lúc tuổi già.

Do tin tưởng vào uy tín, năng lực Saigon Glory đưa ra, nên bà cùng nhà đầu tư đã xuống tiền mua trái phiếu do công ty này phát hành. 

Tuy nhiên, tới kỳ hạn như đã cam kết, Công ty Saigon Glory không thanh toán như đã thoả thuận, khiến bà và hàng loạt khách hàng khác lo lắng”, bà N. cho biết.

Ảnh nhà đầu tư cung cấp 

Chậm trễ trong việc xử lý tài sản bảo đảm

Như thông tin đã đưa, năm 2020, Công ty Saigon Glory phát hành 10 lô lẻ trái phiếu giá trị 10.000 tỷ đồng cho gần 4000 trái chủ để thực hiện Dự án The Spirit of Saigon: Khu văn phòng – thương mại – dịch vụ – căn hộ – khách sạn tại số 1 Phạm Ngũ Lão, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 – 5 năm và lãi suất tối thiểu năm đầu tiên 11%/năm. Trong đó, 5.000 tỷ đồng được đáo hạn vào tháng 6 – 7/2023 và 5.000 tỷ đồng được đáo hạn vào tháng 8/2025.

Tài sản đảm bảo là phần vốn góp tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sài Gòn Glory là công trình trên đất hình thành trong tương lai là tháp A – cấu phần khách sạn, văn phòng hình thành trên ô đất dự án. 

Việc phát hành lô trái phiếu trên thông qua Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI); Tổ chức kiểm toán là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hãng kiểm toán và định giá ATC -CN tại Thànhphố Hồ Chí Minh.

Tháng 4 vừa qua, Saigon Glory có báo cáo về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu của năm 2022 lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. 

Trong năm 2022, công ty này có 40 đợt thanh toán lãi trái phiếu cho 10 lô phát hành bên trên, tổng thanh toán gần 1.110 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Saigonn Glory chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Vì vậy, các tài sản bảo đảm đang được đưa ra phương án xử lý.

 Nhiều trái chủ gửi đơn thư kêu cứu đến cơ quan chức năng (Ảnh: Nhà đầu tư cung cấp)

Theo thông tin mới nhất, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Saigon Glory và Ngân hàng Techcombank chưa có sự thống nhất trong việc xử lý tài sản bảo đảm.

Về phía Saigon Glory, Công ty này cho biết chưa thể ban hành nghị quyết về việc bàn giao tài sản bảo đảm cũng như triển khai các công tác liên quan đến việc bàn giao.

Nguyên nhân được xác định là do cả 2 thành viên còn lại là ông Trịnh Quang Công – Tổng giám đốc (đại diện 40% quyền biểu quyết) và ông Nguyễn Anh Đức – Phó tổng giám đốc (đại diện 30% quyền biểu quyết) đều không tham dự.

Saigon Glory trao đổi lại vấn đề ông Nguyễn Anh Đức – Phó tổng giám đốc và Công ty cổ phần Tập đoàn Masterise vẫn đang nắm giữ và sử dụng một con dấu của công ty. 

Bên cạnh đó, công ty này đã đề nghị ngân hàng hỗ trợ thực hiện việc yêu cầu các bên liên quan bàn giao lại con dấu công ty cùng các hồ sơ liên quan mà ông Đức đang quản lý, sử dụng.

Ở chiều hướng ngược lại, ngân hàng ngân hàng cho rằng công ty Saigon Glory không thể hiện bất kỳ thiện chí hợp tác làm việc và liên tục kéo dài thời gian bàn giao (đã hơn 2 tháng) bằng nhiều lý do, gây cản trở việc xử lý tài sản và tăng thêm thiệt hại cho người sở hữu trái phiếu. 

Trong khi hai bên đang giằng co và đá quả bóng trách nhiệm cho nhau thì những nhà đầu tư trái phiếu vẫn đang mòn mỏi chờ nhận về quyền lợi họ đáng được nhận. 

Bởi phía sau họ là cả gia đình, tương lai và cuộc sống của con cái. 

Tết đã đến rất gần rồi!

Theo Quảng Dương/Tạp chí Việt-Mỹ