QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Từ vụ việc trạm thu phí Long Thành – Dầu Giây, kiểm soát thu phí có hay không ?

Từ vụ cướp tại trạm thu phí Long Thành – Dầu Giây, dư luận thêm một lần hoài nghi về doanh thu tại trạm thu phí này và các trạm còn lại trên cả nước.

Nhập nhèm doanh thu

7 giờ sáng 7/2/2019 (mùng 3 Tết), lúc nhân viên trạm thu phí đang giao ca và kiểm tiền, Trần Tuấn Anh (26 tuổi, quê Tiền Giang) và Nguyễn Vũ Hoàng Nam (29 tuổi, quê tỉnh Nam Định) bịt mặt đột nhập phòng kế toán, dùng súng và dao khống chế 3 nhân viên của trạm này, cướp hơn 2 tỉ đồng đựng trong két sắt và trên bàn.

Theo thông tin ban đầu, số tiền mất chỉ khoảng 300 triệu đồng, nhưng khi công an vào cuộc đối chiếu sổ sách thì số tiền bị mất lên đến hơn 2 tỷ đồng.

Ngay sáng 8/2, công an tỉnh Đồng Nai đã bắt và di lý 2 nghi phạm  Nam và Anh về Đồng Nai để điều tra.

Chiều ngày 8/2, bà Nguyễn Thị Hoài Phương – Phó giám đốc Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) – cho hay, số tiền bị cướp trong két sắt khoảng 2,22 tỉ đồng. Số tiền này không phải là thu trong 1 ngày của trạm thu phí như dư luận đang bàn tán, mà là tiền thu sau nhiều ngày dồn lại.

Cụ thể, bà Phương cho biết doanh thu trung bình của tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là hơn 3 tỷ đồng/ngày, được thu từ 3 trạm dọc tuyến. Tổng số tiền lưu tại trạm thu phí thời điểm bị cướp gồm tiền doanh thu của 2 ca ngày 4/2, 3 ca ngày 5/2 và 3 ca ngày 6/2 (mỗi ca 8 tiếng). Ngoài ra còn có tiền quỹ dự phòng tình huống khẩn cấp và tiền lẻ phục vụ 10 ngày Tết (do ngân hàng không đổi tiền lẻ trong suốt dịp tết). Tổng số tiền trong két sắt trước thời điểm bị cướp là hơn 3 tỷ đồng.

Còn theo ông Nguyễn Viết Tân – Giám đốc VEC E – cho biết, tuyến BOT Long Thành – Dầu Giây có số thu trung bình 3,5 tỉ đồng/ngày.

Theo báo cáo 9 tháng đầu năm 2018 của VEC, tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành-Dầu Giây đã tiếp nhận 11 triệu lượt phương tiện, lưu lượng trung bình 35.000 – 40.000 lượt/ngày đêm.

Con số này khá tương đồng với số liệu của bộ GTVT, trung bình mỗi ngày có 40.000 lượt xe lưu thông qua tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Mức phí thấp nhất trên toàn tuyến này là 100.000 đ và cao nhất là 380.000 đ.

Nếu lấy mức phí thấp nhất nhân với lượt xe lưu thông, thì doanh thu mỗi ngày của tuyến BOT này đã lên đến con số là 4 tỉ đồng.

Biểu mức phí trạm thu phí Long Thành – Dầu Giây được ban hành theo quyết định của VEC

Mức phí: gấp đôi quy định ?

Sự bất nhất trong số liệu doanh thu cao tốc TP.HCM – Long Thành-Dầu Giây đã là vấn đề rất khó chấp nhận. Nhưng chưa hết, mức thu phí VEC đang áp dụng lại không tuân theo Thông tư của Bộ GTVT.

Cụ thể, trên cao tốc TP.HCM – Long Thành- Dầu Giây, VEC đang thu xe dưới 12 ghế ngồi; xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng trả mức phí lần lượt theo các lộ trình Long Phước – Quốc lộ 51, Long Phước – Dầu Giây, Quốc lộ 51 – Dầu Giây là 40.000đ – 100.000đ – 60.000đ. Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet mức phí lần lượt là 160.000đ – 380.000đ – 220.000đ…

Theo Thông tư số 35/2016 của Bộ GTVT thì mức phí tối đa chỉ là 200.000 đ đối với xe container

Tuy nhiên, theo biểu giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ theo lượt tại Thông tư 35/2016/TT-BGTVT (quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh) của Bộ GTVT, thì xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng có mức giá không quá 52.000đ; Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 70.000đ; Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 87.000đ; Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet là 140.000đ; Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet là 200.000đ.

Như vậy, chỉ tính riêng với xe container 40 feet qua cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đã trả mức phí trên 380.000đ là gần gấp đôi mức phí so với quy định. Lưu ý, Bộ GTVT là cơ quan cho phép VEC thu mức phí này, sau khi “hiệp thương” cùng chính VEC và Bộ Tài chính.

Mức phí do VEC thu cao hơn nhiều lần quy định tại thông tư “khung” do bộ ban hành. Đây là điểm gây bức xúc trên tuyến BOT cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.

Cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây khởi công xây dựng tháng 10/2009 và hoàn thành vào tháng 1/2014, có chiều dài 55km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h, tổng đầu tư hơn 20.600 tỉ đồng. 

Gian lận thu phí là phổ biến

Năm 2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm tra, giám sát đột xuất công tác thu phí từ 18 giờ ngày 10/7 đến 18h ngày 20/7 tại trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (do Công ty Cổ phần Pháp Vân – Cầu Giẽ khai thác và quản lý). Kết quả cho thấy, doanh thu phí 10 ngày tại cao tốc này là 19,85 tỉ đồng, bình quân một ngày thu được hơn 1,9 tỉ đồng. Tức là, cao hơn rất nhiều bình quân thu hàng ngày của các tháng trước đó chủ đầu tư đã báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cổ đông (chỉ ở mức 1,2 – 1,4 tỉ đồng/ngày).

Gian lận thu phí tại cao tốc Nội Bài – Lào Cai

Mới đây, vào ngày 6/2 (tức mùng 2 Tết), Trung tâm điều hành đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã ra quyết định xử phạt vi phạm về việc gian lận thu phí. Cụ thể, tại Km6, ngày 6/2, đã xảy ra sự việc như sau: Thời điểm 16 h, xe loại 1 BKS 24A. 039.39 đi vào làn trả thẻ giấy loại 300.000 đ, tuy nhiên, tại đầu ra trưởng ca quẹt thẻ 40.000 đ và giao cho lái xe. Như vậy, trạm thu phí trên đã gian lận 260.000 đ.

Từ đây, Trung tâm điều hành đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai ghi nhận và có biện pháp xử lý đối với Trưởng ca Nguyễn Chí Hiếu bán sai mệnh vé đầu ra.

Ngoài ra, việc các chủ đầu tư chây ì áp dụng công nghệ thu phí tự động tại nhiều trạm thu phí trên cả nước khiến dư luận không khỏi nghi ngờ tính minh bạch trong thu chi của những trạm thu phí này. Và câu hỏi về sự giám sát quản lý của các cơ quan có thẩm quyền đối với thất thoát tại các trạm thu phí, thì vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Theo Thanh Bút/Thương Gia