QC 1
Thứ 3, ngày 30/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

VDSC: VN-Index có thể dao động trong vùng 1.029 – 1.271 điểm năm 2021

Sang năm 2021, những triển vọng tích cực, sự phục hồi rõ ràng hơn của nền kinh tế khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát sẽ là trụ đỡ cho đà tăng bền vững của thị trường.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Trong báo cáo chiến lược mới được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố, năm 2020 có thể coi là một năm biến động nhất của thị trường chứng khoán trong suốt nhiều năm qua với hai gam màu sáng tối rõ rệt.

Giai đoạn tháng 3 là thời điểm khó khăn nhất khi cú sốc COVID-19 đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chao đảo và rơi về đáy. Thêm vào đó, việc khối ngoại liên tục bán ròng làm tình hình càng tiêu cực hơn.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm này, thị trường dần “sáng” trở lại với nhịp tăng bền bỉ bởi nhiều yếu tố hỗ trợ như: Tình hình phòng chống COVID-19 khả quan; GDP Việt Nam tăng trưởng khả quan trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái; Thông tin các hãng dược lớn trên thế giới (bao gồm Pfizer và BioNtech) công bố vắc xin COVID-19 của hãng đã có những kết quả thử nghiệm tốt trên người (hiệu quả 95%). Ngoài ra, các yếu tố khó lường như kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng đã trải qua khá “yên ” và không có nhiều tác động ảnh hưởng đà tăng của thị trường.

VDSC cho rằng, sang năm 2021, những triển vọng tích cực, sự phục hồi rõ ràng hơn của nền kinh tế khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát sẽ là trụ đỡ cho đà tăng bền vững của thị trường.

vdsc vn index co the dao dong trong vung 1029 1271 diem nam 2021

Bên cạnh đó, việc lãi suất vẫn đang được duy trì ở mức thấp khiến kênh đầu tư chứng khoán sẽ tiếp tục là kênh sinh lời hấp dẫn, từ đó thu hút dòng tiền của nhà đầu tư trong nước. Dòng tiền của khối ngoại cũng sẽ khả quan hơn khi kinh tế Mỹ và các quốc gia phát triển vẫn chưa thoát khỏi “cơn sốt” COVID trong năm 2021, cơ hội cho Việt Nam với lợi thế kinh tế hồi phục nhanh chóng sẽ hưởng lợi hơn các quốc gia đang phát triển khác. Không những vậy, thị trường Việt Nam hiện đang được định giá hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực nhờ P/E thấp, trong khi có tỷ suất sinh lợi ROE cao nhất.

Ngoài ra, các thông tin như Việt Nam có thể được nâng hạng trong rổ chỉ số FTSE và vắc xin có thể được ban hành rộng rãi trong năm sau có thể là những yếu tố tác động tích cực đến thị trường. Tuy nhiên, việc thị trường tăng nhanh sẽ kích thích việc gia tăng sử dụng margin của nhà đầu tư cá nhân (hiện đang chiếm đông đảo trên thị trường) làm rủi ro thị trường lên cao. Một yếu tố khác nhà đầu tư cần lưu tâm là việc gần đây Mỹ đã dán nhãn Việt Nam là “thao túng tiền tệ” sẽ làm gia tăng nguy cơ Mỹ đánh thuế lên các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam và ảnh hưởng tâm lý chung của thị trường.

Theo VDSC, điểm sáng lớn nhất là sự nỗ lực của Chính phủ trong việc điều tiết cả hai chính sách là tài khóa và tiền tệ sau những diễn biến phức tạp của COVID-19. Điều này sẽ là yếu tố chính để đẩy nhanh quá trình phục hồi của doanh nghiệp sau những tác động nặng nề của dịch bệnh.

Trong bối cảnh dòng tiền đang khá dồi dào với giao dịch trung bình phiên ở mức 8.000 – 9.000 tỷ đồng (trong 2 tháng 11 và 12 2020) thậm chí có phiên kỉ lục lên tới 15.000 tỷ đồng thì cơ hội đầu tư đã rõ ràng hơn tuy nhiên nhà đầu tư cần cân nhắc và chọn lọc kỹ càng khi một số cổ phiếu đã tăng nóng trong thời gian qua.

Trên cơ sở đó, VDSC cho rằng mức tăng điểm của VN-Index trong 2021 (sau khi vượt qua được ngưỡng 1.000 điểm) thì sẽ bám sát những diễn biến của kinh tế vĩ mô cũng như các tin tức về lãi suất, vắc xin cùng với dòng tiền khối ngoại. VDSC dự báo, VN-Index có thể sẽ dao động trong vùng 1.029 – 1.271 điểm trong năm 2021.

Về lựa chọn cơ hội đầu tư trong năm 2021, VDSC đánh giá lãi suất thấp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bất động sản (VHM, NLG, KDH). Bên cạnh đó, ngành ngân hàng vốn gắn chặt với sự vận động của nền kinh tế cũng sẽ dần có bức tranh khởi sắc, dẫn dắt bởi nhóm ngân hàng tư nhân (TCB).

Ngoài ra, cơ hội cho ngành bán lẻ (PNJ, MWG); cảng biển (GMD) cũng như thủy sản (VHC) cũng được mở ra nhờ những tín hiệu tốt từ tiêu dùng và các hiệp định thương mại. Trong khi đó, lợi thế nhân công giá rẻ và chi phí cạnh tranh cũng là động lực giúp các công ty FDI chọn Việt Nam cho các dịch vụ CNTT (FPT).

Theo Đức Hậu/ Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/vdsc-vn-index-co-the-dao-dong-trong-vung-1029-1271-diem-nam-2021-85094.html