QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vinaconex (VCG) là chủ đầu tư dự án khu công nghiệp Đông Anh gần 300 ha

Dự án được thực hiện tại các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Tổng vốn đầu tư là hơn 6.338 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư gần 1.268 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 5/3/2024 chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh, TP. Hà Nội.

Vinaconex (VCG) là chủ đầu tư dự án khu công nghiệp Đông Anh gần 300 ha

Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) là chủ đầu tư Dự án.

Dự án được thực hiện tại các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Tổng vốn đầu tư là hơn 6.338 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư gần 1.268 tỷ đồng.

Quy mô sử dụng đất của dự án là 299,45 ha gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai trên diện tích 179,1 ha và giai đoạn 2 có quy mô 120,35 ha. Quy hoạch này không tính phần diện tích đất các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện hữu đã thuê đất của Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị N6 và quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Đông Anh vào phần diện tích được phép cho thuê lại đất của nhà đầu tư.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư.

UBND TP. Hà Nội đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đảm bảo dự án triển khai phù hợp với vị trí quy hoạch…

Vinaconex chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu theo cam kết để thực hiện dự án theo đúng tiến độ và tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai; đáp ứng đầy đủ các điều kiện của Luật Kinh doanh bất động sản khi thực hiện hoạt động kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

Công ty chỉ được thực hiện dự án sau khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định bao gồm được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trông lúa và có trách nhiệm nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa…

Về tình hình kinh doanh của Vinaconex, lũy kế cả năm 2023, Vinaconex ghi nhận doanh thu thuần 12.705 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức doanh thu thuần cao nhất của công ty từ năm 2012 đến nay.

Hoạt động xây lắp vẫn đóng vai trò chủ đạo với doanh thu gần 8.274 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Mảng kinh doanh bất động sản cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng lên 2.315 tỷ đồng (cao gấp 11 lần so với kết quả 212 tỷ đồng cùng kỳ).

Song, do giá vốn và các chi phí tăng, trong khi doanh thu tài chính và lợi nhuận khác giảm, cùng với việc ghi nhận khoản lỗ từ công ty liên doanh, liên kết sâu hơn cùng kỳ, Vinaconex báo lãi sau thuế 336 tỷ đồng, giảm 64% so với năm 2022. Kết quả này tương đương thực hiện được 39% trong mục tiêu lãi 860 tỷ đồng mà công ty đề ra cho năm 2023.

Tại ngày 31/12/2023, tổng các khoản phải thu (cả ngắn và dài hạn) của Vinaconex đã giảm 25% so với tại thời điểm đầu năm 2023, còn 6.957 tỷ đồng, chủ yếu do đã thu hồi được khoản phải thu hơn 2.060 tỷ đồng từ Công ty TNHH Thượng mại và Xây dựng Minh Phương Việt Nam.

Tại ngày 31/12/2023, nợ xấu của Vinaconex ở mức gần 887 tỷ đồng (giá gốc) với giá trị có thể thu hồi là 246 tỷ đồng (chiếm 28%). Con số nợ xấu (giá gốc) này cũng giảm 34% so với tại thời điểm đầu năm 2023, chủ yếu giảm tại khoản nợ từ Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh.

Về phần nợ, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, trong năm 2023, Vinaconex đã chi hơn 12.507 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, đồng thời thu từ đi hơn gần 10.114 tỷ đồng. Dư nợ vay tài chính tại ngày 31/12/2023 đạt 11.064 tỷ đồng (phần lớn là vay ngân hàng), giảm 18% so với thời điểm đầu năm, song vẫn ở mức cao gấp 1,1 lần vốn chủ sở hữu doanh nghiệp.

Theo Tiểu Vy/Kinh tế Chứng khoán