QC 1
Thứ 5, ngày 02/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vinaconex (VCG) mua lại trước hạn một phần lô trái phiếu 2.500 tỷ đồng

Vinaconex vừa mua lại trước hạn 200 tỷ đồng trái phiếu mã VCGH2124011 thuộc lô trái phiếu trị giá 2.500 tỷ đồng đang lưu hành. Công ty này ghi nhận có hơn 1.600 tỷ đồng nợ trái phiếu tính đến cuối năm 2023.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố kết quả giao dịch trái phiếu của Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG). 

Cụ thể, ngày 29/2/2024, Vinaconex đã mua lại trước hạn 200 tỷ đồng trái phiếu mã VCGH2124011 thuộc lô trái phiếu này được phát hành ngày 25/6/2021, đáo hạn ngày 25/6/2024. Tổng giá trị lô trái phiếu được phát hành là 2.500 tỷ đồng. Giá trị lưu hành trước đợt mua lại này là 1.300 tỷ đồng, giá trị sau khi mua lại là 1.100 tỷ đồng.

Vinaconex (VCG) mua lại trước hạn một phần lô trái phiếu 2.500 tỷ đồng

Cách đó chưa lâu vào ngày 29/1, Vinaconex đã chi ra 300 tỷ đồng để mua lại trước hạn một phần mã trái phiếu này. Theo dữ liệu trên HNX, đây là lô trái phiếu duy nhất còn đang lưu hành của Vinaconex. 

Trong năm 2023, công ty này cũng dồn dập mua lại trái phiếu trước thời hạn với tổng giá trị là 1.900 tỷ đồng (tính đến tháng 8/2023). 

Theo báo cáo tài chính, đến cuối năm 2023, Vinaconex ghi nhận tổng nợ phải trả hơn 20.016 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm trước. Trong đó, chiếm hơn một nửa là nợ ngắn hạn tương ứng 13.893 tỷ đồng và 6.123 tỷ đồng nợ dài hạn. 

Xét cơ cấu nợ vay cho thấy, công ty ghi nhận hơn 11.064 tỷ đồng nợ vay và nợ thuê tài chính. 

Trong đó, dư nợ trái phiếu phát hành của Vinaconex ở thời điểm đầu năm 2023 là hơn 3.789 tỷ đồng. Song công ty đã thực hiện tất toán mua lại 58% số trái phiếu, chỉ còn lại dư nợ 1.599 tỷ đồng trái phiếu tính đến cuối năm 2023. 

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2023 tiếp tục tăng lên hơn 10.085 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ nâng lên mức 5.344,6 tỷ đồng. Công ty đang ghi nhận có hơn 1.563 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Riêng phần lợi ích của cổ đông không kiểm soát là hơn 2.949 tỷ đồng.

Năm 2023 ghi nhận năm kinh doanh khởi sắc của Vinaconex khi doanh thu thuần tăng mạnh 50% so với năm trước, đạt 12.705 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu thuần cao nhất của công ty kể từ năm 2012 đến nay.

Hoạt động xây lắp vẫn đóng vai trò chủ đạo đem lại doanh thu lớn nhất là gần 8.274 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Trong khi đó, mảng kinh doanh bất động sản cũng tăng đột biến lên 2.315 tỷ đồng, cao gấp 11 lần so với kết quả 212 tỷ đồng cùng kỳ.

Dù vậy, giá vốn hàng bán cùng các các chi phí tăng cao, các công ty liên doanh, liên kết bị lỗ tới 113 tỷ đồng… đã kéo giảm lợi nhuận của Vinaconex. 

Lũy kế năm 2023, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 493 tỷ đồng, lãi sau thuế 336 tỷ đồng, giảm 64% so với năm 2022. So với kế hoạch lãi 860 tỷ đồng năm 2023, thì công ty mới chỉ thực hiện được 39% chỉ tiêu đề ra. 

Đáng chú ý, trong năm 2023, Vinaconex đã chi hơn 12.507 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, đồng thời thu từ đi hơn gần 10.114 tỷ đồng. Dư nợ vay tài chính tại ngày 31/12/2023 đạt 11.064 tỷ đồng (phần lớn là vay ngân hàng), giảm 18% so với thời điểm đầu năm song vẫn cao gấp 1,1 lần vốn chủ sở hữu.

Vinaconex ghi nhận đang có gần 887 tỷ đồng (giá gốc) là nợ xấu với giá trị có thể thu hồi là 246 tỷ đồng (chiếm 28%), giảm được  34% so với tại thời điểm đầu năm 2023. Nợ xấu chủ yếu giảm nhờ thu hồi được nợ từ Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh.

Năm qua, công ty đã thu hồi được khoản phải thu hơn 2.060 tỷ đồng từ Công ty TNHH Thượng mại và Xây dựng Minh Phương Việt Nam, nhờ đó giảm được 25% các khoản phải thu xuống còn 6.957 tỷ đồng. 

Theo kế hoạch, Vinaconex sẽ tổ chức họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 vào ngày 24/4, với ngày đăng ký cuối cùng là ngày 22/3.

Diễn biến cổ phiếu VCG trên sàn chứng khoán. Nguồn: FPTS 

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCG của Vinaconex trải qua giai đoạn tích lũy vùng đáy khá dài, lình xình đi ngang trong 3 tháng qua. Trong phiên ngày 7/3, cổ phiếu này đóng cửa ở 24.750 đồng/CP với tổng khối lương khớp lệnh hơn 5,8 triệu đơn vị trong phiên.

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt-Mỹ