QC 1
Thứ 7, ngày 04/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vốn FDI vào bất động sản giảm hơn 1 nửa

Tổng vốn FDI vào bất động sản trong quý 2/2023 là 1,53 tỷ USD, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm trước…

Tổng vốn FDI vào bất động sản trong quý 2/2023 là 1,53 tỷ USD

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/6/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ, tăng 3 điểm phần trăm so với 5 tháng đầu năm.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn FDI đăng ký quý 2/2023 đạt gần 8 tỷ USD, tăng gần 50% so với quý 1/2023, khoảng 5,4 tỷ USD.

Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm thì vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, vốn FDI đầu tư vào các ngành nghề kinh tế đều giảm nhẹ, riêng bất động sản ghi nhận giảm sút mạnh nhất, với tổng vốn đăng ký là 1,53 tỷ USD, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm trước, mất vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các tổ chức kinh tế thì Việt Nam vẫn là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có lượng FDI vào các ngành và lĩnh vực bất động sản.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có nhiều lợi thế so với các quốc gia trong khu vực để thu hút đầu tư. Việc thu hút nhiều dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản giúp đa dạng hóa các loại hình bất động sản tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, bất động sản công nghiệp, nhà ở và chung cư cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản chăm sóc sức khỏe… đã tăng lên rõ rệt bên cạnh loại hình truyền thống như bất động sản nhà ở.

Song, một số dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn tình trạng kém hiệu quả, dự án quy mô đất lớn nhưng chậm triển khai cũng như nảy sinh các vấn đề liên quan đến trật tự xã hội. Hệ thống pháp luật về thị trường bất động sản thì chưa đồng bộ rõ ràng và còn phức tạp, sửa đổi không kịp thời; thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đặc biệt là đất đai vô cùng phức tạp, dẫn đến việc thực hiện dự án đầu tư bị kéo dài; tín dụng bất động sản và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị kiểm soát chặt chẽ.

Do đó, để bất động sản thu hút được nguồn vốn FDI triệt để, ông Nguyễn Anh Tuấn đề xuất Việt Nam cần tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về thị trường bất động sản, đặc biệt là loại hình bất động sản mới như: Thành phố thông minh, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản kết hợp với chăm sóc sức khỏe, condotel, officetel… phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chính phủ cần chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, có giải pháp gắn với mô hình chuyển đổi kinh tế xanh, bền vững; đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư đối với môi trường, xã hội trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.

“Đồng thời, các cơ quan nhà nước nên khẩn trương điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển thị trường bất động sản. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản”, vị Phó Cục trưởng chia sẻ.

Cùng với đó, các doanh nghiệp, cơ quan liên quan cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Đặc biệt là đối với các dự án sử dụng đất lớn nhưng chậm triển khai.

Theo Gia Hân/Thương Gia

Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/von-fdi-vao-bat-dong-san-giam-hon-1-nua-post534534.html