QC 1
Chủ nhật, ngày 05/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

VPBank chính thức nới room ngoại lên 17,5%

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – HoSE: VPB) vừa có văn bản về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng lên 17,5% vốn điều lệ.

VPBank chính thức nới room ngoại lên 17,5%
VPBank chính thức nới room ngoại lên 17,5%.

Trước đó, VPBank đã thông báo lấy ý kiến cổ đông về điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ.

Việc nới room ngoại lên 17,5%, theo lý giải của ngân hàng là để đủ tỷ lệ có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài tối đa 15%/vốn điều lệ sau khi phát hành. Trước đó, vào tháng 5/2201, VPBank chốt room ngoại ở mức 15% (khi đó khối ngoại đang nắm giữ trên 20% vốn điều lệ ngân hàng).

Về kết quả kinh doanh, kết thúc năm 2021, tổng tài sản của VPBank đạt gần 548.000 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2020. Dư nợ cấp tín dụng hợp nhất đạt hơn 384.000 tỷ đồng, tăng 18,9%. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 9,1% so với năm 2020 và đạt hơn 323.000 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 44.301 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chi phí hoạt động của VPBank trong năm 2021 đã giảm xấp xỉ 6% so với một năm trước. Chỉ số chi phí hoạt động/tổng thu nhập hoạt động (CIR) giảm từ 29,2% cuối năm 2020 xuống 24,2% cuối năm 2021.

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 3,58% và tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ chỉ ở mức 1,51%, tính theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước. Thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất trong cả năm qua đạt hơn 3.200 tỷ, tăng 54,5% so với 2020.

Chốt năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank trong năm 2021 tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, đạt 14.580 tỷ đồng. Trong cả năm 2021, hoạt động kinh doanh của FE Credit bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, ngân hàng mẹ VPBank đã có một sự bứt phá mạnh mẽ. Kết thúc năm 2021, lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ ghi nhận gần 38.000 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2020.

Trong đó, hoạt động đầu tư và thoái vốn tại công con đóng góp 24.000 tỷ đồng lợi nhuận, riêng ghi nhận từ thương vụ chuyển nhượng vốn tại FE Credit, thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử lĩnh vực tài chính Việt Nam là 20.352 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng mẹ là gần 14.011 tỷ đồng, tăng 50,6% so với năm 2020.

Chia sẻ tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân vừa diễn ra, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, nhấn mạnh ngân hàng đang tìm kiếm, phân tích và đánh giá lại toàn diện để xác định thêm các động lực tăng trưởng mới trong 5 năm tới, nhằm duy trì sức cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng cao như trong 10 năm qua.

“Kế hoạch kinh doanh của VPBank dự kiến trong những năm tới là rất thách thức và rất tham vọng, xác định trở thành ngân hàng trong nhóm dẫn đầu thị trường. Do đó, việc chuẩn bị cơ sở vốn là rất quan trọng. Trong năm 2021, chúng tôi đã hoàn thành đúng chương trình bán 50% vốn tại FE Credit, nâng vốn chủ sở hữu ngân hàng lên gần 90.000 tỷ đồng, thuộc nhóm cao nhất hệ thống”, ông Vinh cho hay.

Trong năm 2022, CEO VPBank cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục củng cố nền tảng vốn bằng việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. “Kế hoạch này vẫn đang được triển khai hết sức tích cực. Chúng tôi khẳng định tất cả những gì ban lãnh đạo cam kết sẽ được thực hiện. Việc chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược sẽ được thực hiện trong những tháng tới đây”, ông Vinh nói.

Theo vị lãnh đạo này, khi ngân hàng tăng vốn chủ sở hữu, mặt tích cực là cho phép ban điều hành thúc đẩy tăng trưởng nhưng mặt thách thức là tạo áp lực lên chỉ tiêu hiệu quả sử dụng vốn, bởi tiền bán vốn thay vì chia cổ tức cho cổ đông thì được giữ lại ở ngân hàng. Bài toán đặt ra là làm sao xác định được động lực tăng trưởng mới cho ngân hàng, đảm bảo sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

“Chiến lược 5 năm 2022 – 2026 đã được HĐQT ngân hàng khởi đầu từ giữa năm 2021 và đang thảo luận tích cực với nhà tư vấn chiến lược quốc tế. Trong các kịch bản, có kịch bản tăng trưởng 30-35% mỗi năm trong 5 năm tới. Chúng tôi dự kiến đặt trọng tâm vào mảng khách hàng cả nhân, cho vay tiêu dùng, kinh doanh thẻ với đa dạng phân khúc (cao cấp, trung bình, đại chúng), mảng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời mở rộng hệ sinh thái, tiếp tục cuộc cách mạng số hóa và tìm kiếm thêm các cơ hội kinh doanh, trong đó có M&A. Mục tiêu là đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn ở mức cao”, CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh tiết lộ.

Ngoài các biện pháp trên, một yếu tố khác có thể thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trong các năm tới, nhất là năm 2022 là sự hồi phục của khách hàng VPBank, đặc biệt là khách hàng của FE Credit.

Theo vị này, ban lãnh đạo VPBank đã đặt ra nhiều kịch bản, trong đó có kịch bản FE Credit có thể quay trở lại mức lợi nhuận 5.000 – 6.000 tỷ đồng trong năm 2022, nhưng dù kịch bản nào thì chắc chắn lợi nhuận sẽ tốt hơn năm 2021.

“2022 là năm ngân hàng đột phá trở lại ở cả ngân hàng mẹ và FE Credit”, CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh.

Theo Anh Phan/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/vpbank-chinh-thuc-noi-room-ngoai-len-175-20180504224265619.htm