QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

VPBank lãi trước thuế 8.279 tỷ đồng, sẽ bán 15% cổ phần cho đối tác chiến lược SMBC

9 tháng qua, VPBank có lợi nhuận trước thuế đạt 8.279 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 23,6% lên tới 780.213 tỷ đồng. Dự kiến VPBank sẽ chào bán 15% cổ phần cho SMBC.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với kết quả kinh doanh sụt giảm. 

Cụ thể, trong kỳ, thu nhập lãi thuần đạt 8.837 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. 

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.117 tỷ đồng và lãi sau thuế là 2.427 tỷ đồng, giảm 31,47% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 8.279 tỷ đồng. 

Theo giải trình của VPBank, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ và hợp nhất quý III/2023 giảm mạnh là do các nguyên nhân gồm: thu nhập lãi suất riêng lẻ giảm gần 5% và thu nhập lãi hợp nhất giảm 15%, tương ứng giảm 3.465 tỷ đồng, trong khi chi phí tăng 5.012 tỷ đồng. 

Thu nhập từ hoạt động hợp nhất khác giảm 60,42%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng riêng lẻ tăng 929,7 tỷ đồng (tăng 50,77%) và chi phí dự phòng hợp nhất giảm 472,7 tỷ đồng (giảm 8,72%). 

Lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 8.279 tỷ đồng và 6.530 tỷ đồng. 

Tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản VPBank đạt 780.213 tỷ đồng, tăng 23,6% so với đầu năm, tương ứng vượt 32,5 tỷ USD. Hiện, VPBank xếp thứ 2 trong nhóm ngân hàng tư nhân có tài sản lớn nhất. 

Theo báo cáo, tổng huy động tiền gửi của khách hàng tăng 39%, lên tới 421.472 tỷ đồng. 

Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng ở mức cao 19,8%, đạt 508.798 tỷ đồng. 

Trong quý 3, tín dụng của ngân hàng mẹ tăng hơn 22% so với đầu năm, đạt hơn 488.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng,… với khối chiến lược Khách hàng cá nhân (KHCN) và SME đóng góp tới gần 60% tổng dư nợ.

Đáng chú ý, dư nợ tín dụng của khối khách hàng cá nhân tăng trưởng 19% so với đầu năm đạt hơn 230.000 tỷ đồng, nhờ chiến lược đa phân khúc đón đầu xu hướng hồi phục của nền kinh tế trong các tháng cuối năm 2023. 

Ngân hàng cũng ghi nhận tiền gửi không kỳ hạn (CASA) – nguồn vốn chi phí rẻ của ngân hàng, tăng hơn 22% so với đầu năm và CASA chiếm 17% cơ cấu nguồn vốn huy động, giúp ngân hàng tối ưu hóa chi phí vốn.

Về thanh khoản, huy động từ khách hàng tại ngân hàng mẹ trong quý III tiếp nối nhịp tăng ổn định từ các quý trước, tăng gần 35% so với đầu năm và cao hơn mức trung bình ngành 5,9%. 

Đặc biệt huy động từ khối khách hàng cá nhân tăng trưởng ấn tượng 60% so với đầu năm… 

Theo kế hoạch, trong quý IV/2023, sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, VPBank sẽ phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài là Sumimoto Mitsui Banking Corp (SMBC). 

Giá chào bán dự kiến 30.159 đồng/CP, tương đương tổng giá trị hơn 35.900 tỷ đồng. Số cổ phiếu này tương đương 17,734% lượng cổ phần đang lưu hành của VPBank và 15% lượng cổ phiếu lưu hành sau khi chào bán thành công.

Tổng số tiền thu về từ đối tác nước ngoài là hơn 35.904 tỷ đồng, nhờ đó ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 11.905 tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần trên 23.999 tỷ đồng. 

Với vốn chủ sở hữu tăng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, VPBank sẽ vươn lên đứng thứ 2 toàn hệ thống. 

Cùng với việc phát hành thêm, ngân hàng cũng sẽ nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 30% vốn điều lệ để đảm bảo thực hiện phương án chào bán riêng lẻ.

Nhờ đối tác chiến lược nước ngoài SMBC rót vốn “khủng”,  VPBank sẽ củng cố thêm nguồn lực tài chính để phục vụ cho vay, cấp tín dụng (phân bổ 34.999 tỷ đồng), đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ, thiết bị, mạng lưới (905 tỷ đồng). 

Về hoạt động của các công ty thành viên, Công ty tài chính FE Credit khắc phục giảm dần thua lỗ và bắt đầu có lợi nhuận trở lại trong quý III. 

Công ty chứng khoán VPBankS tập trung phát triển mảng ngân hàng đầu tư, quản lý tài sản, OPES – công ty bảo hiểm phi nhân thọ đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh chung.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng của 2 công ty con cùng ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 12.000 tỷ đồng.

 VPBank dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, chốt ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức là ngày 10/11/2023, thời gian thanh toán là ngày 20/11/2023. Số tiền dành chia cổ tức là khoảng 8.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận năm 2022. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VPB hồi phục tích cực, tăng 26% so với đầu năm, và hiện giao dịch quanh vùng 23.000 đồng/CP.

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt-Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/nhip-cau-doanh-nghiep/vpbank-lai-truoc-thue-8-279-ty-dong-se-ban-15-co-phan-cho-doi-tac-chien-luoc-smbc-491043.html