QC 1
Thứ 5, ngày 30/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

VPBank mục tiêu lợi nhuận 23.165 tỷ đồng, nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng

Sáng 29/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Năm nay, ngân hàng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng rất cao với tín dụng tăng 25%, lợi nhuận ở mức 23.165 tỷ đồng…

Duy trì tăng trưởng cao, lợi nhuận tăng gấp đôi

Báo cáo về hoạt động kinh doanh, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, năm 2023 vừa qua, trong bối cảnh diễn biến khó khăn của kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới đã ảnh hưởng tới ngành ngân hàng. Đặc biệt là chịu tác động rất lớn của 3 cuộc khủng hoảng về kinh tế vĩ mô suy thoái, đổ vỡ thị trường trái phiếu – bảo hiểm, bất động sản đóng băng…

Do đó, ông Vinh thừa nhận những yếu tố này đã “có ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động kinh doanh VPBank trong năm 2023 không đạt như kỳ vọng”. Dù vậy, trong nhiều năm qua, VPBank là một trong số các ngân hàng đã chủ động tích cực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và chia sẻ khó khăn, hỗ trợ phục hồi kinh tế, với nhiều giải pháp như cơ cấu giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nhóm khách hàng doanh nghiệp, khách hàng ưu tiên…

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank báo cáo hoạt động kinh doanh

Do sự phục hồi chậm của nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh, kết quả kinh doanh của VPBank năm 2023 bị ảnh hưởng sụt giảm, không đạt kế hoạch dù vẫn duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định. Mảng kinh doanh kém khả quan nhất là tài chính tiêu dùng ở FE Credit báo lỗ và chưa có sự hồi phục trong năm 2023. Hiện, VPBank đang sở hữu 51% vốn và SMBC năm 49% vốn tại FE Credit.

Thị trường bất động sản đi xuống đã khiến cho hoạt động tín dụng gặp khó khăn, sức hấp thụ vốn rất thấp. Theo ông Vinh, VPBank đã chủ động điều chỉnh giảm dần cơ cấu tín dụng cho vay ở lĩnh vực bất động sản trong các năm gần đây và dư nợ năm 2023 đã chững lại. Đồng thời, đẩy mạnh các phân khúc khách hàng cá nhân, SME và tìm kiếm phân khúc mới đem lại hiệu quả cao, ổn định, hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn hoạt động.

Kết quả là năm 2023 VPBank vẫn duy trì mức tăng trưởng cao ở nhiều chỉ tiêu. Báo cáo tài chính năm 2023 (đã kiểm toán) cho thấy, tổng tài sản tăng trưởng 29,6%, lên mức 817.567 tỷ đồng. Huy động vốn từ khách hàng và giấy tờ có giá tăng trưởng 33,6% lên mức 490.156 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 25,2% đạt 600.524 tỷ đồng, kiểm soát nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ theo Thông tư 11 là 2,95% dư nợ.

Dù vậy, lợi nhuận trước thuế của năm 2023 đạt 10.804 tỷ đồng, giảm 49,1% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất còn lại 8.494 tỷ đồng.

Riêng ngân hàng mẹ vẫn duy trì mức lợi nhuận cao ở mức 13.468 tỷ đồng, thấp hơn kỳ vọng. Trong số các công ty con, Công ty tài chính FE Credit bị lỗ tới 3.699 tỷ đồng, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh hợp nhất và chính là “điểm tối trong bức tranh kinh doanh của ngân hàng”. Còn Công ty Chứng khoán VPBankS và OPES ghi nhận lợi nhuận lần lượt là 1.255 tỷ đồng và 156 tỷ đồng. 

Nhận định tình hình kinh tế vĩ mô còn khó khăn, Ban lãnh đạo VPBank đã trình Đại hội cổ đông năm 2024 thông qua kế hoạch kinh doanh tiếp tục tăng trưởng cao, vượt trội so với mặt bằng chung của khối ngân hàng TMCP tư nhân.

Theo đó, tổng tài sản hợp nhất dự kiến 974.270 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với năm 2023. Huy động tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá 598.864 tỷ đồng (tăng 22%). Dư nợ cấp tín dụng tăng trưởng 25% lên mức 752.104 tỷ đồng, kiểm soát nợ xấu dưới mức 3% dư nợ. Đáng chú ý, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay tăng trưởng 114% lên tới 23.165 tỷ đồng và là mức lợi nhuận kỷ lục kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

“Mặc dù kinh tế khó khăn kéo dài ảnh hưởng tới ngành ngân hàng nhưng các cổ đông thấy, cuộc khủng hoảng không ảnh hưởng tới lợi nhuận của Ngân hàng VPBank. Ngân hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao vượt trội. Năm 2024, lợi nhuận hợp nhất dự kiến 23.165 tỷ đồng và lợi nhuận riêng ngân hàng là 20.709 tỷ đồng là mục tiêu đầy thách thức. Nhưng trên cơ sở thành quả đạt được và định hướng điều hành theo hướng kiện toàn hệ thống nền tảng, chúng tôi tự tin mục tiêu này là khả thi”, ông Nguyễn Đức Vinh khẳng định.

Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của VPBank

Ngân hàng dành gần 7.934 tỷ đồng chia cổ tức 10% bằng tiền mặt 

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, Đại hội cổ đông đã thông qua việc trích lập các quỹ hơn 1.621 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại sau trích lập quỹ là 8.352 tỷ đồng.

Đại hội đã thống nhất dành gần 7.934 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt. Thời gian chia cổ tức dự kiến là quý 2 và 3 năm nay, do Hội đồng quản trị quyết định thời điểm cụ thể

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank khẳng định cam kết chính sách chia cổ tức trong 5 năm liên tiếp và năm 2023 là năm thứ 2 chia cổ tức cho cổ đông. Trước đó, cổ đông VPBank đã phải “nhịn” cổ tức trong 12 năm liên tục để tích luỹ dành nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển, duy trì tăng trưởng kinh doanh ở mức cao vượt trội.

VPBank có nhiều lợi ích và điều kiện để nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng 

Chia sẻ về sự hỗ trợ của cổ đông chiến lược SMBC, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng cho hay, SMBC đã có nhiều hỗ trợ cho ngân hàng mang tính chất nền tảng như hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị rủi ro, giúp ngân hàng tiếp cận các chỉ số theo thông lệ quốc tế, nâng cao năng lực vốn cho ngân hàng.

Bên cạnh đó, SMBC hỗ trợ ngân hàng tiếp cận vào thị trường tiềm năng là các khách hàng doanh nghiệp lớn nước ngoài (FDI). Đây là bước nền tảng để VPBank chuyển hướng mục tiêu phát triển thành ngân hàng đa năng, không chỉ là ngân hàng có thế mạnh về bán lẻ.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank trả lời chất vấn cổ đông

Một nội dung quan trọng được HĐQT trình Đại hội cổ đông năm 2024 thông qua là kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng.

Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng chia sẻ, “các ngân hàng 0 đồng gặp vấn đề là lỗ luỹ kế rất lớn. Nhìn về mặt tài chính, các ngân hàng không thiết tha đi tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, với sự tham gia hỗ trợ của SMBC, thì VPBank có điều kiện để tham gia nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng”.

Khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng, theo ông Dũng, VPBank sẽ nhận được nhiều lợi ích như cấp tăng trưởng tín dụng cao hơn mức trung bình ngành, được nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên cao hơn 30% – là điều kiện quan trọng để tăng quy mô hoạt động và vốn. Đi kèm với tái cơ cấu 0 đồng, ngân hàng sẽ có thêm các lợi ích mà phù hợp với khả năng và điều kiện của VPBank.

Giảm tín dụng bất động sản và phân khúc rủi ro cao

Đánh giá về rủi ro cấp tín dụng ở lĩnh vực bất động sản, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng đánh giá “đây vẫn là mảng cho vay an toàn. Có chăng rủi ro xảy ra ở giai đoạn thị trường gặp khủng hoảng, khó khăn. Trong từng phân khúc, có thời điểm sụt giảm, nhưng lại có phân khúc nhà ở phục hồi, nhu cầu cao. Tôi cho rằng tín dụng bất động sản vẫn được ưu tiên và nhiều ngân hàng dành quan tâm”.

Theo CEO Nguyễn Đức Vinh, ngân hàng xác định bất động sản là lĩnh vực cấp tín dụng quan trọng song có sự cơ cấu hạ tỉ trọng tín dụng xuống. Hiện dư nợ cho vay bất động sản chiếm khoảng 33% tổng dư nợ, tương đương khoảng 90.000 tỷ đồng và Top3 ngân hàng cho vay lớn nhất ở lĩnh vực này. Mảng cho vay khách hàng doanh nghiệp và dự án có sự sụt giảm do thị trường ảm đạm, còn các mảng cho vay ở nhà phố, nhà thổ cư vẫn tăng trưởng.

Kết thúc, Đại hội cổ đông đã biểu quyết thông qua 22 tờ trình báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023, kế hoạch hoạt động năm 2024, phương án phân phối lợi nhuận, chia cổ tức, nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng, huy động trái phiếu quốc tế, và vấn đề quan trọng khác.

Theo Thu Hằng/Doanh nghiệp và Thương hiệu Nông thôn