QC 1
Thứ 2, ngày 06/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bamboo Airways về tay đại gia Lê Thái Sâm có “thoát vận đen”?

Trả bớt tàu bay, thay đổi CEO, tạm dừng nhiều đường bay quốc tế,… Bamboo Airways khi về tay chủ mới là ông Lê Thái Sâm đang loay hoay, tìm đường “thoát vận đen”.

Bất ngờ nhiều xáo trộn

Nhóm cổ đông mới do ông Lê Thái Sâm đại diện đã tiếp quản Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) và có nhiều biện pháp quyết liệt nhằm mục đích tái cơ cấu, tối ưu hoá nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động của hãng hàng không này.

Đáng chú ý, ngày 23/10, nhóm cổ đông mới đã bổ nhiệm ông Lương Hoài Nam vào vị trí Tổng giám đốc Bamboo Airways. Ông Nam được biết đến là CEO có kinh nghiệm điều hành tại nhiều hãng bay.

Vị trí Tổng giám đốc thực sự là “ghế nóng” khi hãng bay này đã thay tới 4 người trong 4 tháng qua, trước đó là các CEO tiền nhiệm như Nguyễn Minh Hải, Nguyễn Mạnh Quân, Nguyễn Ngọc Trọng.

 Ông Lê Thái Sâm (ngoài cùng bên phải) trong lễ bổ nhiệm CEO Lương Hoài Nam làm Tổng giám đốc Bamboo Airways

Bộ máy quản trị- nhân sự lãnh đạo cấp cao của Bamboo Airways cũng biến động liên tục. Cho đến Đại hội cổ đông bất thường lần 3 ngày 15/9 vừa qua, hãng này đã miễn nhiệm 3 nhân sự của Hội đồng quản trị gồm ông Oshima Hideki, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Trần Hòa Bình. 

Đồng thời bầu bổ sung một thành viên là bà Lê Thị Trúc Quỳnh, cựu Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC, tham gia vào HĐQT.

Về tái cấu trúc hoạt động hãng bay, ban lãnh đạo của Bamboo Airways quyết định thu hẹp hoạt động, tạm dừng nhiều đường bay quốc tế và trong nước từ nay đến ngày 30/3/2024.

Việc điều chỉnh kế hoạch khai thác các chuyến bay nội địa và quốc tế là nhằm tập trung nguồn lực để đảm bảo khai thác ổn định từ tháng 11/2023, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán 2024.

Với các đường bay quốc tế, Bamboo Airways sẽ tạm dừng khai thác một số đường bay gồm: Hà Nội – London Gatwick (Anh) từ 18/10; Hà Nội – Incheon (Hàn Quốc) từ 29/10; TP. HCM – Sydney/Melbourne (Australia) từ 4/11; TP. HCM/Hà Nội – Frankfurt (Đức) từ 4/11; TP. HCM – Singapore từ 4/11; Hà Nội – Bangkok (Thái Lan)/Narita (Nhật Bản)/Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) từ 8/11.

Theo đại diện hãng bay, việc thu hẹp, tạm dừng bay quốc tể để đảm bảo tập trung nguồn lực, ưu tiên tính hiệu quả trong vận hành của hãng.

Hiện tại, hãng cam kết vẫn duy trì khai thác bình thường với các đường bay không nằm trong diện điều chỉnh, nhất là các đường bay chính kết nối trung tâm lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc, Côn Đảo…

Về quyền lợi của khách hàng khi tạm dừng khai thác các đường bay này, đại diện Bamboo Airways khẳng định cam kết đảm bảo tối đa quyền của khách hàng, đổi lịch bay miễn phí, hoàn tiền vé… trước các phản hồi từ hành khách bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, Bamboo Airways còn đối mặt với tình trạng “chảy máu” nhân sự khi các thành viên phi hành đoàn như phi công, tiếp viên xin nghỉ việc, chậm lương, giảm chuyến bay…

Kết quả hoạt động của Bamboo Airways gây thất vọng khi báo lỗ nhiều năm liền. Năm 2022, doanh thu của hãng đạt 11.732 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần so với năm trước. Hãng báo lỗ tới 17.619 tỷ đồng, gấp 7,7 lần số lỗ 2.280 tỷ đồng của năm trước.

Tổng số lỗ luỹ kế đến cuối năm 2022 lên 19.335,8 tỷ đồng, vượt cả quy mô vốn điều lệ (18.500 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu cũng bị bào mòn từ mức 16.783,4 tỷ đồng xuống âm 835,8 tỷ đồng.

 Bamboo Airways tạm dừng khai thác hàng loạt đường bay quốc tế  

Ngân hàng lớn hậu thuẫn bơm vốn

Hãng bay 5 sao từng là niềm tự hào của Tập đoàn FLC và các cổ đông, nhà đầu tư giờ đây phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thiếu vốn, thua lỗ rất lớn khiến hãng đang đứng bên bờ vực phá sản. 

Giữa tháng 5/2023, Tập đoàn FLC và các cổ đông đạt được thoả thuận chuyển nhượng 401,5 triệu cổ phần Bamboo Airways cho ông Lê Thái Sâm- một cá nhân có mối liên hệ với Tập đoàn Him Lam và Ngân hàng Sacombank.

Ông Lê Thái Sâm, đã sở hữu 231,7 triệu cổ phần Bamboo Airways, tương đương 12,53% vốn điều lệ của hãng hàng không này. Sau khi hoàn thành giao dịch, sở hữu của cổ đông lớn này sẽ là 34% vốn điều lệ hãng, tương đương 633,2 triệu cổ phần.

Đại hội cổ đông bất thường của Bamboo Airways ngày 9/5 đã biểu quyết thông qua phương án phát hành 722 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/CP, để hoán đổi nợ cho ông Lê Thái Sâm (khi đó là Thành viên HĐQT Tập đoàn FLC và sau đó rút lui), hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Bamboo Airways. Đồng thời phát hành 378 triệu cổ phần để bán cho nhà đầu tư chiến lược mới.

Cùng với cổ phần nhận chuyển nhượng và được hoán đổi nợ, dự kiến ông Lê Thái Sâm sẽ nắm quyền chi phối tới 53,59% vốn Bamboo Airways sau khi tăng vốn lên 26.220 tỷ đồng.

Tập đoàn FLC cũng đã thông qua việc ủy quyền toàn bộ và không huỷ ngang trong mọi trường hợp quyền cổ đông của FLC tại cuộc họp ĐHĐCĐ Bamboo Airways cho ông Lê Thái Sâm với toàn bộ cổ phần BAV. Đồng nghĩa FLC thoái vốn hoàn toàn khỏi Bamboo Airways.

Giới đầu tư cũng dồn sự quan tâm vào Ngân hàng Sacombank (mã: STB) do ông Dương Công Minh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, khi nhà băng này mong muốn tham gia tái cấu trúc Bamboo Airways.

Sacombank cũng là chủ nợ lớn của Bamboo Airways và “đang xúc tiến các thủ tục xin cơ quan quản lý chấp thuận”, theo ông Phan Đình Tuệ, Thành viên HĐQT hãng bay chia sẻ tại Đại hội cổ đông bất thường ngày 15/9/2023.

Tuy nhiên, do là tổ chức tín dụng, bị hạn chế đầu tư ngoài ngành, nên Sacombank đang phải làm thủ tục xin cơ quan quản lý chấp thuận mới có thể thực hiện được. Hơn nữa, ngân hàng này và nhóm chủ mới chưa có kinh nghiệm đầu tư, vận hành hãng hàng không, cũng là yếu tố bất lợi. 

Thủ tướng cũng đã giao Ngân hàng Nhà nước làm việc với Bamboo Airways để tháo gỡ khó khăn về vấn đề vốn và tham gia cổ phần của các ngân hàng có đủ điều kiện. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Như vậy, cổ đông của Bamboo Airways giờ có thêm hi vọng sáng cửa hơn khi một ngân hàng lớn tham gia tái cấu trúc và có bước đi sâu hơn là trở thành nhà đầu tư chiến lược.

Về kế hoạch giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Bamboo Airways đặt mục tiêu đưa quy mô đội tàu bay về lại 30 tàu, hướng tới nâng lên 50 tàu và nhiều hơn.
Hãng sẽ tái cấu trúc đội máy bay dự kiến, bao gồm các chủng loại máy bay thân hẹp và phản lực, khai thác trên các đường bay nội địa trọng điểm, nổi bật tập trung vào các đường bay trục chính đến Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, các đường bay du lịch, công vụ có nhu cầu cao cũng như các đường bay quốc tế tới Đông Nam Á.
Ngoài ra, Bamboo Airways sẽ tiếp tục đa dạng hóa mạng lưới đối tác tiềm năng, làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp Boeing và Airbus để triển khai các thỏa thuận mua máy bay đã được ký kết, nhằm chủ động gia tăng nguồn lực đội máy bay giai đoạn 2024-2028 và những năm tiếp theo.

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt-Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/nhip-cau-doanh-nghiep/bamboo-airways-ve-tay-dai-gia-le-thai-sam-co-thoat-van-den-491198.html