QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chi phí tăng cao, ngân hàng siết tín dụng, thủy sản khó trăm bề

VASEP cho hay, chi phí sản xuất tăng cao khiến giá thành sản phẩm tăng và giảm khả năng cạnh tranh sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Chi phí sản xuất tăng cao đáng quan ngại, khiến giá thành sản phẩm tăng, giảm khả năng cạnh tranh sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho hay, 7 tháng năm 2022, hệ lụy của dịch COVID-19 vẫn còn nặng nề: chuỗi cung ứng toàn cầu chưa hoàn toàn hồi phục; xung đột Nga-Ukraine; lạm phát tăng cao làm giảm sức mua tại nhiều thị trường…

Chi phí tăng cao đáng quan ngại

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết chi phí sản xuất tăng cao đáng quan ngại, khiến giá thành sản phẩm tăng, giảm khả năng cạnh tranh sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Cụ thể, thức ăn chăn nuôi thủy sản trung bình đã tăng khoảng 20%, trong khi chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng lớn đến hơn 60% giá thành nuôi thủy sản.

Thêm vào đó, chi phí vận tải biển bằng container tăng mạnh từ năm 2020 đến nay với nhiều lý do bao gồm cả “tắc cảng” do đại dịch COVID-19 và bây giờ là giá nhiên liệu tăng.

“Việc đặt được cont đã rất khó khăn, nhưng giá cước ở hầu hết các chặng đều tăng 3-5 lần. Tại thời điểm tháng 7/2022, dù đã giảm một chút, nhưng để xuất khẩu được một container 40’ qua bờ Đông Mỹ (Florida) thì giá cước đã khoảng 16.400 USD/cont. Tính cả chi phí vận chuyển đường bộ từ nhà máy tại các tỉnh tới TP. HCM (chiếm hơn 60% dung lượng xuất khẩu), thì trung bình 400-410 triệu đồng/cont”, ông Nam nói nêu.

Ngoài ra, với thuỷ sản ở thời điểm hiện tại, ông Nam cho biết khó khăn còn đến từ vấn đề hóa chất, phụ gia, bao bì, nhiên liệu, nhân lực, vận chuyển; chi phí tài chính liên quan đến tỷ giá hối đoái, khi một số đồng tiền mạnh như yên và euro mất giá sâu, trong khi VNĐ thì lại khá ổn định cũng gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.

VASEP kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành quan tâm và có các biện pháp hỗ trợ và chỉ đạo để tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp (giá thức ăn chăn nuôi thủy sản, cước vận tải container đường biển, vận chuyển nội địa, bao bì, tỷ giá hối đoái…).

Ngân hàng siết tín dụng làm khó doanh nghiệp

Một vấn đề nữa, theo ông Nam là tín dụng ngân hàng siết lại, tăng lãi suất vay USD. Ngay từ đầu tháng 8/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất từ 2,1-2,8% lên 3-3,1% và thậm chí đến 4,5%.

Đồng thời, điểm lo ngại nữa với các doanh nghiệp thủy sản là việc “siết tín dụng” hiện nay, hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó. Việc này khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn khi chi phí tài chính tăng cao, không chủ động được việc thu mua nguyên liệu (tôm, cá…) lúc này cho bà con nông-ngư dân.

Lạm phát tăng cao và đồng tiền mất giá tại nhiều thị trường, khiến sức mua của người dân giảm sút, nhà nhập khẩu tồn kho lớn và đã yêu cầu dừng nhận các đơn hàng (dù đã ký hợp đồng), thậm chí, lùi giao hàng tới tận tháng 10-11/2022.

Điều này khiến các doanh nghiệp thủy sản bị tồn kho tại Việt Nam, tiền nằm trong hàng, không có, hoặc dòng tiền về sụt giảm, khó khăn trong việc trả các khoản vay cũ, và ngân hàng sẽ không tiếp tục giải ngân khi doanh nghiệp chưa trả khoản vay cũ dù hạn mức tín dụng vẫn còn. Hệ lụy là việc thu mua nguyên liệu của người dân để tiếp tục cho sản xuất sẽ bị hạn chế đáng kể.

Vì vậy, VASEP kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét có các chỉ đạo và hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu tại các địa phương được tiếp cận nguồn vốn vay, có thể tiếp tục vay vốn bình thường để phục vụ sản xuất kinh doanh; tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ lãi suất với lãi suất tối đa 2,5% cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản.

Theo Kỳ Thư/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/chi-phi-tang-cao-ngan-hang-siet-tin-dung-thuy-san-kho-tram-be-20180504224272457.htm