QC 1
Thứ 4, ngày 11/09/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chủ chung cư mini bị cháy làm 56 người chết có thể đối diện mức án nào?

Sau những thiệt hại về người và của ở chung cư mini 9 tầng tại phố Khương Hạ (Hà Nội) đã khiến dư luận đặt câu hỏi về mức hình phạt cho chủ chung cư có thể đối diện đối với hành vi xây dựng sai phép cũng như vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy?

Chung cư mini bị cháy làm 56 người chết: cấp phép 6 tầng xây 9 tầng

Sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư mini số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, ngày 13/9, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam (04 tháng) đối với Nghiêm Quang Minh (44 tuổi, chủ chung cư mini nơi xảy ra vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân), về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo Điều 313 Bộ Luật Hình sự. Các Quyết định và Lệnh bắt bị can đã được Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội phê chuẩn.

Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng đã xác định được 56 người tử vong và 37 người bị thương (trong đó, đã xác định được danh tính của 39/56 người tử vong).

Sau vụ cháy, nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ việc xây dựng toà nhà bị cháy. Theo đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết: “thành phố đã thống nhất với Bộ Công an chỉ đạo điều tra tận gốc vấn đề từ khâu cấp phép xây dựng. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy sẽ vào cuộc kiểm tra trách nhiệm lãnh đạo, quản lý liên quan…”.

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn, chung cư mini -nơi xảy ra vụ cháy tại Khương Hạ có tổng diện tích khoảng 200 m2. Đây là công trình gồm có 9 tầng với 8 tầng căn hộ và 1 tầng tum được xây kiểu nhà ống với 1 mặt tiền, 3 mặt giáp nhà dân. Công trình được chia khoảng 40 – 50 căn hộ trong đó, mỗi tầng được thiết kế với 5 căn hộ có diện tích từ 35 – 56 m2, chủ yếu cho sinh viên và hộ gia đình thuê.

Chung cư mini bị cháy làm 56 người tử vong và 37 người bị thương.

Tuy nhiên, theo Giấy phép xây dựng số 89-2015/GPXD do UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cấp cho ông Nghiêm Quang Minh ngày 11/3/2015, công trình tại địa chỉ Tổ 3 Cụm 4 (số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ) phường Khương Đình quận Thanh Xuân, Hà Nội chỉ được cấp phép 6 tầng, cùng tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật. Giấy phép quy định rõ tên công trình là nhà ở riêng lẻ với diện tích xây dựng tầng 1 (có tầng lửng) là 167,4 m2; mật độ xây dựng là 70% và tổng diện tích sàn xây dựng là 1.165.9 m2; tổng chiều cao công trình là 20,2 m2 (không tính tum thang). Nếu đối chiếu theo giấy phép trên và thực tế xây dựng thì công trình nhà ở riêng lẻ này đang có dấu hiệu xây dựng vượt tầng và mật độ xây dựng.

Căn cứ tại Mục 5.5.2 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9411:2012 có quy định: trong mọi trường hợp nhà ở liên kế không được cao hơn 6 tầng. Trong các ngõ (hẻm) có chiều rộng nhỏ hơn 6 m, nhà ở liên kế không được xây cao quá 4 tầng. Như vậy, việc chung cư mini xảy ra vụ cháy tại Khương Hạ với chiều cao lên tới 9 tầng đã đặt ra nghi vấn chủ nhà xây vượt tới 3 tầng so với giấy phép được cấp năm 2015. Bên cạnh đó, sự việc cũng đã đặt ra vấn đề: công trình nhà ống, 3 mặt giáp nhà dân trên diện tích hơn 200 m2 cao đến 9 tầng như vậy thì việc cấp phép như thế nào? Ai là người cấp phép? nếu công trình có giấy phép nhưng người dân vẫn cố tình làm không đúng theo giấy phép thì cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương tại sao lại không biết? Như vậy, từ vụ việc cháy chung cư mini trên đã cho thấy công tác cấp phép và quản lý đô thị của cơ quan quản lý vẫn còn yếu kém, sai sót. Bên cạnh đó, việc kiểm soát từ thiết kế đến thẩm định vẫn còn có sự buông lỏng trong quản lý.

Chủ căn hộ mini xảy ra vụ cháy tại Khương Hạ có thể đối diện tình huống pháp lý nào?

Sau những thiệt hại về người và của do vi phạm về phòng cháy chữa cháy tại chung cư mini này, chủ căn chung cư có thể đối mặt với mức án nào?

Theo điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Bộ luật Hình sự 2017) thì người này có thể đối mặt với các khung hình phạt sau:

– Phạt tù từ 02 đến 05 năm

Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 5 năm:

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

– Phạt tù từ 7 -12 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 – 12 năm:

+ Làm chết 03 người trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên

+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.

Như vậy, tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy có mức hình phạt cao nhất đến 12 năm tù. Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng theo quy định trên thì chủ chung cư mini có thể đối mặt với mức án lên đến 12 năm tù và bị phạt hành chính cũng như cấm hành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú từ 01 – 5 năm. 

Ngoài hành vi trên, chủ chung cư mini trên còn có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự do xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng và các bản thiết kế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. 

Về mức xử phạt với hành vi xây dựng sai phép, Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về mức xử phạt với hành vi xây dựng sai phép của tổ chức như sau:

Hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo, di dời công trình và giấy phép xây dựng có thời hạn đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ bị phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng; với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác bị phạt tiền từ 25 – 30 triệu đồng.

Hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới: với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng; Với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác bị phạt tiền từ 50 – 70 triệu đồng.

Ngoài bị phạt tiền, tổ chức vi phạm sẽ áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm nếu hành vi xây dựng sai phép đã kết thúc.

Cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt bằng 1/2 mức tiền phạt của tổ chức nêu trên.

Bên cạnh đó, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở.

Điều 343, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi quy định, người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng – 2 năm. Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng.

Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ do tòa án quyết định trên cơ sở thủ tục tố tụng hình sự, căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Ngoài trách nhiệm hình sự, người phạm tội trong vụ án này còn phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với các nạn nhân, bao gồm: chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần tới 50 tháng lương cơ sở đối với những người bị thương tích.

Ngoài trách nhiệm hình sự, chủ chung cư mini phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với các nạn nhân.

Đối với những nạn nhân tử vong, chủ chung cư mini phải bồi thường chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền tổn thất tinh thần cho thân nhân của nạn nhân và tiền nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật.

Đồng thời phải bồi thường thiệt hại liên quan đến tính mạng, sức khỏe của các nạn nhân, người phạm tội trong vụ án có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về tài sản với những người bị hại.

Theo An Nhiên/Doanh nghiệp và Thương hiệu Nông thôn

Nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/chu-chung-cu-mini-bi-chay-lam-56-nguoi-chet-co-the-doi-dien-muc-an-nao-p48346.html