QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chứng khoán phiên 5/1: Giằng co quanh ngưỡng cản 1.150?

Nhận định về thị trường chứng khoán phiên ngày mai 5/1, KBSV cho rằng nhiều khả năng VN-Index vẫn có thể có những nhịp vận động giằng co trong ngưỡng cản 1.150 điểm (+/-15 điểm). Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp hồi phục sớm…

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/1, sàn HOSE có 299 mã tăng và 203 mã giảm, VN-Index tăng 6,55 điểm (+0,57%), lên 1.150,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,18 tỷ đơn vị, giá trị 25.296,7 tỷ đồng, tăng gần 65% về khối lượng và 72% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 39,7 triệu đơn vị, giá trị 975 tỷ đồng.

Nhiều khả năng VN-Index vẫn có thể có những nhịp vận động giằng co trong ngưỡng cản 1.150 điểm

Vẫn là câu chuyện ở nhóm ngân hàng, khi tăng tốc trong phiên chiều, với hai cổ phiếu là điểm nhấn chính là MBB và CTG, khi đã có lúc leo lên mức giá trần, trước khi đóng cửa thu hẹp đà tăng khá đáng tiếc.

Theo đó, MBB đóng cửa còn +5% lên 20.100 đồng, khớp lệnh tới hơn 49,4 triệu đơn vị – mức cao nhất kể từ phiên 07/10/2022 và giá cổ phiếu cũng ở mức cao nhất kể từ những phiên đầu tháng 9/2022. Trong khi cổ phiếu CTG +3,62% lên 28.600 đồng, khớp được hơn 14,6 triệu đơn vị.

Ở phía sau hai mã trên trong nhóm bluechip, ngoài SSI +2% thì cũng đều là các mã ngân hàng, với TPB +2,6% 17.900 đồng, HDB +2% lên 20.400 đồng, SHB +1,8% lên 11.450 đồng, các mã SSB, ACB VPB, VPB, VIB, TCB, VCB nhích từ 1,1% đến 1,7%.

Trong đó, SHB và SSI là hai cổ phiếu khớp lệnh cao nhất nhì trong nhóm và toàn thị trường, với lần lượt 61,5 triệu và 58,7 triệu đơn vị. Các mã khác cũng có khối lượng giao dịch tích cực như STB và TPB với trên dưới 31 triệu đơn vị; ACB và VPB khớp 23-25 triệu đơn vị…

Đáng tiếc là cổ phiếu BID sau phiên sáng là trụ đỡ lớn nhất cho VN-Index thì đã chịu lực bán chốt lời và đảo chiều giảm, dù mức giảm chỉ -0,3%.

Lực bán gia tăng cũng đã khiến nhóm cổ phiếu phiên sáng khởi sắc là công ty chứng khoán lùi bước trong phiên chiều và đa số chỉ còn tăng nhẹ, với CTS, VDS, VIX, TVB tăng dưới 1%, thậm chí VCI, HCM, ORS, VND, FTS còn đảo chiều giảm, nhưng mức giảm cũng chỉ ở mức thấp.

Dù vậy, đây cũng là nhóm thu hút dòng tiền không thua kém gì ngân hàng, ngoài SSI nêu trên thì VND khớp gần 45 triệu đơn vị, VIX khớp 31,6 triệu đơn vị, HCM và VCB khớp trên dưới 10 triệu đơn vị…

Các cổ phiếu riêng lẻ khác cũng bị chốt lời và giảm khá mạnh như FIR về lại giá sàn -7% xuống 16.050 đồng, HNG -3,9% xuống 5.160 đồng, ABS -3,9% xuống 6.190 đồng, TTF -3% xuống 4.510 đồng, HAG -2,9% xuống 13.300 đồng, các mã VPG, ITC, SMC, BMP, TSC giảm 2 đến 2,5%.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index rung lắc và nhích lên đôi chút trong phiên chiều trước khi hạ độ cao về cuối phiên. Đóng cửa, sàn HNX có 69 mã tăng và 77 mã giảm, HNX-Index tăng 0,92 điểm (+0,40%), lên 232,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 111,7 triệu đơn vị, giá trị 2.156 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,68 triệu đơn vị, giá trị 24,5 tỷ đồng.

Trên UpCoM, các cổ phiếu cũng chỉ nhích thêm đôi chút giúp chỉ số UpCoM-Index hồi phục, nhưng cũng chỉ kịp về gần tham chiếu khi đóng cửa. Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,09%), xuống 87,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43 triệu đơn vị, giá trị 588,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 17 triệu đơn vị, giá trị 268 tỷ đồng.

Nhận định của các công ty chứng khoán

Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), VN-Index diễn biến tăng điểm trong hầu hết phiên giao dịch 04/01 trước khi gặp áp lực rung lắc mạnh về cuối phiên. Quán tính tăng điểm của chỉ số tiếp tục được duy trì với thanh khoản bùng nổ đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, dòng tiền bán gia tăng mạnh về cuối phiên cho thấy áp lực rung lắc tại vùng 1.150 điểm (+/-15 điểm) vẫn còn tương đối lớn.

Do đó, KBSV cho rằng nhiều khả năng VN-Index vẫn có thể có những nhịp vận động giằng co trong ngưỡng cản 1.150 điểm (+/-15 điểm). Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp hồi phục sớm, có thể cân nhắc mua/bán linh hoạt 2 chiều tỷ trọng thấp tại các vùng hỗ trợ/kháng cự, cụ thể là 1.125 điểm (+/-5 điểm) và quanh 1.155 điểm (+/-5 điểm).

Dưới góc nhìn kỹ thuật của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), xét về khung đồ thị ngày, chỉ số VN-Index đã vượt qua khỏi dải Bollinger band, và chạm mốc 0,786 của thang đo Fibonacci mở rộng, đây cũng là khu vực đỉnh kháng cự trong ngắn hạn. Thêm vào đó, chỉ báo RSI đã ở vùng cao cho xác suất cao thị trường sẽ sớm xuất hiện các phiên rung lắc điều chỉnh ngắn hạn. Ở khung đồ thị giờ, chỉ báo nêu trên đã bẻ xuống ở vùng cao và hình thành đỉnh giúp củng cố nhận định trên. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng điểm trung hạn và áp lực chốt lời ngắn hạn ở các vùng kháng cự là điều dễ hiểu.

VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn vẫn có thể tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu. Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, có thể cân nhắc tận dụng những phiên tăng điểm tốt để hiện thực hóa lợi nhuận 1 phần tại các vùng kháng cự rồi giải ngân mua lại ở những nhịp rung lắc ngắn hạn hoặc mua lại ở các vùng giá thấp hơn trong phiên.

Với Chứng khoán Beta (Beta), xu hướng tích cực ngắn hạn của VN-Index vẫn đang duy trì khi đường chỉ số nằm trên các đường trung bình quan trọng. Các chỉ báo kỹ thuật quan trọng như SAR, MACD và (DI+, DI-) duy trì tín hiệu tích cực củng cố cho xu hướng hiện tại. Tuy nhiên, VN-Index đang nằm trong vùng kháng cực mạnh tại 1.150-1.160 điểm, đồng thời vượt lên trên đường band trên của dải Bollinger Bands nên khả năng áp lực chốt lời sẽ gia tăng dẫn đến rung lắc/điều chỉnh, trong khi đó, mốc 1.125 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ.

Beta cho rằng trong giai đoạn sắp tới, mặc dù nhiều khả năng thị trường sẽ duy trì xu hướng vận động tích cực, nhưng do nhiều cổ phiếu đang rơi vào trạng thái “quá mua” nên dễ dẫn đến rủi ro điều chỉnh, vì vậy nhà đầu tư cần hạn chế tâm lý mua đuổi bằng mọi giá đối với những cổ phiếu có dấu hiệu tăng nóng. Khi mùa công bố báo cáo tài chính đang tới gần, dòng tiền sẽ có sự phân hóa và ưu tiên phân bổ vào cổ phiếu của những doanh nghiệp có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực trong quý 4/2023 cũng như năm 2024. Với mặt bằng lãi suất thấp và kinh tế vĩ mô cải thiện tích cực sẽ hỗ trợ chp thị trường trong thời gian tới.

Chứng khoán Shinhan (SSV) thì cho rằng, sau khi vượt vùng kháng cự 1.130 điểm, VN-Index vẫn duy trì được đà tăng tốt với sự dẫn dắt mạnh mẽ của nhóm ngân hàng. Đáng chú ý, thanh khoản gia tăng kỷ lục cho thấy tâm lý thị trường đã cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, áp lực chốt lời đã diễn ra sau 2h khiến thị trường giảm hơn 10 điểm tính từ đỉnh 1.160 điểm và đóng cửa tại 1.150 điểm.

Nhìn chung, thị trường đã thay đổi cấu trúc sóng sang xu hướng tăng trong trung hạn khi VN-Index chính thức vượt EMA 200. Vùng hỗ trợ tương ứng cho giai đoạn này là 1.130 điểm vì thế nhà đầu tư có thể canh giải ngân khi thị trường có xu hướng điều chỉnh về vùng này và bật tăng trở lại.

Theo Nguyên Nam/Kinh tế Chứng khoán

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/chung-khoan-phien-51-giang-co-quanh-nguong-can-1150-218478.html