QC 1
Chủ nhật, ngày 05/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Đại án Vạn Thịnh Phát phơi bày yếu kém trong công tác kiểm soát tài sản cán bộ

Đại án Vạn Thịnh Phát đã phơi bày yếu kém trong kê khai, xác minh tài sản thu nhập của cán bộ, trong đó có cả lĩnh vực quan trọng.

Phát biểu tại hội thảo đánh giá công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam sáng 8/12, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó tổng thanh tra Chính phủ, cho rằng việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức “chưa đạt được tiến bộ đáng kể”.

Trong đại án Vạn Thịnh Phát, nhà chức trách đã khởi tố ba vụ với với 108 bị can, trong đó 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục và cán bộ cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra, giám sát ngân hàng, lãnh đạo thanh tra, ngân hàng địa phương.

Thực tế này cho thấy những người làm trong lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm cần được đưa vào diện kê khai, kiểm soát tài sản. “Kiểm soát tài sản thu nhập cán bộ là giải pháp kỹ trị, nếu không có thì sẽ khó đạt được hiệu quả tổng thể phòng chống tham nhũng”, TS Thanh nêu quan điểm.

Theo ông, Việt Nam đang thiếu giải pháp pháp lý đủ mạnh, nhất quán, phù hợp với kinh nghiệm, xu hướng quốc tế trong đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, rửa tiền. Các các cơ quan sớm cần hoàn thiện thể chế về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là với một số lĩnh vực quan trọng; tăng cường vị thế và năng lực của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ.

Cùng với xây dựng và ban hành quy trình chuẩn về kiểm soát tài sản, thu nhập, ông cho rằng cần mở rộng phạm vi kiểm soát ra khu vực tư nhân, trước hết là với người quản lý các ngân hàng, quỹ đầu tư. Nội dung này đã được đề xuất trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 nhưng chưa đạt được đồng thuận.

 Đại án Vạn Thịnh Phát phơi bày yếu kém trong công tác kiểm soát tài sản cán bộ

Viện trưởng Chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Quốc Văn cũng thừa nhận xác minh tài sản thu nhập cán bộ “là khâu rất khó”. Ngân hàng được yêu cầu xác minh tài khoản cá nhân, nhưng họ lại phải tuân thủ các quy định thương mại, công ước về bảo vệ bí mật khách hàng.

“Bản kết luận kê khai tài sản không trung thực có giá trị pháp lý ra sao? Nếu bị khiếu kiện thì giải quyết thế nào? Thực tế còn nhiều việc ngổn ngang khi xác minh tài sản, thu nhập cán bộ”, ông nói.

Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm: Cán bộ, công chức; sĩ quan công an, quân đội, quân nhân chuyên nghiệp; phó phòng trở lên tại đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp Nhà nước; người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.

Các tài sản, thu nhập phải kê khai gồm: Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và bất động sản khác mà mỗi tài sản giá trị từ 50 triệu đồng; tài sản, tài khoản ở nước ngoài.

Từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023, gần 60.500 cán bộ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu; hơn 545.500 người đã kê khai hàng năm; 44.000 người đã kê khai bổ sung; 162.000 người kê khai phục vụ công tác cán bộ. 655.300 người đã được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.

Trong đó, cơ quan chức năng xác minh 13.000 người và phát hiện 2.600 trường hợp vi phạm. Sai sót chủ yếu về kê khai sai mẫu, chưa theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định. Chỉ có 54 người kê khai không trung thực bị kỷ luật.

Theo Vũ Ninh/Tạp chí Việt – Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/tim-hieu-phap-luat/dai-an-van-thinh-phat-phoi-bay-yeu-kem-trong-cong-tac-kiem-soat-tai-san-can-bo-491767.html