QC 1
Thứ 2, ngày 06/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi nội đô, phải chờ sau 2045

Mặc dù đã được Bộ Chính trị ra nghị quyết từ năm 2003, tuy nhiên việc triển khai dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng mới chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu, chưa thể thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt.

UBND TP. Đà Nẵng vừa có báo cáo về việc di dời toàn bộ ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố khi chưa thể thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt.

Theo UBND TP Đà Nẵng, hiện nay nguồn lực đầu tư cho ngành đường sắt còn khó khăn. Việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng không được đề cập trong định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Vì vậy, dự án di dời ga của Đà Nẵng khả năng chỉ được Chính phủ nghiên cứu sau giai đoạn 2030, phải sau 2045 khi đầu tư xong đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Ga Đà Nẵng hiện tại.

Gần đây, Sở Giao thông vận tải TP. Đà Nẵng đã tính toán việc 2 phương án trong giai đoạn chưa triển khai di dời tuyến đường sắt và ga Đà Nẵng theo quy hoạch. Mỗi phương án đều có 2 giai đoạn.

Trong đó, phương án 1 là di dời toàn bộ ga hàng hóa, hành khách và các công trình phụ trợ về khu vực ga Kim Liên.

Ở giai đoạn 1, thành phố sẽ cải tạo và nâng cấp ga Kim Liên hiện tại thành ga khu đoạn – ga hỗn hợp vận chuyển cả khách và hàng, với quy mô đáp ứng nhu cầu vận chuyển đến năm 2030 với lượng hàng hoá là 350.000 tấn/năm và lượng hành khách là 1.500.000/năm. Tổng mức đầu tư dự án cho giai đoạn 1 là hơn 2.115 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 là giai đoạn hoàn thiện theo đúng quy hoạch đến năm 2050, di dời ga hàng khách ra xã Hoà Sơn, huyện Hoà Vang.

Phương án 2 là di dời phần ga hàng, công trình phụ trợ và các cơ quan ngành đường sắt ra ga Kim Liên, phần ga khách ra vị trí mới thuận lợi dọc theo tuyến đường sắt Bắc -Nam hiện có.

Ở phương án này, giai đoạn 1 sẽ cải tạo, nâng cấp ga Kim Liên thành ga hàng với quy mô tương tự phương án 1. Phần ga hành khách sẽ bố trí dự kiến ở 1 trong 3 khu vực gồm: khu vực gần nút giao giữa đường sắt hiện trạng và đường Nguyễn Sinh Sắc; khu vực hồ Trung Nghĩa và đường vòng Thanh Khê gần hồ Bàu Trảng. Tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 là 2.143 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 (đến năm 2050) sẽ nâng cấp, cải tạo ga Kim Liên đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt khu vực Đà Nẵng và cảng Liên Chiểu với lượng hàng hóa 1,5 triệu tấn/năm.

Sau di dời ga đường sắt đến vị trí mới, toàn bộ quỹ đất khu vực ga cũ cùng hành lang được thành phố dùng để tái thiết đô thị, phát triển kinh tế – xã hội đồng thời tạo nguồn lực hỗ trợ thực hiện dự án.

Đối với diện tích đất khu vực ga Đà Nẵng hiện tại, UBND TP. Đà Nẵng kiến nghị quy hoạch chỉnh trang để đồng bộ hoá kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu vực trung tâm thành phố. Cụ thể, định hướng khu vực này thành đầu mối giao thông kết hợp dịch vụ, thương mại. Diện tích đất thương mại dịch vụ dự kiến sau quy hoạch chiếm khoảng 65% diện tích ga hiện tại có giá trị thương mại khoảng hơn 5.300 tỷ đồng.

Theo Khánh Hồng/Vietnam Finance