QC 1
Thứ 4, ngày 15/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 1/6

Siết bất động sản có phải là “bóp nghẹt”?; Thiếu hụt nguồn cung, giá chung cư Hà Nội liên tục tăng; Nghệ An: Đất đấu giá bị bỏ cọc, người có tiền lao đao sau cơn sốt; … là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Siết bất động sản có phải là “bóp nghẹt”?

Có nên siết thị trường bất động sản, nếu siết thì nên siết theo hướng nào là vấn đề được thị trường quan tâm hiện nay.

Mới đây, khi trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – nhận xét, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định.

Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế cho rằng cần tăng cường quản lý, giám sát một số lĩnh vực, trong đó có thị trường bất động sản.

Ảnh minh hoạ

Trao đổi với Dân trí bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – cho rằng, đề xuất nêu trên của Ủy ban Kinh tế trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Bởi thị trường bất động sản thời gian qua lộ rõ một số bất cập.

“Chịu tác động của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, trong đó mua bán bất động sản lại rầm rộ. Do vậy việc quan tâm, tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ bất động sản để điều chỉnh lại một cách lành mạnh là vấn đề cực kỳ quan trọng”, ông Hòa nêu quan điểm.

Theo phân tích của ông, mặc dù mua bán được sự đồng thuận của mỗi người tham gia, song giá cả phải ở mức vừa phải, hợp lý, chứ không phải giá như “cơn sốt” vừa qua. Tuy nhiên, đại biểu này cũng lưu ý rằng đề xuất của Ủy ban Kinh tế không phải là “siết chặt” mà là quản lý thị trường bất động sản đúng theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, ước tính hàng năm, bất động sản đóng góp gần 8% GDP. Khi ngành bất động sản tăng trưởng không chỉ có lợi cho chính nó mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới nền kinh tế quốc gia. Bên cạnh tạo công ăn việc làm cho lực lượng lớn lao động, thị trường bất động sản cũng liên quan mật thiết với việc phát triển nhà ở và quá trình đô thị hóa.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thị trường bất động sản Việt Nam có sự phát triển chưa tương xứng với nhu cầu cũng như quy mô của nền kinh tế. Nguồn cung các công trình công cộng, nhà ở, bất động sản thương mại… vẫn còn hạn chế.

Thiếu hụt nguồn cung, giá chung cư Hà Nội liên tục tăng

Nguồn cung sụt giảm không có điểm dừng khiến giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng nhanh và dự báo sẽ tiếp tục tịnh tiến trong nửa cuối năm 2022.

Trong những tháng đầu năm, căn hộ chung cư tại Hà Nội ở các phân khúc và vị trí đều thiết lập mặt bằng giá mới. Nếu như cách đây 2 năm, căn hộ khu vực trung tâm Cầu Giấy, Thanh Xuân… được chào bán ở khoảng 30-40 triệu/m2 thì đến nay mặt bằng giá đã tăng lên tới 45-60 triệu/m2.

Ảnh minh hoạ

Đáng chú ý, Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh… là những khu vực còn nhiều quỹ đất hơn nhưng cũng đang có xu hướng tăng giá nhà ở lên mức tiệm cận với vùng trung tâm. Cụ thể, giá căn hộ trước đây từ 18-20 triệu/m2 thì nay đã đạt mức trên 30 triệu/m2.

Theo khảo sát tại một số dự án, chung cư The Nine (số 9 Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy) đã được điều chỉnh tăng giá 2 lần kể từ đầu năm, mức chênh lệch so với thời điểm trước Tết Nguyên Đán là 5-6%. Tương tự, dự án chung cư mới bàn giao The Park Home (Thành Thái, Cầu Giấy) cũng tăng giá khoảng 5%.

Tại Long Biên, căn hộ Phương Đông Green Home ghi nhận mức tăng 2% ngay trong quý đầu năm 2022, giá bán hiện tại từ 33 triệu đồng/m2. Ngay gần đó, dự án Rose Town (Ngọc Hồi, Hoàng Mai) từng được chủ đầu tư chào bán từ 1,8-2,4 tỷ/căn thì nay đã tăng lên mức 2,2-3,2 tỷ đồng/căn.

Ở khu vực quận Hà Đông, thị trường thứ cấp “tăng nhiệt” đáng kể khi nhiều căn hộ chuyển nhượng tại Dương Nội, La Khê, Vạn Phúc tăng giá tới vài trăm triệu đồng chỉ trong thời gian ngắn. Mặt bằng giá tại khu vực này đã đạt trung bình 33 triệu/m2.

Theo quy luật thị trường, chung cư tăng giá là hệ quả tất yếu của tình trạng mất cân bằng cung cầu.

Nghệ An: Đất đấu giá bị bỏ cọc, người có tiền lao đao sau cơn sốt

Sau những ngày nổi sóng, gần đây, nhiều phiên đấu giá đất ở Nghệ An bị nhà đầu tư bỏ cọc, giá đất nền giảm nhiệt, nhiều nhà đầu tư lỡ ‘ôm’ đất theo cơn sốt rơi vào cảnh lao đao

Sau thời gian đất nền “sốt”, thời điểm này thị trường bất động sản ở địa bàn Nghệ An đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều giao dịch đã bị “bỏ cọc”, một số phiên đấu giá đất có ít người tham gia.

Quyết định của UBND huyện Diễn Châu về việc “Hủy bỏ kết quả trúng đấu giá đất và thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền đặt cọc của khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất các lô đất tại vùng quy hoạch dân cư các xã: Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ”.

Thông tin từ UBND huyện Diễn Châu cho biết, huyện vừa có quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá đất và thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền đặt cọc của khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất các lô đất tại vùng quy hoạch dân cư các xã: Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ.

Theo đó có 73 lô đất với tổng diện tích 13.418,74 m2 gồm các xã Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ có cá nhân trúng đấu giá đất nhưng đã bỏ cọc với số tiền trên 15 tỷ đồng.

Hiện UBND huyện Diễn Châu đã giao cho Phòng Tài chính – Kế hoạch phối hợp cùng Chi cục Thuế khu vực Bắc Nghệ An II để xử lý số tiền trên theo quy định pháp luật. Theo đó, số tiền trên sẽ được thu nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định.

Theo tìm hiểu được biết, thời điểm diễn ra đấu giá đất ở các xã trên thu hút lượng người tham gia đông, đất đấu giá tăng cao so với giá đất bình thường tại địa phương.

Tuy nhiên, nguyên nhân khiến nhiều người bỏ cọc là sau thời gian “sốt” đất, hiện nay thị trường đất đang lắng xuống, giá giảm, trong khi một số nhà đầu tư không vay được tiền từ ngân hàng để giao dịch…

Nhà đầu tư Quảng Nam nộp cọc tiền tỷ để đấu giá đất rồi ‘tháo chạy’

Sau khi nộp hàng tỷ đồng tiền đặt cọc để đấu giá 3 lô đất tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), nhà đầu tư đã đấu giá cao gấp 2-3 lần so với giá khởi điểm rồi bỏ cọc khiến chính quyền địa phương phải hủy kết quả trúng đấu giá.

UBND thị xã Điện Bàn vừa ra quyết định về việc hủy bỏ quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với các thửa đất tại khối phố Ngọc Tam, phường Điện An do cá nhân ông V.Nh.Th. (ngụ phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) trúng đấu giá trước đó.

Theo đó, lý do hủy quyết định trúng đấu giá là vì ông Th chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Cụ thể, thửa đất 1564 có diện tích 167,9 m2, ông Th trúng đấu giá 4,859 tỷ đồng; thửa đất 1565, diện tích 170,5 m2, ông Th. trúng đấu giá 4,985 tỷ đồng; thửa đất 1566, diện tích 172,9 m2, ông Th trúng đấu giá 4,599 tỷ đồng.

Sau khi trúng 3 lô đất tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) với tổng giá trị hơn 14 tỷ đồng, gần gấp đôi giá khởi điểm, một nhà đầu tư đã bỏ cọc, khiến chính quyền địa phương phải ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất của 3 lô đất vừa nêu. (Ảnh minh họa)

Trước đó, vào tháng 11/2021, Công ty Đấu giá Hợp danh Miền Trung phối hợp Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Điện Bàn – đại diện làm chủ đầu tư đã thông báo việc đấu giá tài sản là 4 lô đất, trong đó có ba lô đất (1564, 1565, 1566) vừa nêu với giá gần 2,6 tỷ đồng/lô. Để tham gia đấu giá, các nhà đầu tư phải đặt cọc ba thửa đất lần lượt là 503 triệu đồng, 511 triệu đồng và 518 triệu đồng.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên có trường hợp trúng đấu giá cao rồi bỏ cọc xảy ra tại khu vực thị xã Điện Bàn. Bởi hồi tháng 11/2021, UBND thị xã này cũng từng ra 11 quyết định về việc hủy kết quả trúng đấu giá của một nhà đầu tư ở Đà Nẵng đối với 11 lô đất có diện tích từ 118 -134m2, có giá khởi điểm là 5,3 tỷ đồng, tiền đặt cọc là 975 triệu đồng tại khu Lô Tháp tại thôn Lạc Thành Nam, xã Điện Hồng.

Tại phiên đấu giá, nhà đầu tư trúng đấu giá ở mức 13 tỷ đồng, trong đó có nhiều lô đất trúng đấu giá cao gấp đôi so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền đặt cọc, nhà đầu tư trên lại chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

Theo Bùi Hằng/Kinh tế Môi trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/diem-tin-bat-dong-san-noi-bat-trong-ngay-16-67710.html