QC 1
Thứ 2, ngày 06/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Điện mặt trời mái nhà ‘bán’ giá 0 đồng: ‘Đi ngược nguyên tắc thị trường’

Chuyên gia cho rằng, việc giữ nguyên đề xuất phát điện mặt trời mái nhà dư thừa lên lưới chỉ có giá 0 đồng không thể thu hút người dân, doanh nghiệp chấp nhận bỏ vốn đầu tư.

Đi ngược nguyên tắc thị trường

Dự thảo Nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến đề xuất, loại hình điện này có thể đấu nối hoặc không đấu nối với điện lưới quốc gia và không bán cho tổ chức, cá nhân khác.

Với trường hợp loại hình này đấu nối với lưới điện quốc gia, người dân chọn phát điện dư thừa vào hệ thống sẽ được Nhà nước ghi nhận sản lượng nhưng không thanh toán. 

Tức là, người dân có thể bán điện dư thừa với giá 0 đồng.

Với đề xuất này, Bộ Công Thương vẫn lựa chọn giữ nguyên so với bản thảo đưa ra hồi cuối năm ngoái và điều này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Hầu hết, các ý kiến cho rằng, đây là một chính sách vô lý, gây lãng phí rất lớn tiềm năng phát triển điện mặt trời áp mái; người dân có thể phải bỏ một số tiền lớn để đầu tư vào hệ thống điện mặt trời áp mái, nhưng lại không có lợi nhuận trở lại. Như vậy, không có lý do gì để ngành điện giữ lại đề xuất này, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu và phải đi mua điện từ nước ngoài.

Trao đổi với VietnamFinance – TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà nhưng không được bán cho cá nhân, tổ chức khác hoặc bán lên lưới với giá “0” đồng như dự thảo ban đầu và vẫn giữ nguyên ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương là không công bằng và đi ngược nguyên tắc thị trường.

“Nếu vẫn tồn tại cơ chế xin – cho độc quyền mua điện rồi bán điện thì có thể trục lợi từ những chính sách phi thị trường, phi cạnh tranh lành mạnh”, ông Việt cho hay.

Theo đó, chính sách này không thể thu hút người dân cũng như doanh nghiệp  chấp nhận bỏ vốn đầu tư. Bên cạnh đó, việc không thể bán điện dư thừa hoặc khấu trừ vào tổng sản lượng sử dụng dẫn đến không hiệu quả tổng thể khi đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, nhất là tại khu vực có chênh lệch lớn về hiệu suất điện mặt trời theo thời điểm như ở miền Bắc.

Hiện tại, các hệ thống điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc chỉ khoảng 6%, Hà Nội chưa tới 0,4%. Công suất chủ yếu tập trung ở miền Nam, Trung (chiếm gần 90%). Trong đó, tỷ lệ lắp trên mái nhà ở riêng lẻ, công trình dân dụng chỉ 17%.

Càng đáng quan ngại hơn khi các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu đòi hỏi sử dụng năng lượng sạch với tỷ lệ nhất định; trong khi nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng, năng lực tự đầu tư, vận hành hệ thống năng lượng mặt trời, thực tiễn đòi hỏi cần có đối tác trung gian thực hiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

“Dự thảo Nghị định hiện không hình thành thị trường mua – bán, đầu tư trong việc lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp mặc dù nhu cầu hiện hữu cũng như hệ sinh thái mua-bán này thực tế đã hình thành, đặc biệt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp”, ông Việt cho biết.

Bên cạnh đó, việc chỉ giới hạn công suất không vượt quá 2.600 MW đến năm 2030, Bộ Công Thương giải thích, nguồn điện mặt trời mái nhà phụ thuộc vào bức xạ mặt trời, yếu tố thời tiết luôn bất định. Trường hợp không có bức xạ mặt trời, các đơn vị sử dụng điện buộc phải tiếp nhận nguồn điện từ lưới điện quốc gia, dẫn tới sự thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống điện. Do vậy, điều này giúp đảm bảo sự cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu điện trong tương lai, đồng thời giúp quản lý và kiểm soát hiệu quả nguồn điện tái tạo.

Cũng theo ông Việt, công nghệ hiện nay đã phát triển đủ để kiểm soát và có thể đặt giới hạn cho việc phát và bán điện lên lưới theo những luật chơi công bằng của cơ chế thị trường. Dần dần, khi hệ thống chuyển tải điện đã được đầu tư mở rộng đủ đáp ứng nhu cầu thì cần nới rộng các giới hạn dựa trên cung-cầu của thị trường.

Chuyển đổi nhanh qua giá điện 2 thành phần

Để phát triển mô hình năng lượng mặt trời mái nhà cũng như khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời, ông Việt đề xuất ngành điện nên học hỏi kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới.

Cụ thể, đầu tiên, cho phép các hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà được phép khấu trừ sản lượng tiêu thụ trong chu kỳ thanh toán như kiểu tín dụng, tính giá điện mặt trời bằng 1 tỷ lệ nhất định so với giá mua lại từ lưới điện.

Thứ hai, cho phép thị trường mua-bán trực tiếp giữa các chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà để phù hợp với tính cung-cầu thị trường. Tạo điều kiện để các chủ đầu tư khu công nghiệp, các quỹ trung gian, các đơn vị cung cấp giải pháp và lắp đặt, cùng doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu tiếp cận nguồn năng lượng sạch với chi phí hợp lý, góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.

Đồng quan điểm, ông Phan Công Tiến, chuyên gia nghiên cứu về thị trường năng lượng tái tạo cho rằng, muốn có cơ chế cân bằng, cần chuyển đổi nhanh qua giá điện 2 thành phần và cho phép mở rộng kinh doanh điện ở khâu dùng điện cuối. Khi đó tách rõ giá điện dịch vụ phụ trợ, và giá điện lưới phân phối và bán lẻ.

Như vậy, giá điện cuối cùng khách hàng trả sẽ gồm 2 giá, giá cố định và giá biến đổi (trong giá biến đổi có dịch vụ phụ trợ hay còn gọi dịch vụ cân bằng), giá cố định này thường chính là giá truyền tải, giá phân phối và giá điện công suất nguồn của các nhà máy truyền thống nằm chờ không phát.

Trong đó, phần giá biến đổi là giá nhiên liệu phát điện, giá điện năng lượng tái tạo, giá dịch vụ cân bằng. Khách hàng luôn phải trả chi phí cố định cho điện lực để bảo toàn hệ thống hạ tầng và nguồn điện dự phòng khi không có năng lượng tái tạo. Phần còn lại, người sử dụng điện tự do lựa chọn, có thể mua điện hoặc tự phát điện.

Hiện cả Bộ Công Thương lẫn EVN cũng đã và đang xây dựng cơ chế giá điện 2 thành phần (gồm giá công suất và giá điện năng cho các nhóm khách hàng khi điều kiện kỹ thuật cho phép). Đây sẽ là cơ sở đảm bảo việc đầu tư hạ tầng truyền tải điện đáp ứng được sự hình thành thị trường bán điện trực tiếp.

Theo Thư Kỳ/Vietnam Finance