QC 1
Thứ 3, ngày 07/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Điều đặc biệt trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất mà các đời tổng thống Mỹ đều có chuyến thăm chính thức.

Cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chuyến thăm Việt Nam tới đây của Tổng thống Biden ghi nhận dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam và Mỹ, kỷ niệm 10 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (25/7/2013 – 25/7/2023).

Ngày 25/7/2013, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ đối tác toàn diện. Thỏa thuận này liệt kê các lĩnh vực hợp tác: chính trị và ngoại giao quan hệ thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và sức khỏe, các vấn đề di sản chiến tranh, quốc phòng và an ninh, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, văn hóa, thể thao và du lịch.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các nguyên tắc trong quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Trong cuộc điện đàm cấp cao ngày 29/3 năm nay của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden, hai nhà Lãnh đạo bày tỏ vui mừng có dịp trao đổi trong dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, đánh giá cao sự phát triển tích cực, toàn diện của quan hệ hai nước thời gian qua và nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì lợi ích của hai nước, hòa bình, hợp tác và phát triển, đề nghị giao các cơ quan chức năng của hai bên trao đổi các nội hàm cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới.

Cũng trong cuộc điện đàm ngày 29/3 năm nay với Tổng thống Biden, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị hai bên tiếp tục mở rộng và đưa hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ là trọng tâm và động lực cho quan hệ, thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc phòng-an ninh, coi trọng việc thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững, hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực mới như logistics, kinh tế số, chuyển đổi xanh, y tế. Đồng thời, hai bên đẩy mạnh hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh, gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, trao đổi thông tin, phòng, chống tội phạm và các lĩnh vực khác.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng, ủng hộ một Việt Nam “độc lập, tự cường và thịnh vượng”, tái khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của Việt Nam, nhất trí rằng sự tôn trọng là một nền tảng quan trọng của quan hệ hai nước.

 Kỳ vọng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội

Chuyến thăm mở ra nhiều triển vọng cho quan hệ 2 nước

Sau 28 năm kể từ khi chính thức xác lập quan hệ ngoại giao và tròn 10 năm kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, hai nước đã đạt được những bước phát triển toàn diện, thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Tính từ năm 1995, khi hai nước bình thường hóa quan hệ, thương mại song phương đã tăng hơn 300 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức gần 140 tỷ USD vào năm 2022. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ và là quốc gia thành viên ASEAN xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ.

Qua 10 năm, kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 5 lần, từ 25 tỷ USD năm 2012 lên gần 139 tỷ USD vào năm 2022. Mỹ trở thành thị trường duy nhất và đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD trong xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam đã vươn lên vị trí đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ.

Mỗi năm có từ 23.000 – 25.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ. Khách du lịch Mỹ duy trì ở tốp 5 về số lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đạt trung bình 800.000 lượt/năm trước đại dịch.

Các học giả trong và ngoài nước nhận định, với chuyến thăm này của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển kinh tế cho Việt Nam.

Trong số những vấn đề này, vấn đề kinh tế là quan trọng nhất. Hoa Kỳ tìm cách tăng cường kết nối kinh tế với Việt Nam. Việt Nam cũng có phần trong mối liên hệ đó. Từ lịch sử và từ các nghiên cứu cho thấy, các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ cũng có xu hướng gắn kết các quốc gia lại với nhau theo những cách khác. Việc tăng cường quan hệ kinh tế là vì lợi ích quốc gia của cả hai nước.

Bên cạnh đó, hai nước sẽ tập trung thúc đẩy tăng trưởng tập trung vào công nghệ và đổi mới, mở rộng quan hệ giữa nhân dân hai nước thông qua trao đổi giáo dục và các chương trình phát triển lực lượng lao động, chống biến đổi khí hậu, tăng cường hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực.

Theo Vũ Ninh/Tạp chí Việt Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/quan-he-viet-my/doi-tac-toan-dien/dieu-dac-biet-trong-chuyen-tham-viet-nam-cua-tong-thong-my-joe-biden-490418