QC 1
Thứ 2, ngày 13/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Doanh nhân Nguyễn Dạ Quyên: “Quản trị nhân sự là một việc không dễ”

Nguyễn Dạ Quyên cho rằng, “công việc chiếm hơn mười giờ mỗi ngày, công ty gần như là gia đình thứ hai của mỗi người, nên cũng rất cần những hoạt động ngoài công việc để tăng thêm giá trị cho nhau, cùng giúp nhau phát triển”.

“Nhân viên hạnh phúc thì mới làm việc tốt”

Doanh nhân Nguyễn Dạ Quyên hiện là Giám đốc Công ty tư vấn quản trị cung ứng CEL Consulting. Chị cho biết tâm lý phụ nữ quan trọng hơn so với nam giới vì phụ nữ dễ nhạy cảm cảm và nhiều áp lực cuộc sống.

Đặc biệt, với phụ nữ hiện đại áp lực còn đến từ nhiều phía. Nhiều phụ nữ luôn khổ sở vì cảm thấy mình chưa hoàn thành việc trong nhà mà ra xã hội mình cũng không bằng ai. Với sự lên ngôi của mạng xã hội, sự khổ sở của phụ nữ càng nặng nề thêm. Không ít trong số họ cảm giác buồn bã, thất vọng khi trông thấy cuộc sống lộng lẫy, thành công, nhàn nhã của người khác thể hiện trên Facebook.

 

Doanh nhân Nguyễn Dạ Quyên – Giám đốc Công ty tư vấn quản trị cung ứng CEL Consulting

Đó có lẽ là lý do vì sao nhiều phụ nữ cảm thấy khó khăn trên con đường tìm kiếm hạnh phúc. Chúng ta phải hiểu rằng ai cũng có những giá trị nhất định trong cuộc đời này. “Còn trong công việc thì ngày hôm nay chúng ta làm tốt hơn hôm qua đã là thành quả đáng ghi nhận rồi”, nữ doanh nhân chia sẻ.

Nguyễn Dạ Quyên khẳng định: “Với nhân viên hay cộng sự nữ trong công ty, tôi đều khuyến khích đọc hai cuốn sách nhỏ tựa đề The Book of Woman (tạm dịch “Cuốn sách về Phụ nữ”) của tác giả Osho và The Four Agreements (tạm dịch là “Bốn hiệp định”) của Don Miguel Ruiz. Hai cuốn sách này có những cách nhìn đơn giản mà khác biệt, cho phụ nữ cách sống nhẹ nhàng, tự do và hạnh phúc hơn. Chẳng hạn như lời nói có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến tâm trạng, tinh thần của người khác. Vì vậy, nếu không nói được lời tử tế thì chúng ta nên im lặng để không làm tổn thương người khác. Phụ nữ cũng tránh thói quen suy diễn quá mức, tự biến mình trở thành nguyên nhân khiến người khác thất vọng, từ đó họ trở nên khủng hoảng, tự ti…”

Lý do chị chia sẻ hơn với phụ nữ vì “họ cũng là phụ nữ như tôi và họ hạnh phúc thì mới làm việc tốt”. Quản trị nhân sự là một việc không dễ, và có lẽ là thách thức luôn mãi tồn tại trong công việc quản trị, vì con người là những cá thể khác nhau, chẳng ai giống ai. Công việc chiếm hơn mười giờ mỗi ngày, công ty gần như là gia đình thứ hai của mỗi người, nên cũng rất cần những hoạt động ngoài công việc để tăng thêm giá trị cho nhau, cùng giúp nhau phát triển.

Quản trị cung ứng

Quản trị cung ứng là một lĩnh vực mới mẻ, dù đã có mặt ở Việt Nam từ mười năm nay nhưng vẫn còn gặp nhiều thách thức. Đa phần các doanh nghiệp đều biết quản trị cung ứng là cần thiết, nhưng lại chưa đề cao tính cấp bách và tầm quan trọng. Họ chỉ xem chuỗi cung ứng là một bộ phận đi sau kinh doanh – tiếp thị, trong khi đó là một chiến lược cạnh tranh và quyết định “sống còn” trên thị trường hiện nay.

Thực tế cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp đối với việc quản trị cung ứng thường hời hợt, chạy theo phong trào là chủ yếu. Đây chính là lý do khiến công ty của chị thường xuyên tổ chức hội thảo với mục tiêu xây dựng nhận thức về quản trị cung ứng cho thị trường chỉ bên cạnh việc kết nối và chia sẻ.

Dạ Quyên tiết lộ: “trong thời gian gần đây, chúng tôi cũng cẩn trọng hơn trong việc quyết định tổ chức các sự kiện hội thảo vì có một thực tế là lượng rác thải từ các sự kiện thương mại góp phần khoảng 15% rác thải rắn, chưa kể đến việc góp phần tăng lượng tiêu thụ năng lượng hay thải thêm CO2 từ việc giao thông đi lại tham dự sự kiện.

Có một câu nói khá phổ biến hiện nay là “Be a part of solution, not pollution”, nếu có thể làm gì tốt hơn cho cuộc sống này thì làm, chứ đừng làm cho môi trường sống tệ hại thêm. Người ta ước tính mỗi năm, chúng ta đang “vay mượn” gần gấp đôi phần tài nguyên để dành cho tương lai. Tài nguyên thì hữu hạn, nếu chúng ta không biết cách chung tay tái tạo tài nguyên bằng những cách rất đơn giản như hạn chế xe máy trong thành phố, trồng cây… thì e rằng tài nguyên sẽ cạn kiệt rất nhanh và không cứu vãn nổi, đặc biệt cho thế hệ tương lai”.

Hãy “quý trọng nông nghiệp”

Đất nước chúng ta đã phát triển rất nhanh trong mười năm trở lại đây, đây là thực tế đáng mừng, nhưng cũng đáng lo. Sự phát triển quá nhanh khiến chúng ta “bỏ quên” môi trường và không còn biết quý trọng nông nghiệp. Cùng với xu hướng đô thị hóa, Việt Nam đang tiến dần đến cuộc sống công nghiệp – thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẽ ngày càng nhiều hơn trên thị trường, thực phẩm tươi sống ngày càng thu hẹp và tăng giá.

Chưa kể đến, việc “rất tiện lợi bây giờ” trong việc đóng gói bao bì thực phẩm, sản phẩm ăn uống đa phần bằng nhựa thực tế là sẽ rất “bất tiện” trong tương lai vì có quá nhiều rác thải nhựa mà phải mất vài trăm năm mới tiêu hủy được.

Theo số liệu từ Tổ chức Ô nhiễm Nhựa, trung bình một ngày, lượng nhựa thải ra tại Nhật gấp 5 lần ở Việt Nam, nhưng tại Nhật, 100% rác từ nhựa được kiểm soát, phân loại, xử lý, tái chế, trong khi ở Việt Nam, khoảng 86% rác nhựa chưa được kiểm soát, xử lý, tái chế. Có lẽ đó là nguyên do vì sao Việt Nam vẫn trong nhóm năm quốc gia thải nhựa vào đại dương nhiều nhất trên thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Indonesia. Trong khi các bạn trẻ thì xa rời vùng nông thôn vì việc trồng trọt, chăn nuôi cũng không được xem trọng nữa…

Vì vậy, “dù đất nước phát triển đến đâu thì nông nghiệp vẫn luôn cần thiết cho một quốc gia. Dù không trực tiếp làm nông, thanh niên trẻ em cũng cần được dạy là phải yêu quý đồng ruộng, yêu quý nguồn thực phẩm tươi sống chúng ta được ăn hằng ngày”, nữ doanh nhân nhấn mạnh.

Dạ Quyên khẳng định: “hiện nay, chúng ta đang lãng phí khoảng một phần ba lượng thực phẩm, trong khi ngày ngày ở một nơi khác đang có hàng ngàn người chết vì đói”. Việc lãng phí, thất thoát thực phẩm xảy ra ở rất nhiều khâu từ sản xuất, chế biến, vận chuyển, đóng gói, bán lẻ, tiêu dùng…

Việc lãng phí thức ăn không chỉ do nhà sản xuất mà cả từ ý thức người tiêu dùng hay đơn giản là kiến thức bảo quản thực phẩm của người tiêu dùng còn thấp. Do thất thoát lớn, giá trị mà người nông dân nhận được khá thấp. Nếu giảm được thất thoát, nông dân sẽ có niềm tin với sản xuất và đời sống của họ sẽ được cải thiện.

So với các nước phát triển, tỷ lệ lãng phí thực phẩm ở Việt Nam vẫn ở mức thấp, vì ta chủ yếu dùng đồ tươi sống. Tuy nhiên, cùng với xu hướng đô thị hóa, Việt Nam đang tiến dần đến cuộc sống công nghiệp – thực phẩm đóng hộp sẽ ngày càng nhiều hơn trên thị trường, thực phẩm tươi sống ngày càng thu hẹp và tăng giá.

“Tương lai này, chúng ta có thể thấy ở Philippines – quốc gia trồng được những giống xoài rất ngon, nhưng lại ít người được sử dụng những trái xoài tươi, giá đắt đỏ. Việt Nam có muốn rơi vào hoàn cảnh khan hiếm thực phẩm tươi sống như Philippines hay không, điều đó phụ thuộc vào những hành động của chúng ta ngay lúc này”, nữ doanh nhân nhắn nhủ tầm quan trọng của nông nghiệp tới mọi người.

Theo Nguyễn Sinh/TBCKVN