QC 1
Thứ 7, ngày 27/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Đồng Nai: Duyệt Nhiệm vụ quy hoạch Phân khu 6.2 thuộc đô thị mới Nhơn Trạch

UBND tỉnh Đồng Nai vừa quyết phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Phân khu 6.2 theo điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050…

Theo đó, khu vực quy hoạch Phân khu 6.2 có diện tích 4.718,4 ha nằm trong dải sinh thái ven sông Nhà Bè và sông Lòng Tàu, thuộc địa giới hành chính các xã Phước Khánh, Vĩnh Thanh, Phước An.

Phân khu có phía Đông giáp xã Phước An, Phân khu 8; phía Tây giáp sông Nhà Bè, xã Phú Đông; phía Nam giáp sông Nhà Bè; phía Bắc giáp xã Vĩnh Thanh, Phân khu 2.

Phân khu này có tính chất là khu công nghiệp, cụm cảng và hậu cần cảng dọc sông Nhà Bè; và là vùng sinh thái nông nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trông thủy sản, du lịch sinh thái, hành lang thoát nước tự nhiên.

Các nguyên tắc phát triển cơ bản tại Phân khu 6.2 phải tuân thủ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Nhơn Trạch như:

Hệ thống cảng đọc sông Nhà Bè xây dựng tập trung thành từng cụm cảng quy mô lớn gắn với các hoạt động sản xuất hay dịch vụ hậu cần cảng từ tuyến đường Liên Cảng ra mép nước; Không xây dựng cầu cảng bám liên tục dọc mép sông, khuyến khích xây dựng cảng đào liên kết với các khu hậu cần cảng; Duy trì vùng sinh thái nông nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, giải trí…

Phát triển cảng và dịch vụ hậu cần cảng dọc sông Nhà Bè lưu ý: Không được che chắn dòng chảy và hành lang thoát lũ ven và tại các cửa sông, suối, kênh và rạch. Kiểm soát mật độ xây dựng, hạn chế thay đổi địa hình tự nhiên và lấp sông, kênh rạch tại khu vực này, không phát triển các khu dân cư mới.

Cho phép phát triển các khu du lịch sinh thái mật độ thấp (< 05%); khuyến khích phát triển mô hình trang trại nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản,… Với khu vực lưu trú trong khu du lịch (loại hình nhà vườn, biệt thự có sân vườn,…), chỉ tiêu diện tích sàn 15 – 24 m2/người, mật độ xây dựng từ 40 – 50%, tầng cao xây dựng < 02 tầng.

Trước đó, cũng tại Đồng Nai, ngày 23/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Quốc Hùng đã làm việc với các sở ngành, địa phương về việc xây dựng bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024.
Theo báo cáo, đến ngày 1/7/2019, đơn vị tư vấn đã hoàn thành công tác điều tra giá đất thị trường và các thông tin liên quan tại cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh.
Qua tổng hợp thông tin điều tra thị trường, giá đất giao dịch trên thị trường có biến động rất lớn so với giá trong bảng giá đất, mức tăng phổ biến từ 4 – 8 lần. Những địa bàn có giá đất biến động nhiều là các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và 2 thành phố: Biên Hòa, Long Khánh.
Vấn đề được các sở ngành, địa phương kiến nghị nhiều là không thể xây dựng giá đất mới theo giá thị trường vì sẽ ảnh hưởng nhiều đến người dân khi chuyển mục đích sử dụng đất, đóng thuế đất, thuê đất… Giá đất khu vực giáp ranh các tỉnh phải xấp xỉ bằng nhau để tránh người dân kiện tụng. Bỏ quy định áp giá theo kết cấu đường đất, đường nhựa đối với đất vị trí 2, 3, 4. Bổ sung thêm bảng giá đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất đảo…
Cũng tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xây dựng bảng giá đất và bảng giá mới không được thấp hơn hệ số của năm 2019. Bảng giá đất mới phải đảm bảo bao quát tất cả những phát sinh trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn phải tham khảo giá đất của các tỉnh lân cận để tính toán cho phù hợp và lường trước những tác động vào phát triển kinh tế – xã hội để không ảnh hưởng đến thu hút đầu tư; xây dựng bảng giá đất 3 loại rừng vì gần đây có một số doanh nghiệp thuê đất rừng làm du lịch.

Theo Văn Thắng/Thời Báo Chứng Khoán