QC 1
Thứ 4, ngày 01/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Đưa nhà ở xã hội về đúng bản chất

Sáng 19/6, tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)…

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, đoàn Lâm Đồng

Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cũng như cơ chế quản lý chung cư, tại nghị trường vấn đề về nhà ở xã hội được rất nhiều đại biểu quan tâm.

Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp

Phát biểu về quy định liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, đoàn Lâm Đồng cho rằng, chính sách về nhà ở xã hội là một trong 8 nhóm chính sách quan trọng lần sửa đổi luật lần này. Theo nghiên cứu, đại biểu thấy chính sách này trong dự thảo luật chưa thể hiện trúng, xử lý đúng vướng mắc trong thực tiễn.

Thứ nhất, chính sách và điều khoản trong dự thảo luật nhà ở dường như đang hướng tới mục tiêu cho người dân có quyền sở hữu nhà ở xã hội, thay vì bảo đảm cho người dân có quyền có chỗ ở hợp pháp.

Thực tế, người có thu nhập thấp, nhất là tại các đô thị chủ yếu là công nhân, người mới đi làm có thu nhập thấp hơn mức trung bình. “Nhà ở là tài sản quá lớn, quá sức với đại bộ phận người có thu nhập thấp, vì vậy việc mua, sở hữu một căn hộ, dù là nhà ở xã hội trả góp cũng là gánh nặng tài chính quá lớn”, ông Hiển nói.

Thứ hai, việc không tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý, vận hành nhà ở xã hội. Trong đó, quá chú trọng đến ưu đãi dành cho bên cung là nhà đầu tư hơn là bên cầu là những người có thu nhập thấp.

Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn, cụ thể cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở.

Với định hướng đó, nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên là chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân. 

Nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nước khác sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội.

“Nên chăng có quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội sẽ hợp lý, vì nhà giá rẻ có thể mua và cho thuê và bản chất là nhà thương mại, quan hệ xã hội thì chỉ nên để cho thuê. Có như vậy thì người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận, nhà ở xã hội”, ông Hiển nhấn mạnh

Cần quy định rõ ràng chính sách

Về ý kiến đề xuất phát triển nhà ở xã hội theo hướng chỉ để cho thuê, đại biểu Ngô Trung Thành, tỉnh Đắk Lắk cho rằng giải pháp này hợp lý, nhưng để thực hiện được thì nhà nước phải bỏ ra một nguồn lực rất lớn. Điều này vượt quá khả năng thực tế. Mặt khác, đối với nhà đầu tư thì việc bỏ tiền chẵn ra rồi thu tiền lẻ về thì cũng rất khó thu hút được đầu tư như tình trạng đã xẩy ra thời gian qua. 

Đại biểu Ngô Trung Thành, tỉnh Đắk Lắk Nhập chú thích ảnh

Đại biểu Ngô Trung Thành chỉ rõ, hiện nay đang có một nghịch lý là trong khi nhà ở xã hội có rất nhiều ưu đãi nhưng không phát triển được nhiều thì nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư mặc dù không có bất kỳ sự ưu đãi, hỗ trợ nào nhưng lại phát triển rất nhanh đã và đang bảo đảm cung ứng chỗ ở cho phần lớn người lao động.

Tuy nhiên, do chính sách, quy định của pháp luật hiện hành chưa quan tâm đến lĩnh vực loại hình nhà ở này nên dẫn đến các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê đều là tự phát, không được quản lý, không có quy định về tiêu chuẩn, điều kiện riêng phù hợp. Dẫn đến người thuê nhà vừa phải chịu những rủi ro về bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, vừa phải chịu những chi phí đắt đỏ hơn bình thường như các chi phí về điện, nước. 

Vì thế, đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng, để tạo điều kiện để mọi người dân đều có chỗ ở như quy định của Hiến pháp thì bên cạnh chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, nhà lưu trú cho công nhân thì trong sửa đổi Luật Nhà ở lần này cần quy định rõ ràng cụ thể chính sách phát triển nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để tương xứng với vai trò đóng góp của loại hình này trong bảo đảm chỗ ở cho người dân.

Đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị trong luật cần có mục riêng quy định về chính sách phát triển hình thức nhà ở này.

Trong đó, quy định rõ việc khuyến khích xây dựng điều kiện, tiêu chuẩn, chất lượng việc quản lý đối với nhà ở cho thuê; chính sách ưu đãi đối với hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê chính sách hỗ trợ đối với người thuê nhà nhất là về giá điện, nước để người lao động, người dân vừa bảo đảm được về chỗ ở, vừa góp phần giảm bớt các khó khăn, nâng cao đời sống cho người lao động và người dân.

Xác định rõ, thống nhất nội hàm nhà ở xã hội

Cũng tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao dự thảo Luật được trình tại Kỳ họp. Góp ý cụ thể về giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị bổ sung khái niệm căn hộ, bởi dự thảo mới chỉ giải thích khái niệm chung cư, trong chung cư có nhiều căn hộ nên phải giải thích khái niệm căn hộ là một đơn vị nhà ở đảm bảo diện tích tối thiểu và các điều kiện phục vụ sinh hoạt cơ bản cho cá nhân, hộ gia đình…

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, tỉnh Thái Nguyên

Tại khoản 7, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng hộ gia đình vào trong nhóm cá nhân và hộ gia đình. Bên cạnh đó, tại khoản 8, đại biểu đề nghị sửa lại khái niệm nhà ở xã hội là nhà ở dành cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nhà ở theo quy định pháp luật.

Tại Điều 6 về chính sách phát triển quản lý, sử dụng nhà ở và Điều 7 yêu cầu chung về phát triển quản lý sử dụng nhà ở, đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Văn Hiển, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2021-2025 đã nêu rõ, phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội. 

Do vậy, dự thảo luật cần làm rõ, sâu sắc hơn về nội dung chính sách cho từng loại hình đối tượng, đáp ứng yêu cầu chung phát triển kinh tế – xã hội, trong đó cần xác định rõ và đúng, thống nhất nội hàm nhà ở xã hội.

Đại biểu đề nghị mở rộng hơn khái niệm về nhà ở xã hội, cần tránh quan điểm bất thành văn nhà ở xã hội là nhà ở cho đối tượng loại 2, giá rẻ đi cùng với chất lượng kém, không đảm bảo các điều kiện sử dụng cho người dân cũng như đã tồn tại ở một số dự án thời gian qua, nhất là vấn đề nhà ở tái định cư gây bức xúc trong dư luận. 

Theo đại biểu, quyền có chỗ ở an toàn tốt hơn luôn là nhu cầu chính đáng của mọi tầng lớp trong xã hội. Do đó, nên chăng đưa khái niệm nhà giá thấp thay cho nhà giá rẻ trong tiếp cận, xây dựng chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở, cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.

Trong đó, Nhà nước sử dụng các công cụ thuế, tín dụng, hỗ trợ đầu tư từ ngân sách, chính sách đất đai để bù vào giá trị cần đầu tư tăng thêm trên nguyên tắc kinh tế thị trường để giảm giá bán, giá thuê nhà cho các đối tượng chính sách và coi đây là nguồn vốn đầu tư cho an sinh xã hội.

Theo Phan Mỹ/Thương Gia

Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/dua-nha-o-xa-hoi-ve-dung-ban-chat-58369.htm