QC 1
Thứ 2, ngày 06/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hàng trăm nhà đầu tư tập trung đòi tiền Ngân hàng SCB và Công ty chứng khoán Tân Việt

Sáng ngày 14/10/2023, tại Hà Nội, hàng trăm nhà đầu tư trái phiếu Vạn Thịnh Phát đã căng băng rôn, khẩu hiệu đòi quyền lợi từ Ngân hàng SCB và Công ty Chứng khoán Tân Việt.

Hàng trăm nhà đầu tư đấu tranh đòi quyền lợi từ Ngân hàng SCB và chứng khoán Tân Việt (Ảnh: Nhà đầu tư cung cấp)

Theo ghi nhận, trong các sáng ngày 12 đến ngày 14/10/2023, đã có hàng trăm nhà đầu tư trái phiếu có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Tập đoàn An Đông đã căng băng rôn, khẩu hiệu đòi quyền lợi từ Ngân hàng SCB và Công ty Chứng khoán Tân Việt.

Nguyên nhân dẫn đến sự việc này là do nhiều nhà đầu tư họ bị “dụ dỗ” mua trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và một số công ty liên quan thông qua sự tư vấn, phát hành của Ngân hàng SCB và Công ty Chứng khoán Tân Việt.

Vụ việc kéo dài gây bức xúc cho người dân (Ảnh: Nhà đầu tư cung cấp) 

Báo Thanh niên dẫn nguồn tin từ Bộ Công an cho biết, từ năm 2018 – 2020, các bị can có liên quan tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và một số công ty liên quan đã tạo lập 25 gói trái phiếu trị giá hơn 30.000 tỉ đồng để bán cho 42.000 người mua, huy động tiền và chiếm đoạt.

Trong quá trình này, Công ty chứng khoán Tân Việt là nhà phát hành, lưu ký trái phiếu; SCB là bên môi giới bán trái phiếu cho người dân.

Vào cuối tháng 10.2022, sau khi vụ Vạn Thịnh Phát được cơ quan công an khởi tố điều tra, người dân đã đến rút tiền hàng loạt tại SCB. Chính vì thế Ngân hàng Nhà nước đã quyết định áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng SCB. (1)

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này!

Ngân hàng SCB được xác định là đơn vị môi giới trái phiếu còn Công ty Chứng khoán Tân Việt được xác định là đơn vị phát hành 
Bộ Công an đang điều tra làm rõ vụ việc này (Ảnh: Nhà đầu tư cung cấp)

Tháng 3/2023, ngân hàng SCB và Công ty Chứng khoán Tân Việt cũng bị một công dân khởi kiện vụ việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán trái phiếu”.

Theo đó, bà Phạm Đoan,cho rằng đã bị ngân hàng SCB  “dụ gửi tiền tiết kiệm linh hoạt” nhưng thực tế là lừa ký hợp đồng mua trái phiếu qua công ty chứng khoán, nên khởi kiện.

Bà Đoan cho biết, tháng 8/2022, như thường lệ, bà đến Ngân hàng SCB (phòng giao dịch trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh) để mua chứng chỉ tiền gửi, với mục đích để dành tiền lo cho con sắp vào đại học, tiền lãi mua quà bánh cho mẹ già.

Tuy nhiên, nhân viên thông báo không còn chứng chỉ tiền gửi và giới thiệu sản phẩm khác của SCB.

Nhân viên tư vấn rằng sản phẩm này giống chứng chỉ tiền gửi nhưng hay hơn, tiện lợi hơn, lãi suất cao hơn (8%), sau 31 ngày khách hàng có thể rút ra bất kỳ lúc nào và vẫn được nhận lãi.

Sản phẩm được rất nhiều người ưa chuộng, mua trong thời gian dài. Đồng thời, nhân viên còn đưa cho bà Đoan xem bảng liệt kê về lãi suất tương ứng với số tiền sẽ nhận được tại từng thời điểm.

Bà Đoan thấy giống với các chứng chỉ tiền gửi đã từng mua. Bà nói với nhân viên SCB đây là số tiền dành dụm, tích góp cả đời của mình và người mẹ đã gần 80 tuổi. “Chúng tôi rất khó khăn mới kiếm được số tiền này nên tôi chỉ muốn gửi một cách an toàn. Nhân viên nói tôi cứ an tâm mà không giải thích gì thêm”, bà Đoan trình bày trong đơn.

Đương sự này giải thích thêm, vì đã gắn bó với SCB trong thời gian dài và không am hiểu về thị trường tài chính nên tin tưởng, nghĩ sản phẩm được tư vấn có giá trị như chứng chỉ tiền gửi.

Theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, bà ký 4 hợp đồng với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng.

Nhân viên SCB sau đó làm thủ tục tất toán chuyển toàn bộ số tiền trong các sổ tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi của bà trước đó sang mua sản phẩm “tiết kiệm linh hoạt”.

Họ yêu cầu bà ký một số giấy tờ và hẹn 7-10 ngày sau nhận chứng từ. Sau khi nhận được hồ sơ, bà nhiều lần được ngân hàng nhắn tin thông báo về việc được thanh toán tiền lãi từ sản phẩm này.

Đến ngày 7/10/2022, bà Đoan thấy mạng xã hội đăng người dân xếp hàng tập trung tại trụ sở, chi nhánh và các phòng giao dịch của SCB rút tiền nên cũng hoang mang. Sau khi gặp nhân viên ngân hàng và hỏi về sản phẩm mình đã mua, bà mới biết đó không phải là chứng chỉ tiền gửi mà là trái phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông.

Đến lúc này, bà mới biết hợp đồng mình ký với ngân hàng là mua trái phiếu của Côngty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông qua Công ty Tân Việt.

Bà khẳng định bản thân không có ý định mua trái phiếu thông qua SCB và cũng không biết gì về trái phiếu, nên không có ý định giao dịch với Công ty Tân Việt hay An Đông.

Bà Đoan cho biết, về sau SCB có gửi thư ngỏ cho khách hàng với nội dung thời gian qua ngân hàng có hợp tác với một số công ty chứng khoán để giới thiệu khách hàng có nhu cầu mua, bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty chứng khoán.

Tuy nhiên, trên thực tế, SCB đã đưa ra những thông tin gian dối, gây nhầm lẫn để những người thiếu hiểu biết như bà tin tưởng mua trái phiếu trong khi cứ nghĩ mình đang gửi tiết kiệm.

Theo Quảng Dương/Tạp chí Việt Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/luat-my-luat-viet/hang-tram-nha-dau-tu-tap-trung-doi-tien-ngan-hang-scb-va-cong-ty-chung-khoan-tan-viet-490976.html