QC 1
Thứ 4, ngày 01/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Mạn đàm: Dòng tiền khối ngoại và TTCK 2022 – Vắng mợ thì chợ khó đông

Trong 2 năm qua, khối ngoại trên thị trường chứng khoán đã ghi nhận bán ròng hơn 4 tỷ USD. 

2739-zzz-chyng-123
Ảnh minh họa

Thời gian qua, các thành viên trên thị trường chứng khoán đã chứng kiến dấu ấn nổi bật của nhà đầu tư trong nước cả về số lượng lẫn chất lượng.

Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), chỉ riêng trong năm 2021, nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán – gấp rưỡi số tài khoản mở mới trong 4 năm từ 2017 – 2020 cộng lại. Lũy kế đến hết năm 2021, tổng số tài khoản chứng khoán lên tới 4,2 triệu tài khoản.

Ngược lại, xu hướng chủ đạo của khối ngoại là liên tiếp bán ròng. Trong 2 năm qua, khối ngoại bán ròng hơn 4 tỷ USD trên thị trường cổ phiếu.

Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Dương Ngọc Tuấn, Phó TGĐ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cùng ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc CTQL Quỹ SGI (SGI Capital) đã có những chia sẻ về câu chuyện dòng vốn ngoại và những giải pháp hút tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo ông Dương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), đối với thị trường chứng khoán năm 2021 là một năm bùng nổ, quy mô thanh khoản của thị trường cũng liên tục có sự tăng trưởng, ghi nhận mức kỷ lục trung bình trên 26.500 tỷ đồng/phiên. Những con số này đã nói lên sự thành công và sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán trong năm 2021 đối với các nhà đầu tư.

Năm 2021 cũng là một năm thu hút lượng nhà đầu tư mới vào thị trường. Sự tham gia năng động chủ yếu đến từ khối các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài xuất hiện hiện tượng rút vốn ra khỏi thị trường.

Tuy nhiên số lượng nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam thì không giảm so với những năm trước mà vẫn duy trì ở mức khá ổn định qua đó vẫn chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc CTQL Quỹ SGI (SGI Capital): “Sự thay đổi này đánh dấu một giai đoạn mới, thị trường chứng khoán thực sự trở thành một kênh đầu tư, một kênh tài sản, bên cạnh những kênh đầu tư truyền thống như gửi ngân hàng, kênh đầu tư bất động sản, những kênh mà trước đây đại đa số người Việt Nam hay để dành tiền của mình cho những kênh truyền thống như vậy.

Kinh tế Việt Nam phát triển đến giai đoạn thu nhập và những nhu cầu cơ bản và thiết yếu như thực phẩm, ăn mặc,… đã được đáp ứng; khi phát triển đến giai đoạn thu nhập bình quân tăng lên vượt qua 3.000 USD lên đến khoảng 5.000 USD thì nhu cầu về đầu tư tài chính, về làm giàu sẽ gia tăng rất nhanh, Việt Nam đang dần tiệm cận giai đoạn đó.

Hai năm vừa qua sự hỗ trợ của công nghệ mới đã kích hoạt một làn sóng tham gia đầu tư đông đảo vào thị trường chứng khoán. Đó là xu hướng mới, bắt đầu cho giai đoạn mới và chúng ta sẽ còn tiếp tục nhìn thấy sự tham gia vào thị trường chứng khoán của ngày càng nhiều hơn các nhà đầu tư trong nước vào các năm tới, khoảng 10 – 20% dân số sẽ có tài khoản chứng khoán như sự phát triển trước của Trung Quốc hay Thái Lan.

Những đất nước phát triển trước chúng ta hàng chục năm. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, cùng với sự phát triển của công nghệ hiện nay thì quá trình 10 – 20 năm đó sẽ rút ngắn lại, chỉ khoảng 5 – 10 năm.

Bày tỏ quan điểm khi một số ý kiến cho rằng, “Chỉ cần dòng tiền nội cũng đủ giúp thị trường phát triển”, ông Lê Chí Phúc nhấn mạnh: “Chắc chắn chúng ta sẽ cần cả hai dòng vốn nước ngoài cũng như trong nước để phát triển thị trường chứng khoán cũng như phát triển doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta cần những công nghệ mới, kinh nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ mang theo các chuẩn mực quốc tế ở mức cao đồng thời tiếp nối các dòng vốn, cũng như các hoạt động mang tính quản trị về chuyên môn, kết nối Việt Nam với toàn cầu một cách toàn diện hơn.

Sự đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài cũng có những tính chất dẫn dắt trong 20 năm qua đối với thị trường tài chính trong nước và trong nhiều năm tới vai trò đấy vẫn rất cần thiết. Với phần đông các nhà đầu tư ở Việt Nam thì kiến thức đối với kênh tài sản này còn tương đối hạn chế, dễ dẫn đến chuyện bị dẫn dắt vào những phần rủi ro trên thị trường chứng khoán.

Vì thế tôi nghĩ sự dẫn dắt của những nhà đầu tư nước ngoài và những nhà đầu tư tổ chức trong nước đối với dòng vốn kể cả trong nước lẫn nước ngoài đều đóng một vai trò vô cùng quan trọng”.

Theo Ba Lỗ/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/man-dam-dong-tien-khoi-ngoai-va-ttck-2022-vang-mo-thi-cho-kho-dong-109825.html