QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngân hàng Nhà nước chính thức cấp “room” tín dụng cho các ngân hàng

Một số ngân hàng thương mại đã nhận được thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022. Đây là thông tin tích cực không những đối với các ngân hàng mà cả doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước chính thức cấp “room” tín dụng cho các ngân hàng

Sau nhiều tháng chờ mong, cuối cùng thông tin về việc nới room tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng cũng đã có bước tiến mới. Một số ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức trên cơ sở xếp hạng và tình hình thực tiễn của thị trường.

Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, cơ quan điều hành đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.

Kết quả điều chỉnh room tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng được thực hiện dựa trên kết quả xếp hạng mới nhất theo quy định tại Thông tư 52 (ban hành năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước), tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2022 và diễn biến thị trường và định hướng từ đầu năm tại Chỉ thị 01.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng theo Thông tư 52 là nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ đồng thời khuyến khích các TCTD nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, an toàn hoạt động, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết ngay từ đầu năm 2022, để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5%, lạm phát bình quân khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng theo định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Trước đó, với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức 14%, có điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế trong, ngoài nước, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước phân bổ tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng ngân hàng trên 2 tiêu chí.

Đó là, kết quả xếp hạng từng ngân hàng theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018 gồm vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường.

Đồng thời, xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí ngân hàng tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng trong quá trình phân bổ, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng.

Những ngân hàng được ưu tiên nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng là những nhà băng tham gia xử lý những ngân hàng, quỹ tín dụng yếu kém, những ngân hàng giảm lãi suất cho vay khách hàng, có tỷ lệ an toàn vốn cao. Riêng những ngân hàng có tỷ lệ nợ cho vay thị trường 1 so với huy động cao là điểm trừ trong việc xét duyệt hạn mức tín dụng lần này.

Hiện Vietcombank, MB… đã có phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, đáp ứng điều kiện ưu tiên cấp hạn mức tín dụng. Sau khi nhận được quyết định nới thêm tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng dự kiến giải ngân ngay cho những hồ sơ đã làm thủ tục trước đó.

Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 tối ngày 6/9, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết kể từ đầu năm tới nay tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,91% – cao hơn nhiều so với cùng giai đoạn năm 2021. Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 ở mức 14%, qua đó đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, kiểm soát giá trị đồng tiền và ổn định kinh tế vĩ mô.

Một trong những yêu cầu cao nhất đặt ra là tránh việc lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Đây không chỉ là chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội mà còn là Nghị quyết của Trung ương bởi vì điều kiện quan trọng là tiếp tục ổn định kinh tế xã hội của đất nước. Chính vì thế, nhiệm vụ duy trì tỉ lệ lạm phát được đặt ra từ đầu năm là dưới 4% và mục tiêu đặt ra là từ 6-6,5%.

Ngân hàng Nhà nước cũng đặt ra mức 14% tùy điều kiện thực tế để thay đổi linh hoạt. Để thực hiện việc này, ngay từ đầu năm, trong điều kiện nền kinh tế không có những biến động, đặc biệt là giá cả xăng dầu, một số hàng hóa ảnh hưởng chung cả nước hiện nay thì 14% này có thể nói được tính toán tương đối đầy đủ.

Theo Hoàng Hà/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/ngan-hang-nha-nuoc-chinh-thuc-cap-room-tin-dung-cho-cac-ngan-hang-147494.html