QC 1
Thứ 6, ngày 03/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nhận định chứng khoán ngày 17/12: VN-Index có thể sẽ đi ngang và giằng co tích lũy

Chỉ số VN-Index giảm hơn 8 điểm khi kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (0,85%) về mức 952,04 điểm. Nguyên nhân đến từ diễn biến tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới cùng với áp lực chốt lời giâng cao tại thị trường trong nước. Trong phiên ngày mai, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh khi rủi ro ngắn hạn đang có chiều hướng gia tăng. Báo Điện tử Thời báo Chứng khoán Việt Nam xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch cho ngày 17/12/2018.

Lùi về kiểm tra vùng hỗ trợ 940 điểm (Công ty Chứng khoán Bảo Việt – BVSC)

Trong tuần tới, thị trường được dự báo sẽ có biến động trong biên độ hẹp quanh đường SMA20 trên khung thời gian tuần. Trong những phiên đầu tuần, thị trường có thể sẽ lùi về kiểm tra vùng hỗ trợ 940 điểm. Tại vùng hỗ trợ này, phản ứng hồi phục được kỳ vọng sẽ xảy ra giúp chỉ số tăng điểm trở lại.

Thị trường vẫn còn nằm trong xu hướng phục hồi

(CTCK Phú Hưng – PHS)

Thanh khoản suy giảm chứng tỏ dòng tiền bắt đáy vẫn chưa được kích hoạt, thị trường vẫn có thể chịu áp lực bán trong những phiên sắp tới, tuy nhiên việc khối ngoại mua ròng trở lại đã hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư.

Thị trường vẫn còn nằm trong xu hướng phục hồi, nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để tái cơ cấu danh mục.

Tăng điểm trở lại

(Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV – BSC)

Biến động phức tạp từ diễn biến thế giới vẫn cản trở dòng tiền quay lại thị trường. Trong tuần qua thị trường có phiên tích cực vượt qua cản SMA100, tuy nhiên lực bán chốt lãi trong phiên cuối tuần kéo VN-Index trở lại vùng tích lũy sau khi nhận thấy dòng tiền nhà đầu tư Thái vào E1VFVN30 đã tạm thời khóa sổ cho việc niêm yết trên SGDCK Thái Lan. Trong tuần tới, 2 ETF sẽ đẩy mạnh cơ cấu danh mục và sẽ tập trung trong phiên giao dịch 21/12 có thể gây ra biến động bất thường khi thanh khoản giảm trở lại. Dù vậy, Thông tin kinh tế vĩ mô cũng dần được công bố giúp NĐT có thêm tầm nhìn cho hoạt động đầu tư trong năm 2019. Nhiều khả năng thị trường tiếp tục giằng co trong tuần tới, các cổ phiếu Bluechips sẽ thể hiện vai trò nâng đỡ thị trường trong ngắn hạn.

VN-Index có thể sẽ đi ngang và giằng co tích lũy

(CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS)

Thanh khoản trong tuần qua suy yếu và hiện đã ở dưới mức trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền không thực sự muốn tham gia ở vùng giá cao hiện tại.

Khối ngoại mua ròng trong tuần qua và đặc biệt là 23,9 triệu chứng chỉ quỹ E1VFVN30, đây là yếu tố có thể tác động tích cực đến tâm lý thị trường.

Trong tuần sau có một thông tin đáng chú ý là cuộc họp của FED vào 2h sáng thứ 5 (20/12) theo giờ Việt Nam.

Trong tuần giao dịch tiếp theo, VN-Index có thể sẽ đi ngang và giằng co tích lũy với biên độ trong khoảng 930-960 điểm (MA10-20 tuần).

Chúng tôi cho rằng chiến lược hợp lý là nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục tiếp tục canh những nhịp tăng lên trên ngưỡng 960 điểm để bán giảm tỷ trọng.

Chiều ngược lại, nhà đầu tư ngắn hạn đang có tỷ trọng tiền mặt cao có thể canh những nhịp chỉnh về khoảng 930-940 điểm để mua vào do đây là điểm mua thứ 2 nếu theo lý thuyết về mô hình 2 đáy trước đó nhằm đón đầu xu hướng tăng ngắn hạn mới có thể diễn ra.

Diễn biến kém lạc quan

(Công ty Chứng khoán Rồng Việt – VDS)

VN-Index giảm kèm thanh khoản thấp là diễn biến kém lạc quan ở thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư nên thận trọng khi giải ngân và cần đảm bảo yếu tố an toàn của danh mục.

Chờ đợi là phản ứng của dòng tiền

(Công ty chứng khoán FPT – FPTS)

Về sự vận động của dòng tiền theo tuần, các cổ phiếu như: TCB, KDH, EIB, STB, CTD, CII… đang thu hút mạnh dòng tiền tích cực. Trong khi đó, nhóm ngân hàng và dầu khí thu hút tiền trong tuần giao dịch trước đang tạm chững lại và giằng co đi ngang. Đây chính là lí do khiến VN-Index chưa thể tạo lập được nền giá cao hơn khu vực 950 – 960 điểm. Về phiên giao dịch cuối tuần ngày 14/12, biến động VNIndex bị bóp méo bởi biến động giảm mạnh của cổ phiếu CTG trong phiên chiều. Tuy nhiên đây không phải là yếu tố mà FPTS chú trong trong tuần kế tiếp. Thay vào đó, yếu tố mà FPTS chờ đợi là phản ứng của dòng tiền trên tổng thể các cổ phiếu thuộc nhóm trụ cột như ngân hàng, dầu khí và VinGroups. Diễn biến này sẽ quyết định khả năng bảo toàn ngưỡng hỗ trợ 950 điểm của VNIndex trong phiên giao dịch đầu tuần kế tiếp. Nếu chỉ số vi phạm ngưỡng này thì nhà đầu tư cần cân nhắc tới các biện pháp bảo toàn danh mục với các vị thế ngắn hạn.

Chờ đợi tín hiệu rõ ràng

(Công ty chứng khoán KIS Việt Nam – KIS)

Tâm lý thị trường trở nên tiêu cực với áp lực bán trên nhóm vốn hóa lớn. Nhà đầu tư có thể nắm giữ danh mục hiện tại và chờ đợi tín hiệu rõ ràng của xu hướng trước khi hành động.

Chịu áp lực điều chỉnh

(Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – YSVN)

YSVN cho rằng thị trường có thể sẽ còn chịu áp lực điều chỉnh trong các phiên giao dịch đầu tuần với mức hỗ trợ gần nhất 940 điểm của chỉ số VN-Index và 106 điểm của chỉ số HNX-Index. Đồng thời, theo hệ thống chỉ báo kỹ thuật ngắn hạn, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu tăng dần và thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho nên áp lực điều chỉnh có chiều hướng gia tăng. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu giảm nhẹ cho thấy chiến lược ngắn hạn là dừng gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.

Cân nhắc mua những mã có triển vọng kinh doanh tích cực

(CTCK Tân Việt – TVSI)

Trong những phiên tới, sự suy yếu của nhóm vốn hóa lớn có thể khiến VN-Index tạm lui về vùng hỗ trợ 925-935 điểm. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng rủi ro giảm sâu không quá lo ngại ở thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó nhịp hồi phục của chỉ số vẫn chưa bị phá vỡ, do đó nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu, đồng thời có thể cân nhắc mua vào đối với những cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực.

Đối với xu hướng ngắn hạn, dao động đi ngang xung quanh vùng giá hiện tại vẫn đang được đánh giá là xu hướng chính.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Theo Nguyễn Tân/Thời báo Chứng Khoán