QC 1
Chủ nhật, ngày 30/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nhiều quy định mới về đất bãi sông, bãi nổi trong Luật Thủ đô sửa đổi

Sáng 28/6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả, có 462 đại biểu (chiếm 95,06%) biểu quyết tán thành.

Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).

Được biết, về các chính sách xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý các quy định về quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê, bảo đảm phù hợp với quy hoạch và yêu cầu về phòng, chống lũ.

Về chính sách đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, của Chính phủ và ý kiến của UBND thành phố Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý các quy định liên quan đến hình thức giao đất, cho thuê đất, thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, quản lý đất đai trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc để vừa phù hợp với thực tiễn, vừa kết nối với các quy định của Luật Đất đai năm 2024, tránh gây xáo trộn quá lớn trong lĩnh vực này ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh bấm nút thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)

Đồng thời, để bảo đảm sự tiếp nối của các chính sách, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay, dự thảo Luật bổ sung thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc xác định mức thu, việc thu, nộp, sử dụng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn trả, tiền sử dụng hạ tầng, tiền xử lý nước thải và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với một số trường hợp cụ thể trong phạm vi Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Đối với việc thực hiện hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được chỉnh lý nội dung này theo hướng quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các nguyên tắc, điều kiện đối với việc thanh toán hợp đồng BT bằng ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất, bảo đảm minh bạch, khả thi; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Cụ thể, xác định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện dự án, thanh toán, quyết toán dự án và thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với từng loại dự án đầu tư hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước và thanh toán bằng quỹ đất;

Đối với hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước, Luật xác định cụ thể các trường hợp được áp dụng, tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư,nguồn vốn thanh toán và thời điểm thanh toán (khoản 4 Điều 40);

Trong khi, đối với hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, Luật xác định rõ loại đất dùng để thanh toán cho nhà đầu tư, tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư, xác định thời điểm giao đất, thời điểm kinh doanh, khai thác dự án đối ứng có sử dụng đất.

Có 462 đại biểu (chiếm 95,06%) biểu quyết tán thành thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).

Luật Thủ đô sửa đổi có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển và quản lý của Thủ đô Hà Nội, nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách và hướng tới sự phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập quốc tế.

Luật Thủ đô sửa đổi giúp định hướng việc quản lý đô thị, xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự và môi trường sống cho người dân.

Bên cạnh đó, quy định về quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan đô thị nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hiện đại, hài hòa và bền vững.

Luật Thủ đô sửa đổi cung cấp các chính sách và cơ chế ưu đãi về tài chính, thuế và đầu tư, khuyến khích phát triển kinh tế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Hoàng Sơn/Vietnam Finance