QC 1
Thứ 4, ngày 08/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nhờ PVcomBank hậu thuẫn, doanh nghiệp BĐS “lạ” huy động 2.250 tỷ trái phiếu, gấp đến 10 lần vốn điều lệ

“Con nợ” của lô trái phiếu gần 100 triệu USD – Công ty TNHH Phát triển kinh doanh Xây dựng 3 là doanh nghiệp bất động sản, được thành lập vào tháng 7/2019, với vốn điều lệ chỉ 2 tỷ đồng. Từ tháng 2/2022, doanh nghiệp được sang tên cho nhóm cổ đông khác, và dịch chuyển trụ sở chính về tòa nhà Icon4 số 243A Đê La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội.

PVcomBank là một trong những ngân hàng có “khẩu vị” cho vay bất động sản lớn nhất hệ thống. Đồng thời, hoạt động đầu tư trái phiếu ở ngân hàng này cũng rất sôi nổi.

Công ty TNHH Phát triển kinh doanh Xây dựng 3 (viết tắt là Xây dựng 3) vừa phát hành thành công gói trái phiếu XD3CH2328001 trị giá 2.250 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 14%/năm.

Quá trình chào bán trái phiếu chỉ diễn ra trong một ngày (20/6/2023), tương ứng ngày đáo hạn 20/6/2028. Đây là thông tin rất đáng chú ý, giúp hâm nóng lại thị trường trái phiếu vốn đang trong giai đoạn ảm đạm nhất từ trước tới nay, đặc biệt đối với nhóm ngành bất động sản – lĩnh vực hoạt động chính của Xây dựng 3.

Thông thường, công đoạn phát hành trái phiếu hoàn tất ngay trong ngày thể hiện trái chủ đằng sau thương vụ là một tổ chức tín dụng thân hữu. Điều đó cũng hoàn toàn hợp lý nếu quan sát năng lực tài chính của Xây dựng 3 trước thời điểm huy động vốn.

“Con nợ” của lô trái phiếu gần 100 triệu USD – Xây dựng 3 là doanh nghiệp bất động sản, được thành lập vào tháng 7/2019, với vốn điều lệ chỉ 2 tỷ đồng. Từ tháng 2/2022, doanh nghiệp được sang tên cho nhóm cổ đông khác, và dịch chuyển trụ sở chính về tòa nhà Icon4 số 243A Đê La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội.

Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật khi đó là ông Vũ Việt Hải (SN 1976) – thay thế ông Trần Ngọc Tôn, một trong 3 cổ đông sáng lập. Đến tháng 5/2023, người đứng tên cho Xây dựng 3 là bà Phạm Thị Thu Hường, nữ doanh nhân tuổi Sửu đang thường trú ở Hà Nội.

Ít ngày sau, vẫn trong tháng 5/2023, Xây dựng 3 bất ngờ tăng vốn điều lệ từ 2 tỷ đồng lên 252 tỷ đồng, là bước chuẩn bị tối quan trọng cho thương vụ phát hành 2.250 tỷ đồng diễn ra vào tháng tới. Và chưa đầy một tháng sau khi tăng vốn gấp trăm lần, Xây dựng 3 huy động thành công lô trái phiếu như đề cập phía trên.

Những diễn biến trên khiến dư luận hoài nghi về mục đích tăng vốn của Xây dựng 3, và dù đã có bước tăng “thần tốn” song hệ số nợ vay trái phiếu trên vốn của họ vẫn gấp đến 10 lần, là con số quá rủi ro, tồn tại sự thiếu minh bạch, có thể gây méo mó thị trường và chắc chắn thu hút nhiều sự chú ý của cơ quan quản lý nhà nước.

Lúc này, sự quan tâm được đổ dồn về phía Ngân hàng TMCP Đại Chúng – PVcomBank, nhà băng được xem là hậu thuẫn chính cho các hoạt động kinh doanh của Xây dựng 3.

Theo nguồn tin của Kinhtechungkhoan.vn, tại ngày 19/6/2023, Xây dựng 3 phát sinh giao dịch đảm bảo với PVcomBank – Chi nhánh TP.HCM, trong đó tài sản đảm bảo là tất cả các quyền tài sản (không bao gồm quyền sử dụng đất và không bao gồm quyền sở hữu nhà ở) của Xây dựng 3 liên quan đến Hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án Đầu tư xây dựng nhà ở thương mại An Sinh, thuộc khu D khu cửa ngõ Đông Bắc, phường Tân Thành, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau

Hợp đồng này mới có hiệu lực từ ngày 25/5/2023, với bên chuyển nhượng cho phía Xây dựng 3 là Công ty TNHH Đầu Tư Xây Dựng và Thương Mại CIT.

Về bà Phạm Thị Thu Hường, cũng tại ngày 19/6/2023, nữ doanh nhân đã đem toàn bộ số cổ phần trị giá 252 tỷ đồng theo mệnh giá của mình (tương đương 100% vốn điều lệ) của mình tại Xây dựng 3 để thế chấp cho phía PVcomBank – Chi nhánh TP.HCM. Như vậy, có thể thấy rõ mối quan hệ làm ăn giữa doanh nghiệp và ngân hàng này.

Đáng nói, đây không phải lần đầu bà Thu Hường đem gán sạch cổ phần tại một doanh nghiệp cho PVcomBank. Trước đó tháng 6/2021, cá nhân này cũng mang 100% cổ phần của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư kỷ nguyên mới (trị giá 101 tỷ đồng theo mệnh giá) cho PVcomBank – Chi nhánh Đống Đa.

Tương tự Xây dựng 3, đây cũng là doanh nghiệp ít tuổi, quy mô vốn ban đầu chỉ 1 tỷ đồng, và sau đó tăng vốn “sốc” trước thềm phát sinh giao dịch với PVcomBank.

Những năm trở lại đây, không hiếm các thương vụ trái phiếu có dấu ấn của PVcomBank khiến nhiều người phải lo ngại về tính minh bạch.

Chẳng hạn như Kinhtechungkhoan.vn vừa thông tin, tháng 5/2023, Công ty CP Đầu tư Revital Việt Nam (viết tắt là Revital Việt Nam) – một doanh nghiệp không mấy tên tuổi nhưng đang “cõng” trên vai khoản nợ trái phiếu cỡ “khủng” lên tới 1.155 tỷ đồng bất ngờ làm thủ tục giải thể, gây xôn xao dư luận.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu Revital Việt Nam giải thể nhằm đáp ứng quy định sáp nhập vào Công ty CP Phát triển đầu tư – Xây dựng Bách Giang – DCI (viết tắt là Bách Giang – DCI). Cùng thời điểm, Bách Giang – DCI cũng nhận sáp nhập Công ty CP Đầu tư Thủy Hoa (Đầu tư Thủy Hòa).

Revital Việt Nam và Đầu tư Thủy Hòa có điểm chung là đã phát hành lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tổng trị giá 2.100 tỷ đồng. Các trái phiếu này được lưu ký bởi Công ty Chứng khoán Dầu khí – PSI, trong khi PVcomBank là ngân hàng nhận tài sản bảo đảm, đều là cổ phần của doanh nghiệp.

Liên quan đến thương vụ này là nữ doanh nhân Trịnh Thị Hà (SN 1979), người có mối quan hệ sâu sắc trong hệ sinh thái PVcomBank.

Băn khoăn chất lượng tài sản PVcomBank

PVcomBank là một trong những ngân hàng có “khẩu vị” cho vay bất động sản lớn nhất hệ thống. Đồng thời, hoạt động đầu tư trái phiếu ở ngân hàng này cũng rất sôi nổi.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của PVcomBank đạt 235.151 tỷ đồng, tăng 22,5% so với năm trước. Trong đó, cho vay khách hàng của PVcomBank là 105.953 tỷ đồng, cao hơn 21,7% chỉ sau một năm; chứng khoán đầu tư cũng tăng 31,5% lên mức 40.733 tỷ đồng.

Về chất lượng cho vay, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của PVcomBank tăng thêm 457 tỷ đồng, tương ứng gần 30% trong năm 2022; trong khi đó hai nhóm nợ xấu khác (nhóm 3 và 4) lần lượt giảm 24% và 42% so với cùng kỳ.

Tính chung, tổng nợ xấu nội bảng của PVcomBank giảm nhẹ xuống 3.060 tỷ đồng, song chất lượng vẫn chưa cải thiện đáng kể khi có sự dịch chuyển từ nợ nhóm 3 – 4 sang nhóm 5 (chiếm 65,5% tổng nợ xấu).

Đối với hoạt động đầu tư trái phiếu, năm 2022, PVcomBank mạnh tay chi hơn 7.200 tỷ đồng để mua thêm chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành, qua đó đẩy tổng giá trị nắm giữ lên 15.758 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần năm trước.

Xét theo giá trị tuyệt đối, khoản đầu tư vào các chứng khoán nợ của tổ chức kinh tế tại PVcomBank đang cao gấp rưỡi vốn chủ sở hữu, và chỉ riêng năm 2022 đã phát sinh tăng xấp xỉ 68% vốn tự có của ngân hàng.

Về dư nợ theo ngành, PVcomBank đang cho vay vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt mức 7.254 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022, chiếm 6,7% dư nợ cho vay của ngân hàng này. Dù vậy, các chuyên gia đánh giá con số thực tế “chảy” vào lĩnh vực bất động sản có thể cao hơn nhiều thông qua kênh “vay tiêu dùng” và đầu tư trái phiếu.

Theo Vân Oanh/Kinh tế Chứng khoán

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/nho-pvcombank-hau-thuan-doanh-nghiep-bds-la-huy-dong-2250-ty-trai-phieu-gap-den-10-lan-von-dieu-le-189395.html